Thủ tướng dự khai mạc Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 12

19/10/2018 10:56

Kinhte&Xahoi Tối 18/10, giờ địa phương (rạng sáng 19/10, giờ Việt Nam), Hội nghị Cấp cao Á – Âu lần thứ 12 (ASEM 12) đã chính thức khai mạc tại Tòa nhà Europa, thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ.

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo cấp cao của 53 thành viên Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM), gồm 21 quốc gia châu Á, 30 quốc gia châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) và Ban Thư ký ASEAN. Đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu tham dự Hội nghị.

Ngay trước Lễ Khai mạc, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đồng chủ trì lễ đón chính thức các nhà Lãnh đạo ASEM với nghi thức trang trọng.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Hội đồng châu Âu.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đánh giá cao những thành tựu của Diễn đàn kể từ Hội nghị Cấp cao ASEM 11 tại Ulanbato, Mông Cổ năm 2016, đề cao vai trò ASEM là cơ chế hợp tác, đối thoại quan trọng hàng đầu giữa hai châu lục, đi đầu thúc đẩy hợp tác đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, ổn định tại khu vực và trên thế giới. 

Với chủ đề “Châu Á và châu Âu: Quan hệ đối tác toàn cầu nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu”, Hội nghị ASEM 12 – Cấp cao đầu tiên trong thập niên phát triển thứ ba của Diễn đàn – có ý nghĩa quan trọng nhằm đề ra định hướng, tầm nhìn hợp tác ASEM trong thập kỷ mới trên cả ba trụ cột là đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế và hợp tác trên các lĩnh vực khác.

Trong các phát biểu tiếp theo, Tổng thống Mông Cổ - chủ nhà của Hội nghị Cấp cao ASEM 11 năm 2016 và Thủ tướng Áo - nước Chủ tịch luân phiên EU, nhấn mạnh trước những chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc của tình hình quốc tế và tại hai châu lục, ASEM cần tiếp tục phát huy vai trò hàng đầu đóng góp duy trì đà tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy kết nối, phát triển bền vững, bao trùm và ứng phó hữu hiệu hơn với các thách thức toàn cầu, qua đó khẳng định vị thế ngày càng quan trọng của Diễn đàn. Các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh cần nỗ lực hợp tác đưa quan hệ đối tác Á-Âu đi vào chiều sâu và hiệu quả, đồng thời giữ vững các giá trị cốt lõi và các nguyên tắc cơ bản của ASEM về bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới dự Hội nghị ASEM 12. Ảnh: Hội đồng châu Âu

Các nhà lãnh đạo ASEM đã dành thời gian nghe các Chủ tịch của Hội nghị Đối tác Nghị viện Á-Âu lần thứ 10 (đã họp ngày 27-28/9), Diễn đàn Nhân dân Á-Âu lần thứ 12 (đã họp ngày 29/9-01/10), Diễn đàn lao động Á-Âu lần thứ 11 (họp 16-17/10), Diễn đàn Doanh nghiệp Á-Âu lần thứ 16 (họp ngày 18/10), Diễn đàn Lãnh đạo trẻ Quỹ Á-Âu lần thứ 3 (họp ngày 15-19/10), trình bày các khuyến nghị của 5 hoạt động được tổ chức hướng tới Hội nghị Cấp cao ASEM 12. Đây là dịp để các lãnh đạo lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng của người dân, các nghị sỹ, doanh nghiệp, người lao động và thanh niên Á-Âu đóng góp cho xây dựng tầm nhìn hợp tác ASEM thời gian tới.

Tối cùng ngày, các lãnh đạo đã dự Tiệc chiêu đãi chính thức do Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk chủ trì tại Bảo tàng Nghệ thuật và Lịch sử hoàng gia Bỉ với chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử và truyền thống Á-Âu.

Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 12 sẽ tiếp tục trong ngày 19/10, với ba phiên họp tập trung trao đổi các vấn đề kinh tế, tài chính, các thách thức toàn cầu và các vấn đề quốc tế và khu vực đang nổi lên hiện nay.

 

Theo chinhphu.vn/hoanhap.vn


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Năm 2018: Dư nợ tín dụng có thể tăng 15,22%

Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 4,52% trong Quý IV/2018 và tăng 15,22% trong năm 2018 trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay được các tổ chức tín dụng (TCTD) dự báo tiếp tục duy trì ổn định trong Quý IV/2018 và cả năm 2018.

Nở rộ cho vay online biến tướng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói gì?

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, nắm bắt tình trạng của tín dụng đen và cũng đã có báo cáo, kiến nghị để Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành có giải pháp quản lý chung đối với hoạt động tín dụng, tránh hiện tượng tín dụng đen.