Skin Glow Mầm sinh: Mỹ phẩm đội lốt thuốc điều trị?

22/02/2019 14:57

Kinhte&Xahoi Thương hiệu mỹ phẩm Skin Glow được biết đến là dòng sản phẩm được nhập khẩu từ Nhật Bản, nhưng dòng sản phẩm này lại có một “đứa con lạc loài” mang tên Skin Glow Mầm sinh sản xuất tại Long An.

Chúng tôi đã có bài viết "Skin Glow mầm sinh: Mỹ phẩm “đội lốt” thuốc đặc trị nám” qua đó phản ánh về việc Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Thái Minh Anh sản xuất và phân phối mỹ phẩm “Skin glow mầm sinh” nhưng lại quảng cáo và có nhãn mác bao bì như một loại thuốc trị bệnh. Cụ thể, Công ty Thái Minh Anh lại quảng cáo như thuốc chữa bệnh, có tác dụng điều trị bệnh nám, tàn nhang, thậm chí khẳng định chữa khỏi với những lời lẽ đánh vào lòng tin của nhiều chị em phụ nữ.

 Skin Glow Mầm sinh "version 1" với những công dụng ghi điều trị bệnh lý về da.
Trong cuộc trao đổi với PV, một đại diện từ Thái Minh Anh cho biết thời điểm 11/01/2019 công ty Thái Minh Anh vẫn chưa có hồ sơ công bố cho sản phẩm này và nội dung công dụng ghi trên sản phẩm cũng chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định. Kỳ lạ thay, sau hơn 1 tháng với những thông tin mà báo chí phản ánh, những mẫu quảng cáo khẳng định “Skin Glow mầm sinh” điều trị được nám tàn nhang vẫn lan truyền trên mạng, cá biệt có cả hình ảnh bà Nguyễn Thị Nhung (Đại sứ thương hiệu Skin Glow) với những hình ảnh so sánh “trước – sau” khi dùng mầm sinh.

Công ty Thái Minh Anh có mã số thuế: 0107791322, địa chỉ đăng ký kinh doanh lần đầu tại Số 44 Trần Đăng Ninh, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Hà Nội nay chuyển về Số 444, đường Trần Hưng Đạo, Phường Trần Hưng Đạo, Thành phố Phủ Lý, Tỉnh Hà Nam, Việt Nam. Giám đốc đại diện là ông Tô Minh Tiến. Theo như thông tin đăng tải trên cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp công ty Thái Minh Anh không đăng ký ngành nghề sản xuất hay buôn bán mỹ phẩm. Địa chỉ đăng ký kinh doanh nêu trên còn trùng khớp với các cơ sở thẩm mỹ Nhung Spa.

 Skin Glow Mầm sinh không còn "hồn" Nhật Bản? (Ảnh tại lễ ký kết hợp tác nhập khẩu Skin Glow)

Trước đó, cuối năm 2017, Công ty Thái Minh Anh là đơn vị nhập khẩu và phân phối các sản phẩm thương hiệu Skin Glow có xuất xứ từ Nhật Bản, Thương hiệu Skin Glow được bà Nguyễn Thị Nhung là Đại sứ thương hiệu. Trong đó có nhiều dòng sản phẩm với những công dụng hỗ trợ điều trị mụn, nám, tàn nhang.

Tuy nhiên, Skin Glow mầm sinh không phải là mỹ phẩm nhập khẩu và càng không có công dụng điều trị bệnh lý về da. Một đại diện Sở y tế Long An khẳng định, Skin Glow được sản xuất tại nhà máy đặt tại Long An và có số công bố mỹ phẩm 030/2019/CBMP-LA. Người này cũng cảnh báo việc quảng cáo Skin Glow mầm sinh là thuốc điều trị mụn, nám là hoàn toàn sai với các quy định của pháp luật và khuyến cáo người tiêu dùng cảnh giác với kiểu quảng cáo bán hàng trá hình này.

Skin Glow Mầm sinh vẫn vô tư "đội lốt" thuốc điều trị.

Trong một diễn biến khác, sản phẩm Skin Glow mầm sinh còn xuất hiện trong các tư vấn của bà Nguyễn Thị Nhung vẫn với các khẳng định điều trị tất cả các loại bệnh lý về mụn, triệt tiêu tận gốc nám da,… điều này dấy lên những lo ngại cho người tiêu dùng. Đề nghị Sở Y tế tỉnh Long An, Sở Y tế tỉnh Hà Nam cũng như các cơ quan chức năng liên quan sớm vào cuộc để có những thông tin khách quan nhất tránh việc người tiêu dùng vì quá tin vào những lời tư vấn trái với đạo đức nghề nghiệp để mua hàng.

Qua đây, chúng tôi cũng khuyến cáo người tiêu dùng trước khi mua hay sử dụng Skin Glow mầm sinh cần phải có những hiểu biết rõ ràng về sản phẩm. Bất cứ ai giới thiệu Skin Glow mầm sinh có khả năng điều trị bệnh lý về da cũng cần phải cân nhắc bởi Skin Glow mầm sinh là mỹ phẩm không phải thuốc điều trị được Cục quản lý dược cấp phép.

PV sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong các bài viết tiếp theo.

Theo Thương Trường/GĐPL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

SSI: 'Sacombank còn khoảng 84.200 tỷ đồng tài sản có vấn đề, giảm 5,5% so với năm 2017'

SSI ước tính rằng đến hết năm 2018, Sacombank vẫn còn khoảng 84.200 tỷ đồng tài sản có vấn đề, giảm 5,5% so với năm 2017 và chiếm khoảng 20,8% tổng tài sản, bao gồm 40.000 tỷ đồng trái phiếu VAMC và 44.000 tỷ đồng các khoản phải thu lãi và phí phải thu. Kết quả này thấp hơn so với mức 24,2% tổng tài sản trong năm 2017.