Xem nhiều

Thủ tướng: Thời gian đầu tháng 8 quyết định có bùng phát dịch quy mô lớn hay không

04/08/2020 10:41

Kinhte&Xahoi Ngày 3/8 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020.

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận các nội dung: tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng; công tác phòng, chống dịch Covid-19; phương án thi tốt nghiệp Trung học phổ thông trong bối cảnh dịch Covid-19 khởi phát trở lại;

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TTXVN

Tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết và xây dựng Chính phủ điện tử; công tác hỗ trợ người lao động do tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP và Nghị định 113/2018/NĐ-CP từ nguồn Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp; chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa theo Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ; dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế;…

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cuối tháng 7, khi phát biện ca nhiễm Covid-19 mới sau 99 ngày không ghi nhận lây nhiễm trong cộng đồng, Thường trực Chính phủ đã có 3 cuộc họp chỉ đạo công tác chống dịch trên tinh thần “thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực để xử lý triệt để các ổ dịch”. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chúng ta tiếp tục coi “chống dịch như chống giặc”; mỗi gia đình, thôn, bản, xóm, làng là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch. Đà Nẵng, Quảng Nam và các địa phương có dịch đã có các biện pháp cương quyết để ngăn ngừa dịch.

Đánh giá cao ngành y tế, quân đội, công an đã có các biện pháp mạnh mẽ cũng như biểu dương nhiều địa phương có các biện pháp sáng tạo trong công tác phòng chống dịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong bối cảnh dịch bệnh quay trở lại, chúng ta không được chủ quan, không được để dịch bùng phát trên quy mô lớn; thời gian đầu tháng 8 là thời gian mang tính quyết định có bùng phát dịch quy mô lớn hay không, vì vậy cần dồn mọi nguồn lực xử lý kịp thời các ổ dịch, nhất là ổ dịch ở Đà Nẵng.

Chủ trương nhất quán là không để đứt gãy nền kinh tế, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng; đề xuất các giải pháp pháp hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục thúc đẩy công tác giải ngân vốn đầu tư công, khơi thông động lực tăng trưởng, hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh;…

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh, song với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ và kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng tiếp tục phát triển, duy trì tăng trưởng dương, trong đó nhiều lĩnh vực có những chuyển biến tích cực; các cấp, các ngành đã hỗ trợ hiệu quả người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ảnh minh họa

Kinh tế vĩ mô giữ được ổn định; CPI bình quân có xu hướng giảm dần qua các tháng kể từ đầu năm, tính chung 7 tháng tăng 4,07% so với cùng kỳ. Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định, bảo đảm thanh khoản, nhu cầu ngoại tệ được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Thu ngân sách nhà nước 7 tháng ước đạt 779,8 nghìn tỷ đồng, bằng 51,6% dự toán năm; chi ngân sách nhà nước cơ bản đáp ứng dự toán và các nhiệm vụ đột xuất phát sinh phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Kết quả thu hút đầu tư nước ngoài tháng 7 và 7 tháng tăng mạnh; tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (FDI) tháng 7 tăng 76,2% so tháng 6 và tăng 79,8% so cùng kỳ năm 2019; tính chung 7 tháng ước đạt 18,8 tỷ USD, bằng 93,1% cùng kỳ. Tình hình phát triển doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện, các doanh nghiệp đã bắt đầu thích nghi với tình hình mới và quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tình hình lao động, việc làm trong tháng 7 có dấu hiệu phục hồi nhanh. Các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội được chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ…

Trước bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tái phát, các thành viên Chính phủ cho rằng thời gian tới đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu hơn nữa của toàn hệ thống chính trị nhằm thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”. Phải luôn giữ vững và bảo đảm được sự ổn định vĩ mô, các cân đối lớn, không để đứt gẫy nền kinh tế; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là một động lực tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, vừa giúp kích cầu nền kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết việc làm; tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hiệu quả người dân, doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; chú trọng các giải pháp kích cầu nội địa; thực hiện quyết liệt và đồng bộ các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm cho người lao động; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...  

