Vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận và kiến nghị là cần cân nhắc xem xét tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế, hỗ trợ đầu tư phát triển để tập trung thực hiện hiệu quả nghị quyết trong thời gian tới.
Việc đẩy mạnh chính sách giảm thuế, hỗ trợ đầu tư phát triển sẽ góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Ảnh: Nhật Nam
Phấn đấu hoàn thành giải ngân vốn trong năm 2024
Thay mặt Đoàn giám sát trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, qua 2 năm thực hiện, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 43/2022/QH15 cơ bản hoàn thành. Tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,12%, là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022; năm 2023 đạt 5,05%, là mức khá cao trong điều kiện thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức. Nước ta đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
“Kết quả kinh tế, xã hội đạt được trong hai năm 2022-2023 tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế, xã hội mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra cho giai đoạn 2021-2025”, ông Lê Quang Mạnh nói.
Sản xuất cấu kiện động cơ máy bay tại Nhà máy Hanwha Aero Engines, Khu công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất). Ảnh: Viết Thành
Tuy nhiên, công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án chậm. Danh mục dự án trình Quốc hội không sát thực tế, phải điều chỉnh nhiều so với dự kiến khi trình Quốc hội ban hành nghị quyết. Việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ vốn còn chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn nhiều dự án không bảo đảm thời hạn quy định trong hai năm 2022-2023, đặc biệt, các dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin có tiến độ rất chậm.
Một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra, như: Chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đạt tỷ lệ giải ngân thấp (chỉ đạt khoảng 3,05% kế hoạch); chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (đạt 56% kế hoạch), phải chuyển nguồn để thực hiện chính sách khác. Chính sách hỗ trợ người dân, người lao động tại một số địa phương còn chậm, lúng túng. Việc thẩm định và giải quyết chi trả kinh phí hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng gặp nhiều khó khăn, chậm so với yêu cầu đề ra.
Trên cơ sở đó, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, có giải pháp giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện các dự án; đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đến ngày 31-12-2024 hoàn thành giải ngân vốn đã được phân bổ. Trường hợp không thể hoàn thành việc giải ngân theo kế hoạch, đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, chủ đầu tư, cơ quan chủ quản dự án; đồng thời, đề xuất, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2025, không để dự án dở dang, kém hiệu quả.
Đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế VAT
Để Nghị quyết số 43/2022/QH15 được triển khai đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) cho rằng, bài học rút ra sau khi thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 là tập trung vào tính khả thi và chọn thời điểm. Chính sách kinh tế vĩ mô có đặc điểm quan trọng là phải chọn đúng thời điểm. “Do đó, nếu trong tương lai chúng ta lại có các chương trình, gói hỗ trợ kinh tế vĩ mô thì phải cân nhắc rất kỹ về yếu tố thời điểm để đưa chính sách vào cuộc sống”, đại biểu nói.
Theo đại biểu Đoàn Quảng Trị, nếu gặp tình huống cần chính sách hỗ trợ, việc đầu tiên cần nghĩ đến là giảm thuế, thậm chí có thể cân nhắc việc giảm thuế mức lớn hơn và tập trung vào một số ngành cụ thể.
Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, có giải pháp giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện các dự án đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Đánh giá cao hiệu quả của chính sách giảm 2% thuế VAT, đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc xem xét cho phép tiếp tục thực hiện chính sách trong thời gian phù hợp.
Lý giải kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất (2%/năm) từ ngân sách nhà nước thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đạt thấp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây là chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp có khả năng phục hồi, tức là có khả năng trả nợ vay, không phải là chính sách để giải quyết cho tất cả doanh nghiệp trong nền kinh tế. Các tổ chức tín dụng phải thực hiện cho vay theo các quy định của pháp luật hiện hành và bảo đảm khả năng thu hồi nợ. Do đó, việc giải ngân nhiều hay ít phụ thuộc vào quyết định của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, kinh nghiệm, năng lực hạn chế, việc phối hợp chưa tốt, nảy sinh tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm ở một bộ phận cán bộ... là nguyên nhân khiến một số kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/ 2022/QH15 không như kỳ vọng. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến tâm huyết của các đại biểu Quốc hội, cải thiện quy trình, xây dựng, tổ chức thực hiện tốt hơn để các chính sách phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng được đưa vào cuộc sống một cách hiệu quả.
Tiến Thành - Hà Nội mới