Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong điều hành phần thảo luận
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở
Phát biểu mở đầu hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, dân chủ là thực hiện mối quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ, giữa nghĩa vụ và trách nhiệm, quyền và lợi ích, lợi ích hưởng càng nhiều bao nhiêu thì quyền và nghĩa vụ phải tương xứng nhiều bấy nhiêu. Mối quan hệ dân chủ thể hiện rõ mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân, thể hiện rõ trong hoạt động hằng ngày là quan hệ giữa công chức, người của Nhà nước trong việc tiếp công dân, người làm chủ xã hội.
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương tham luận tại Hội thảo
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, thành phố Hà Nội có nhiều đặc thù, về tổ chức Đảng là một đảng bộ đông nhất cả nước, với 47 vạn đảng viên, 50 tổ chức Đảng trực thuộc Thành ủy, trình độ dân trí ngày càng nâng cao, tập trung nhiều tinh hoa trí thức, nhiều cán bộ có trình độ cao về mọi lĩnh vực, cả học vấn lẫn chính trị, thực tiễn… Đó là thuận lợi trong việc thực hiện cuộc vận động dân chủ của Hà Nội. Chưa kể đến địa bàn, dân cư đông đảo, Hà Nội có 30 quận, huyện, thị xã có dân tộc thiểu số, có nhiều tầng lớp dân cư, xu hướng đô thị hóa, đồng thời, gắn liền với dân chủ hóa, công nghiệp hóa.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát huy dân chủ ở cơ sở trong xây dựng Đảng trên địa bàn Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: “Phát huy dân chủ ở cơ sở trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị là giải pháp quan trọng, tiền đề phát huy dân chủ trong toàn xã hội. Đồng thời, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khai thác và phát huy tối đa các nguồn lực của nhân dân”.
Từ thực tiễn hiện nay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Trung Ý kiến nghị 7 nhóm giải pháp để phát huy dân chủ trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở ở thành phố Hà Nội hiện nay. Trong đó, cần cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho đảng viên và nhân dân. Trước khi ban hành chủ trương, kế hoạch, quyết sách liên quan đến quyền và lợi ích của đảng viên và nhân dân phải lấy ý kiến của đảng viên và nhân dân.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tham luận tại Hội thảo
Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Anh, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong cho biết, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố Hà Nội luôn chú trọng thực hiện tốt, phát huy hiệu quả việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Tuy nhiên, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở còn một số hạn chế. Cụ thể, chất lượng thực hiện ở các loại hình chưa đồng đều; dân chủ trong một số cơ quan, đơn vị doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Anh, để thực sự phát huy dân chủ cơ sở góp phần tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các cấp của Thành phố trong sạch, vững mạnh, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần thực sự phát huy dân chủ rộng rãi trong Đảng. Trong đó, Thành ủy tiếp tục lãnh đạo cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, nghị quyết của Đảng về phát huy dân chủ thành các quy chế, quy định, hướng dẫn để thống nhất tổ chức thực hiện. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp của Thành phố phát huy vai trò, vị trí của mình theo quy định của Đảng và các văn bản pháp luật để thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Anh, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong tham luận tại Hội thảo
Từ thực tiễn phát huy dân chủ ở địa phương, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Xuyên Nguyễn Văn Cương cho rằng, cần thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy và hoạt động chính quyền các cấp. Trong đó, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành chủ trương, nghị quyết, chỉ thị. Mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường giữ vững kỷ luật, kỷ cương và nguyên tắc của Đảng. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát quyền lực; gắn trách nhiệm về Đảng với trách nhiệm về chính quyền. Đẩy mạnh cải cách hành chính; đổi mới tổ chức bộ máy, quy trình tổ chức thực hiện, phương pháp, phong cách, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
Là huyện có đông đồng bào Công giáo sinh sống, Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát huy dân chủ ở cơ sở, xây dựng khối đoàn kết lương giáo trên địa bàn. Theo Bí thư Huyện ủy Thanh Oai, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải làm nòng cốt trong việc tuyên truyền vận động tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; hướng mạnh phong trào đến cơ sở, khu dân cư, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước nhằm phát huy sức mạnh nội lực trong đồng bào có đạo. Thường xuyên lắng nghe ý kiến, kiến nghị của người dân, kịp thời phản ánh với cấp ủy, chính quyền các cấp và mặt trận Tổ quốc cấp trên.
