Xem nhiều

Thu hút đầu tư nước ngoài: Hành động nhanh trước cơ hội lớn

15/05/2020 15:38

Kinhte&Xahoi LTS: Như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị với doanh nghiệp ngày 9-5 vừa qua, thu hút vốn đầu tư nước ngoài là một trong 5 “mũi giáp công” để phục hồi nền kinh tế nước ta. Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón “làn sóng” chuyển dịch của các chuỗi cung ứng thế giới. Hành động nhanh để đón bắt cơ hội là yêu cầu đặt ra với các bộ, ngành, địa phương hiện nay.

Năm 2019, Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài đạt hơn 38 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm qua. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Điện tử Saiyida Vina (tỉnh Vĩnh Phúc). Ảnh: Giang Sơn

Bài đầu: Vai trò và cơ hội mới

 Khu vực đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận cấu thành của nền kinh tế, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, thu ngân sách cũng như thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam. Với thành công trong kiểm soát dịch Covid-19, Việt Nam lại đứng trước cơ hội trở thành điểm đến an toàn đón làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đóng góp gần 70% kim ngạch xuất khẩu

Đến nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 370 tỷ USD, trong đó vốn đã giải ngân đạt khoảng 58%. Riêng năm 2019, Việt Nam thu hút hơn 38 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm qua. Vốn giải ngân cũng đạt 20,38 tỷ USD, lập kỷ lục mới.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 4 tháng đầu năm 2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 12,23 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng, riêng tháng 4 vừa qua, Việt Nam đã thu hút thêm 3,78 tỷ USD vốn mới, tức xấp xỉ kết quả của cùng kỳ năm ngoái, nhưng tăng tới hơn 81% so với tháng 3 và đó là dấu hiệu cho thấy sự hồi phục nhanh chóng trong lĩnh vực quan trọng này. Xét về cơ cấu, lượng vốn điều chỉnh lại tăng 45,6% so với cùng kỳ năm 2019, vốn đăng ký mới cũng tăng 26,9%, thể hiện niềm tin của nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam.

“Thực tế, nhiều quốc gia cũng mong muốn và tham gia cuộc đua cạnh tranh thu hút đầu tư, nhưng chưa đạt được kết quả như trên khi các nhà đầu tư lớn đều tạm dừng, điều chỉnh việc triển khai dự án, mục đích kinh doanh trên phạm vi toàn cầu”, ông Đỗ Nhất Hoàng đánh giá.

Đáng lưu ý là tại Việt Nam ngày càng xuất hiện những dự án có công nghệ hiện đại, tập trung vào nghiên cứu và chế tạo sản phẩm chất lượng cao, có tác dụng lan tỏa và tham gia đẩy nhanh công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế. Đơn cử như dự án Nhà máy Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine của Tập đoàn UAC (Hoa Kỳ) trị giá 170 triệu USD tại Đà Nẵng vừa khánh thành; hay dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu - Phát triển của Tập đoàn Samsung tại Hà Nội với số vốn 200 triệu USD.

Nhận xét về tầm quan trọng của khu vực đầu tư nước ngoài, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Mại nêu ví dụ, đến nay Tập đoàn Samsung đã đầu tư 17 tỷ USD vào Việt Nam và thường xuyên chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước thông qua mặt hàng điện thoại cao cấp và linh kiện điện tử. Hiện Samsung cũng thu hút hơn 170 nghìn lao động làm việc tại các tổ hợp sản xuất ở Bắc Ninh, Thái Nguyên… Tập đoàn này cũng thường xuyên chia sẻ kỹ thuật với đối tác trong nước và chủ trương nâng số nhà cung ứng cấp một tại Việt Nam lên 50 đầu mối vào năm 2020.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khu vực đầu tư nước ngoài là tác nhân chủ yếu trong việc gia tăng xuất khẩu, đưa nền kinh tế Việt Nam đứng trong nhóm 30 quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới. Năm 2019, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 181,35 tỷ USD, chiếm gần 70% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Khu vực này cũng xuất siêu gần 35,86 tỷ USD giá trị hàng hóa, giúp cán cân thương mại của Việt Nam đạt mức thặng dư 9,9 tỷ USD trong năm 2019, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Xuất hiện làn sóng dịch chuyển đầu tư

Dây chuyền sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH Van Laack ASIA, vốn đầu tư của Cộng hòa Liên bang Đức tại Cụm công nghiệp Ngọc Hồi (Hà Nội). Ảnh: Danh Lam

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 nên giới đầu tư quốc tế đang đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, phân bố lại mạng lưới cơ sở sản xuất trên phạm vi toàn cầu. Trong đó, Việt Nam được xác định là ứng viên sáng giá khi nằm ở khu vực phát triển năng động nhất thế giới, có lực lượng lao động trẻ và vị trí địa lý thuận lợi cho hoạt động giao thương.

Bổ sung nhận định trên, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng xuất hiện mạnh mẽ trên toàn cầu và Việt Nam là điểm đến an toàn sau khi đã kiểm soát tốt dịch Covid-19.

Ông Alex Feldman - Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) xác nhận, Việt Nam là một điểm sáng về đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài vài năm trở lại đây. Nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá cao môi trường đầu tư, sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam. “Một phái đoàn gồm 45 doanh nghiệp Hoa Kỳ vừa tới Việt Nam tìm cơ hội hợp tác, với các lĩnh vực được quan tâm gồm nhập khẩu nông sản, sản xuất linh kiện máy bay, máy móc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe…”, ông Alex Feldman thông tin.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Nicolas Audier đánh giá, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu coi Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn, cạnh tranh, nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19, với các biện pháp y tế công cộng kịp thời cùng gói hỗ trợ kinh tế hiệu quả. Việt Nam đang có vị thế tốt để đón đầu các cơ hội mới và tiếp tục phát triển kinh tế ổn định nhờ cách tiếp cận chủ động này.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam Hong Sun khẳng định, thành công trong phòng, chống dịch Covid-19 và sự ổn định về môi trường đầu tư - kinh doanh đã nâng tầm Việt Nam lên một bước đầy ấn tượng. Theo ông Hong Sun, các công ty đa quốc gia muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất vào nhiều nước sẽ an toàn hơn, và Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư.

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, làn sóng đầu tư mới đã xuất hiện và Việt Nam đứng trước cơ hội mới, hứa hẹn sự gia tăng mạnh về kết quả thu hút dòng vốn này. Vấn đề là sự chuẩn bị kỹ càng, có giải pháp đồng bộ, phù hợp để biến cơ hội thành hiện thực, phục vụ mục tiêu lấy lại tốc độ tăng trưởng cao càng sớm càng tốt.

(Còn nữa)

;
Bình luận
Họ tên :
Email :
Lời bình :
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper 
 
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
Mobile
TieuDe
Nhập mã bảo mật :  
Gửi bình luận
     
Mới nhất | Cũ nhất
Không tìm thấy bản ghi nào

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/967406/thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-hanh-dong-nhanh-truoc-co-hoi-lon?fbclid=IwAR3mnGGMZwLwbp-hqK2cdNP-QX7E5F1Pl8W3IANZObF8AuueWwz2q1mB6_w

Scroll

Kênh thông tin giới trẻ - gioitrenews.com