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 phát triển khá tốt, đặc biệt là tiêu dùng nội địa, du lịch nội địa, hàng không - những ngành chịu nhiều thiệt hại do Covid-19… Tuy nhiên, trong tuần cuối của tháng 7 đã xuất hiện ổ dịch tại Đà Nẵng và đến nay đã lây lan ra 7 tỉnh, thành phố. Trong bối cảnh đó, chúng ta đã tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh một cách chủ động, bình tĩnh và quyết tâm cao khoanh vùng dập dịch kịp thời, liên tục với biện pháp mạnh, nhất là tập trung cho Thành phố Đà Nẵng. Đồng thời, không để đứt gãy nền kinh tế, giữ vững cân đối vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đặc biệt là giữ được các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cho rằng dịch bệnh cơ bản trong tầm kiểm soát, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chúng ta đã làm tốt, quyết liệt và có kinh nghiệm nhất định trong phòng chống dịch; đã chỉ đạo khoanh vùng dập dịch quyết liệt nhưng không hoảng loạn, đặc biệt là hạn chế giãn cách một cách tràn lan. Sắp tới, sẽ có Chỉ thị mới về các biện pháp phòng chống Covid-19 để phù hợp với giai đoạn hiện nay. Bên cạnh công tác phòng, chống dịch, chúng ta cũng phải tập trung xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là vi phạm Luật Biên giới, nạn đầu cơ, làm hàng giả, kinh doanh trái phép vật tư y tế…

Theo Thủ tướng, một dấu hiệu đáng mừng về sức khỏe nền kinh tế là hoạt động bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tháng 7 tiếp tục hồi phục, tăng đến 3,3% so với tháng trước và tăng đến 4,3% so với cùng kỳ nhờ chính sách kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa. Xuất siêu cao nhất trong 4 năm qua với điểm sáng là khu vực kinh tế trong nước. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng với kim ngạch đạt 37,9 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, tiếp đến là Trung Quốc đạt 23,5 tỷ USD, tăng 18,4%.

Một điểm sáng nữa là thu hút FDI được cải thiện, 7 tháng đầu năm đạt 18,8 tỷ USD, giảm hơn so với cùng kỳ nhưng riêng tháng 7 đạt 10,1 tỷ USD, cho thấy xu hướng phục hồi và Việt Nam đang tận dụng được cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư. Lãi suất tiếp tục xu hướng giảm, đứng ở mức thấp nhờ thanh khoản dồi dào.

Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tiếp tục được đẩy mạnh, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh. Việt Nam đang đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra 3 rủi ro, thách thức từ bên ngoài, trong đó lớn nhất vẫn là dịch Covid-19 với diễn biến khó lường, đặc biệt là khi các đối tác quan trọng của chúng ta bị ảnh hưởng nặng nề; thứ hai là căng thẳng thương mại và công nghệ leo thang giữa nhiều nước; và thứ ba là cạnh tranh địa chính trị ngày càng phức tạp, thêm vào đó là thiên tai, lũ lụt diễn biến khó lường, ảnh hưởng tới khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam.

Bên cạnh đó, lạm phát tuy được kiểm soát, đang giảm dần nhưng còn nhiều thách thức. Sản xuất công nghiệp tiếp tục có những khó khăn cần tháo gỡ, nhất là với ngành khai khoáng, khí đốt, khai khai thác dầu thô, công nghiệp chế biến, chế tạo. Chi ngân sách tiếp tục tăng, khiến cho thâm hụt ngân sách năm 2020 dự báo sẽ tăng.

Các gói hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt gói an sinh xã hội đã giải quyết một bước tình hình khó khăn của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng thời gian tới cần quyết liệt triển khai nhanh hơn, trúng hơn và mở rộng hơn nữa, hiệu quả hơn nữa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cùng với quyết liệt phòng, chống, không để dịch bệnh lây lan, cần tập trung phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, giảm thiểu tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế. Yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Không bộ, ngành, địa phương nào được chủ quan, lơ là nhiệm vụ quan trọng này; Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các địa phương trực tiếp chịu trách nhiệm về phòng, chống dịch bệnh.

