Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2024, xuất khẩu cả nước đã tăng 42% so với cùng kỳ. Ảnh minh họa internet
Xuất khẩu tăng trưởng 42%
Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 1-2024 ước đạt 64,22 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong gần 2 năm qua.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1-2024 với kim ngạch ước đạt 9,6 tỷ USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá từ Bộ Công Thương cho thấy, so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu tăng trưởng mạnh, đồng đều cả ở nhóm nông, lâm, thủy sản (tăng tới 98,6%) và nhóm công nghiệp chế biến (tăng 38,4%).
Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong tháng 1-2024 chiếm gần 85% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, ước đạt 28,52 tỷ USD, tăng 7,4% so với tháng trước. Đà tăng trưởng này có sự đóng góp lớn của mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện, với kim ngạch ước đạt 5,8 tỷ USD, tăng 56,3% so với tháng trước.
Theo Bộ Công Thương, một số nhóm ngành ghi nhận tăng trưởng ấn tượng so với tháng trước như: Hàng dệt may tăng 28,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 74,6%; giày dép các loại tăng 35%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 57,4%...
Đáng chú ý, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng đầu năm 2024 tăng cao, đạt 5,14 tỷ USD, báo hiệu một năm có nhiều khả quan. Trong đó, xuất khẩu lâm sản đạt 1,49 tỷ USD, tăng 72,5%; thủy sản đạt 730 triệu USD, tăng 60,8%; nông sản đạt 2,71 tỷ USD, tăng 93,8%; chăn nuôi đạt 36 triệu USD, tăng 3,5%; đầu vào sản xuất đạt 177 triệu USD, tăng 49,2%.
Các mặt hàng thế mạnh như: Gạo, tôm, cá tra, cao su tăng trưởng 52,6 - 81%; xuất khẩu hạt điều tăng tới 129%, rau quả tăng 112%, cà phê tăng 103%...
Báo cáo của S&P Global thông tin, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tăng lên mức 50,3 điểm so với 48,9 điểm của tháng 12-2023.
Cũng theo báo cáo này, nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu hồi phục đưa tổng số đơn đặt hàng mới cũng như số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng trở lại sau 3 tháng gần đây.
Nhìn nhận kết quả tích cực của tháng đầu năm, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, sau một năm khó khăn, hiện các doanh nghiệp đã tăng sức chống chịu, đồng thời, nỗ lực tìm hiếm đơn hàng, mở rộng thị trường và dần tìm được đơn hàng xuất khẩu ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Đây là tín hiệu tốt báo hiệu xuất khẩu năm 2024 có nhiều khả quan.
Xuất khẩu giày dép được kỳ vọng sẽ tăng trưởng cao trong năm 2024. Ảnh minh họa internet
Nhiều triển vọng mới
Tuy đây là kết quả tích cực song đại diện Bộ Công Thương dự báo năm 2024, xuất khẩu vẫn đối diện nhiều thách thức do cạnh tranh chiến lược của các nước lớn ngày càng gay gắt, căng thẳng Biển Đỏ leo thang khiến giá cước vận tải tăng đột biến. Cùng với đó, sức cầu của các thị trường xuất khẩu lớn tuy đã dần hồi phục song còn chậm, đi liền với nhiều rủi ro.
Mặt khác, theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, đơn hàng quay trở lại là điều đáng mừng, song hầu hết mới chỉ là đơn hàng trong ngắn hạn. Vấn đề đặt ra để gia tăng kim ngạch xuất khẩu trong năm nay, doanh nghiệp phải thay đổi và thích ứng tốt hơn trước những tín hiệu mới từ thị trường, cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu sản xuất xanh, tuần hoàn, giảm phát thải và bảo đảm an toàn thực phẩm…
Như với ngành giày da, nhiều chuyên gia đánh giá, các nền kinh tế lớn cũng là thị trường xuất khẩu tiềm năng của ngành sẽ có khởi sắc trong năm 2024. Bên cạnh đó, Việt Nam có một số lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các quốc gia khác.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, ngành vẫn tập trung vào 5 thị trường chính: Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 35%, tiếp đến là EU 26%, Nhật Bản và Hàn Quốc.
“Riêng Trung Quốc hiện chiếm 9% tỷ trọng và kim ngạch ngày một lớn, sẽ là thị trường giúp ngành da giày có dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2024”, bà Thanh Xuân nói.
Để giữ vững đà tăng trưởng, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa việc đa dạng hóa thị trường, đa dạng hàng hóa. Các nhóm hàng thế mạnh như đồ nội thất hay nông sản sẽ hỗ trợ cho nhóm linh kiện, điện thoại, thiết bị di động… nếu có suy giảm.
Doanh nghiệp nâng cao sản lượng và giảm chi phí thông qua đẩy mạnh liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp, ngành hàng, tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho hay, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới với các đối tác còn nhiều tiềm năng như Các tiểu vương quốc Ả Rập (UAE), khối các nước MERCOSUR - Mỹ La tinh...
Đồng thời, Bộ hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam…
Lam Giang - Hà Nội mới