Phát huy dân chủ trực tiếp ở cơ sở là nội dung trọng yếu
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết, hội thảo đã tập hợp được hơn 50 bài tham luận, thu hút được sự tham dự của hơn 150 đại biểu đến từ nhiều cơ quan, ban, bộ, ngành khác nhau, đặc biệt là các đại biểu đến từ Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, các quận, huyện và từ Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản. Với hơn 10 ý kiến phát biểu, tham luận đã làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phát huy dân chủ nhằm tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong bối cảnh hiện nay ở nước ta, đặc biệt là tại Thủ đô Hà Nội; hướng tới mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu kết luận Hội thảo
Trong đó, các tác giả đi sâu phân tích về bản chất nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta và vị trí, vai trò thực chất việc phát huy dân chủ đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở nói chung và trên địa bàn Thủ đô Hà Nội nói riêng. Các nhà khoa học chỉ rõ, xây dựng và phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là chủ trương lớn của Đảng, trong đó, phát huy dân chủ trực tiếp ở cơ sở là nội dung trọng yếu.
Nhiều tham luận tập trung đánh giá làm rõ thực trạng phát huy dân chủ nhằm tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn Thủ đô Hà Nội trong thời gian qua và những vấn đề đặt ra; chỉ rõ những kết quả đạt được, những hạn chế cần nhanh chóng khắc phục và những nguyên nhân của kết quả, hạn chế đó. Với vị thế, vai trò là Đảng bộ Thủ đô, đảng bộ lớn nhất cả nước có 50 đảng bộ trực thuộc, gần 47 vạn đảng viên, chiếm khoảng 9% số lượng đảng viên của cả nước; nhất là trong giai đoạn phát triển mới hiện nay, đòi hỏi Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn phải phát huy mạnh mẽ dân chủ, tiên phong trong việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị Thành phố thật sự trong sạch, vững mạnh.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Minh Huấn, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều tham luận cũng chỉ rõ, việc thực hiện phát huy dân chủ ở cơ sở, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng bộ thành phố Hà Nội vẫn gặp một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể, nhận thức về dân chủ và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn hạn chế. Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng ở một số cấp ủy, tổ chức Đảng có việc còn chưa nghiêm...
Nhiều bài viết cũng tập trung làm rõ, đánh giá đúng thực trạng phát huy dân chủ trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn Thủ đô hiện nay, đúc rút những bài học kinh nghiệm quý báu. Từ đó, đề xuất quan điểm và những giải pháp đồng bộ, khả thi để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện dân chủ, tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở nhằm phát triển Thủ đô Hà Nội nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Quang cảnh Hội thảo
Từ thực tiễn tại Hà Nội, các tác giả nhấn mạnh, niềm tin của nhân dân Thủ đô đối với vai trò lãnh đạo của Thành ủy, hệ thống chính trị toàn Thành phố được nâng cao. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng được củng cố. Nhờ phát huy dân chủ trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, trong thời gian qua, nhiều ý kiến phản ánh, góp ý của đảng viên, hội viên, đoàn viên đã giúp các cấp ủy Đảng trong công tác xây dựng tổ chức, lựa chọn cán bộ, thực hiện các nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm sát với tình hình thực tiễn của địa phương. Nhiều bài viết đi sâu phân tích về những lĩnh vực có vị trí, vai trò quan trọng, then chốt, nhất là thực tiễn phát huy dân chủ trong công tác cán bộ và xây dựng chính quyền đô thị tại Thủ đô Hà Nội; vấn đề thực hiện quyền làm chủ và giám sát của nhân dân khi không tổ chức Hội đồng nhân dân phường...
“Đó là những nội dung chính mà chúng tôi tạm thời tổng hợp lại do thời gian và điều kiện có hạn. Sau Hội thảo, chúng tôi chắt lọc, tham mưu cho những kế hoạch gắn với phát huy dân chủ nhằm tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, góp phần tiếp tục xây dựng chương trình hành động cụ thể, thiết thực và hiệu quả hơn. Tạp chí Cộng sản, với tư cách là cơ quan lý luận chính trị của Trung ương Đảng, sẽ tiến hành chọn lọc những bài viết có chất lượng để biên tập, đăng tải trên các ấn phẩm; đồng thời, xây dựng báo cáo gửi Thành ủy, UBND Thành phố để đưa vào các chương trình, nghị quyết của thành phố Hà Nội”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh.
Trọng Toàn - HNP