Vụ DN kêu cứu vì bị “ngâm” hồ sơ ĐTM: Đâu là lý do DN bị từ chối thông qua hồ sơ?

21/02/2019 09:53

Kinhte&Xahoi Nếu không chuyển dự án từ nơi khác về Khu Công nghiệp (KCN) Sông Công II có lẽ Nhà máy Sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam giờ đã có thể đi vào hoạt động và nhà đầu tư đã không phải kêu cứu lên nhiều cơ quan Trung ương.

KCN Điềm Thụy từng bị Tổng cục Môi trường xử phạt vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, nhưng sau đó đã hủy bỏ quyết định xử phạt.

Tổng cục Môi trường nói gì?

Liên quan đến loạt bài Báo PLVN phản ánh việc Công ty TNHH Interweave Holdings đầu tư vào KCN Sông Công II (do Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên quản lý) phải kêu cứu lên các cơ quan chức năng vì cho rằng bị Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường – TN&MT) gây khó dễ trong việc giải quyết đánh giá tác động môi trường (ĐTM), nhiều độc giả đã đề nghị Báo đi đến cùng sự việc.

Làm việc với phóng viên Báo PLVN, ông Chu Văn Nam - Chuyên viên Vụ Thẩm định tác động môi trường, Tổng cục Môi trường (TCMT) nói cơ quan này quyết định trả hồ sơ thẩm định đánh giá ĐTM cho doanh nghiệp (DN) là do còn băn khoăn về sự phù hợp của dự án đối với KCN Sông Công II và nguồn tiếp nhận nước thải từ dự án.

Theo đại diện cơ quan này, tại Mục 2.2 của Quyết định 2599 ngày 16/8/2018 của Bộ trưởng Bộ TN&MT về việc phê duyệt báo cáo ĐTM của dự án yêu cầu chỉ tiếp nhận vào KCN các dự án đầu tư thuộc những ngành công nghiệp có định mức sử dụng nước thấp. Tại báo cáo ĐTM của dự án KCN Sông Công II, chủ đầu tư cam kết tất cả các nhà máy thành viên có nước thải phải được đấu nối vào Trạm xử lý nước thải tập trung của KCN Sông Công II, công suất thiết kế tối đa 5000m3/ngày đêm để xử lý đạt QCVN 40:2011/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp, cột A với các hệ số Kq=0,9 và Kf=1,0 trước khi thải ra ngòi Thác Lâm dẫn ra sông Công.

Theo báo cáo ĐTM của dự án, đây là dự án dệt nhuộm, tổng lượng nước thải phát sinh ước tính trung bình 12.000m3/ngày đêm và lớn nhất lên tới 14.400m3/ngày đêm. Nước thải sau khi được xử lý tại trạm xử lý nước thải tập trung sẽ được xả trực tiếp ra sông Công. “Do đó báo cáo ĐTM của dự án không phù hợp với quy định về ngành nghề thu hút đầu tư, tổng lượng nước thải phát sinh và phương thức xả nước thải”, ông Nam nói. 

Câu trả lời có thỏa đáng!

Trái với quan điểm mà đại diện TCMT đưa ra, trên cơ sở rà soát các quy định pháp luật hiện hành, BQL các KCN tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Ngành nghề dệt nhuộm là ngành ưu tiên thu hút đầu tư vào KCN Sông Công II theo đúng báo cáo ĐTM mà Bộ TN&MT đã phê duyệt; Công ty TNHH Interweave Holdings được phép xử lý nước thải nội bộ đạt quy chuẩn cột A và được miễn trừ đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải chung của KCN Sông Công II, do đó Công ty này được phép xả thải trực tiếp ra sông Công; Đồng thời ĐTM của KCN Sông Công II không thuộc đối tượng phải lập, phê duyệt lại ĐTM và cũng không thuộc đối tượng phải xin điều chỉnh, bổ sung ĐTM đã được duyệt. 