Cần tập trung giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn để củng cố niềm tin, góp phần ổn định xã hội; kết hợp đồng bộ, hiệu quả các chính sách, nhất là chính sách tài chính và tiền tệ để kích thích mạnh mẽ tổng cầu, trong đó lưu ý quy mô, phạm vi đủ lớn, phương thức hỗ trợ phù hợp, hiệu quả để tạo ngay động lực tăng trưởng, bảo đảm mục tiêu, định hướng.

Việc gia hạn, giãn, hoãn nợ, miễn giảm lãi suất thời gian qua đã bước đầu phát huy tốt, kịp thời, cần tiếp tục làm mạnh hơn nữa vì kinh tế gặp khó khăn khi dịch Covid-19 quay trở lại. Đây là một tuần thử thách nữa cho chính sách tài khóa và tiền tệ.

Ảnh minh họa

Quan tâm mở rộng tín dụng, bảo đảm mức tăng cần thiết để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng, nhất là những lĩnh vực ưu tiên. Các ngành Tài chính, Kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cán bộ có liên quan đều phải xây dựng kịch bản điều hành cụ thể cho quý III, quý IV năm 2020 và năm 2021.

“Các đồng chí đều phải có trách nhiệm hỗ trợ các ngành, các lĩnh vực, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, người lao động, người dân gặp khó khăn, đặc biệt là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Số người lao động gặp khó khăn hiện nay còn rất lớn, chúng ta phải có giải pháp mạnh hơn, đề xuất chính sách mới hơn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Về đầu tư công, nhấn mạnh nếu giải ngân hết 630.000 tỷ đồng thì góp phần tăng trưởng GDP thêm 0,4%, chưa kể tạo tiền đề thúc đẩy đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài, giải quyết việc làm. Do đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung giải ngân 100% vốn đầu tư công, kể cả vốn ODA với những biện pháp mạnh mẽ. Xử lý nghiêm các tổ chức, các cơ quan, đơn vị, cá nhân làm chậm, làm sai quy định, coi giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là căn cứ đánh giá cán bộ năm 2020.

Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan làm tốt hơn nữa công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ phù hợp sản xuất và tiêu dùng trong nước.

Quyết liệt hơn trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Môi trường kinh doanh phải được thông thoáng hơn để thu hút các luồng vốn đầu tư dịch chuyển.

Thủ tướng đề nghị các bộ, các ngành, địa phương phải có những tổ công tác do các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để cùng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tập trung giải quyết các vướng mắc, thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nhất là từ các công ty đa quốc gia đang dịch chuyển trong khu vực và toàn cầu; đồng thời phải trực tiếp chỉ đạo giải quyết các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Quan tâm đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phát triển kinh tế số, Chính phủ điện tử và thanh toán, giao dịch điện tử, vừa tăng năng suất lao động, vừa theo kịp xu thế, giảm rủi ro lây lan dịch bệnh do tương tác trực tiếp.

Về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đây là vấn đề dư luận xã hội quan tâm, yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện đúng Luật Giáo dục. Kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định; giao cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức, Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về nội dung.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, các bộ liên quan thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch tại từng địa phương, bảo đảm an toàn cho học sinh, phụ huynh và giáo viên; đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, ngành Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ trong công tác thông tin tuyên truyền để nhân dân yên tâm về việc tổ chức chu đáo, khoa học, không để sơ suất xảy ra trong kỳ thi THPT năm 2020.

 Lê Hải - Pháp luật Plus

;
Bình luận
Họ tên :
Email :
Lời bình :
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper 
 
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
Mobile
TieuDe
Nhập mã bảo mật :  
Gửi bình luận
     
Mới nhất | Cũ nhất
Không tìm thấy bản ghi nào

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/thu-tuong-thoi-gian-dau-thang-8-quyet-dinh-co-bung-phat-dich-quy-mo-lon-hay-khong-d131213.html

Scroll

Kênh thông tin giới trẻ - gioitrenews.com