Sản lượng cá tra phục hồi trong qúy IV/2021
Kinhte&Xahoi
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong năm 2021, hoạt động chế biến và xuất khẩu các tra của Việt Nam đã có nhiều biến động.
Đồ họa sản lượng cá tra các Quý năm 2021. Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2021 là năm có nhiều biến động và khó khăn đối với nền kinh tế nói chung và ngành hàng cá tra nói riêng do tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Làn sóng Covid-19 lần thứ tư bùng phát mạnh ở TP. Hồ Chí Minh và 18 tỉnh, thành phố phía Nam, khu vực trọng điểm chế biến và xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã tác động lớn đến hoạt động thả giống, nuôi, thu hoạch, chế biến và xuất khẩu cá tra.
Diện tích nuôi, sản lượng giảm, cá quá lứa do thiếu công nhân thu hoạch, hạn chế đi lại ảnh hưởng tới việc thu mua, ngoài ra việc kiểm tra dịch bệnh và sản xuất “3 tại chỗ” khiến chi phí tăng cao. Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản tạm ngưng hoặc dừng hoạt động do phải đối mặt với chi phí vận tải quốc tế tăng cao, thiếu công-ten-nơ rỗng chở hàng để giao hàng đúng thời hạn hợp đồng.
Theo Tổng cục Thủy sản, diện tích thả nuôi cá tra trong các tháng 7, 8, 9 giảm từ 30- 55% so với cùng kỳ năm 2020 do nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Sản lượng cá tra quý III/2021 ước tính đạt 324,3 nghìn tấn, giảm tới 17,9% so với cùng kỳ năm 2020. Đến đầu tháng 9/2021 có 176/449 cơ sở chế biến cá tra ngừng sản xuất (39,2%) do không đáp ứng được gánh nặng chi phí và điều kiện “3 tại chỗ”, 49% nhà máy chế biến cá tra tại 5 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long phải tạm dừng hoạt động, số lao động phải nghỉ việc do dịch Covid-19 khoảng trên 70%.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá tra tháng 6/2021 tăng 28% so với cùng kỳ năm trước thì đến tháng 7/2021 mức tăng chỉ còn 2,1%, tháng 8/2021 giảm 28,5%; tháng 9/2021 giảm tới 36,5%. Tính chung cả quý III/2021, kim ngạch xuất khẩu cá tra chỉ đạt 295 triệu USD giảm 21% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 9/2021, lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng dần trên cả nước, tiếp đó, ngày 11/10/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị Quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đã kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, ngành hàng cá tra dần phục hồi trở lại.
Theo Tổng cục Thủy sản, diện tích thả nuôi trong tháng 10 tăng mạnh 81,2% so với cùng kỳ năm 2020 (các tháng 3, 4, 5, 6 cũng có diện tích thả nuôi tăng mạnh lần lượt là: 63%, 42,3%, 34%, 12%).
Diện tích thả nuôi phát sinh trong năm 2021 ước đạt 5.000 ha, tăng 5,5% so với năm 2020. Cả nước có 96 cơ sở sản xuất giống cá tra (trong đó, có 80 cơ sở đang hoạt động) và 2.289 cơ sở ương dưỡng giống cá tra.
Sản lượng cá tra bột (khoảng 25 tỷ con) và cá tra giống (3,1 tỷ con) bằng 62% so với năm 2020. Sản lượng cá tra thu hoạch trong quý IV/2021 ước tính đạt 473,6 nghìn tấn, tăng tới 46% so với quý III/2021 và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là quý có sản lượng cao nhất so với các quý trong năm và cũng là quý có sản lượng cao nhất các quý trong 3 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, tính chung năm 2021 sản lượng cá tra thu hoạch ước đạt gần 1,5 triệu tấn, giảm 4% so với năm 2020, thấp nhất trong 3 năm trở lại đây, bởi trong năm 2021 có 2 quý có sản lượng thấp (Quý I/2021 đạt 321,8 nghìn tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước; quý II/2021 đạt 324,3 nghìn tấn, giảm 17,9%) và do ngành này đã phải chống đỡ khó khăn kéo dài từ năm 2020, đặc biệt là người nuôi cá tra vừa phải chịu chi phí chăn nuôi tăng cao, giá bán thấp, vừa gặp khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ.
Các thị trường nhập khẩu chính sản phẩm thủy sản đang trên đà phục hồi nhờ tiêm phòng vắc-xin diện rộng và Chính phủ triển khai các biện pháp hỗ trợ sau đợt bùng phát dịch Covid-19. Theo VASEP, kim ngạch xuất khẩu cá tra tính đến hết tháng 11/2021 đạt hơn 1,4 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, thị trường Mỹ chiếm 22% và Trung Quốc chiếm 28% tỷ trọng xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đã từng bước hồi phục và tăng trưởng dương. Tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu cá tra vào thị trường này đạt gần 324 triệu USD tăng 48% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu cá tra được dự báo tiếp tục tăng trưởng nhờ các Hiệp định Thương mại tự do tiếp tục là đòn bẩy xúc tiến thương mại sang nhiều thị trường tiềm năng khác. Hiện các doanh nghiệp Việt Nam đã dần thích ứng với các quy định kiểm soát dịch Covid-19 nghiêm ngặt từ thị trường Trung Quốc.
Trong năm 2022, thị trường Mỹ dự báo sẽ không còn sôi động như năm trước do lượng cá tra nhập khẩu trong năm 2021 của nước này đã đáp ứng được phần lớn lượng hàng thiếu hụt gây ra bởi khủng hoảng kinh tế khi chưa kịp ứng phó với dịch Covid-19.
Ngành Thủy sản cũng đang nỗ lực hỗ trợ phía người nuôi cá tra nhằm tránh tình trạng thiếu nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu chế biến cá tra xuất khẩu trong năm 2022.
N. Trường - Pháp luật Plus