Theo tìm hiểu của PV, báo cáo ĐTM dự án Nhà máy Sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam chỉ bị làm khó khi Công ty TNHH Interweave Holdings quyết định thay đổi địa điểm đầu tư từ Vĩnh Phúc lên Thái Nguyên. Trong hồ sơ thẩm tra còn lưu lại cho thấy, dự án này đã từng được Bộ TN&MT đồng ý cho chủ đầu tư hạ tầng là  KCN Bá Thiên II bổ sung ngành nghề Dệt may vào ngành nghề thu hút đầu tư vào KCN Bá Thiên II tại Văn bản số 5887 ngày 31/12/2014. Trong khi theo Quyết định số 3218 ngày 11/4/2014 của Bộ Công Thương thì dự án không thuộc ngành nghề trong danh mục thu hút đầu tư vào KCN này. Tuy nhiên, Bộ TN&MT vẫn tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt ĐTM của dự án tại Văn bản số 3715 ngày 7/9/2015 và Quyết định số 2217 ngày 14/9/2016.  

Điều đáng nói, KCN Bá Thiên II có trạm xử lý nước thải tập trung với công suất thiết kế cũng chỉ 5000m3/ngày đêm như KCN Sông Công II, nhưng Bộ TN&MT vẫn tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt ĐTM cho dự án. Việc lấy lý do là tổng lượng nước thải phát sinh và yêu cầu đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung để từ chối việc thông qua ĐTM cho dự án Nhà máy Sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam tại KCN Sông Công II của TCMT không chỉ thiếu thuyết phục mà còn có dấu hiệu làm trái quy định pháp luật đối với nhà đầu tư và cả BQL các KCN tỉnh Thái Nguyên.

Trước việc bị cho là gây khó dễ từ phía TCMT đối với việc thu hút đầu tư của tỉnh, mới đây BQL các KCN tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản gửi TCMT nói cơ quan này phản đối những yêu cầu trái quy định pháp luật, trong đó có yêu cầu Công ty TNHH Interweave Holdings làm việc với BQL KCN Sông Công II để thực hiện lại đánh giá tác động môi trường của cả khu để làm căn cứ xem xét, thẩm định phê duyêt báo cáo ĐTM của dự án sản xuất vải sợi cao cấp Việt Nam.

Trong một lần thanh kiểm tra tại KCN Điềm Thụy do BQL các KCN tỉnh Thái Nguyên làm chủ đầu tư, đoàn kiểm tra của TCMT cho rằng KCN này có nhiều hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong các năm 2017, 2018 và đã ra quyết định xử phạt hành chính. Nhưng sau đó bị khiếu nại nên TCMT đã phải hủy bỏ quyết định xử phạt. Khi được hỏi, liệu có phải vì câu chuyện này mà hồ sơ ĐTM của dự án Nhà máy Sản xuất vải sợi cao cấp Việt Nam bị làm khó? Ông Chu Văn Nam - Chuyên viên Vụ Thẩm định tác động môi trường (TCMT) nói: Hoàn toàn không có chuyện khúc mắc về vấn đề thù hằn cá nhân ở đây. Quyết định của TCMT chủ yếu là dựa trên góc độ pháp luật và vấn đề môi trường.

Theo Phapluatplus.vn


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

SSI: 'Sacombank còn khoảng 84.200 tỷ đồng tài sản có vấn đề, giảm 5,5% so với năm 2017'

SSI ước tính rằng đến hết năm 2018, Sacombank vẫn còn khoảng 84.200 tỷ đồng tài sản có vấn đề, giảm 5,5% so với năm 2017 và chiếm khoảng 20,8% tổng tài sản, bao gồm 40.000 tỷ đồng trái phiếu VAMC và 44.000 tỷ đồng các khoản phải thu lãi và phí phải thu. Kết quả này thấp hơn so với mức 24,2% tổng tài sản trong năm 2017.