Nhiều điểm trông giữ xe trái phép, thu quá quy định
Ghi nhận của PV báo Tuổi trẻ Thủ đô từ ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Quý Mão đến nay tại các điểm đền chùa nổi tiếng ở Hà Nội có rất đông du khách thập phương đến chiêm bái, thực hiện các nghi lễ tâm linh, cầu cho gia đình bình an, hạnh phúc.
Trước nhu cầu trông giữ phương tiện ô tô, xe máy tăng cao nên ngoài những điểm trông giữ đã được cơ quan chức năng cấp phép, những điểm trông giữ trái phép, vượt phép, thu phí sai quy định cũng nhanh chóng “mọc lên” đáp ứng nhu cầu của người dân.
Du khách đến tham quan, thực hiện các nghi thức tâm linh trong ngày đầu xuân năm mới tại đền Quán Thánh
Khảo sát của PV trong chiều 1/2/2023 (11 tháng Giêng năm Quý Mão) cho thấy, ngoài điểm trông giữ xe tại đền Kim Liên (quận Đống Đa) là thu phí 5.000 đồng/ xe máy. Còn lại các đền chùa khác như chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh, Voi Phục, Bạch Mã… đều thu phí 10.000đồng/xe/lượt. Tương tự mức thu phí trông giữ xe ô tô cũng tăng cao hơn rất nhiều lần so với quy định của TP Hà Nội.
Sau khi PV phản ánh sự việc tới người có trách nhiệm của phường Ngọc Khánh thì sáng 2/2 điểm trông giữ xe ở đền Voi Phục đã thu 5.000đồng/xe.
PV nêu thắc mắc với người phụ nữ thu phí tại đây vì sao chiều qua thu 10 nghìn đồng nay thu có 5 nghìn đồng/người phụ nữ thu phí ở cửa đền chỉ im lặng. Hỏi về việc không treo biển niêm iết giá trông giữ phương tiệm, người này cho biết, thời gian trước có treo nhưng sau bị mất…
Bảng thông báo phí trông giữ phương tiện ngày và đêm tại đền Quán Thánh
Cũng trong sáng 2/2/2023, trao đổi với PV về công tác đảm bảo an ninh trật tự, quản lý trông giữ phương tiện tại đền Quán Thánh, ông Phạm Chính Trung, Phó Chủ tịch UBND phường Quán Thánh cho biết, ngày 8/1/2023, UBND phường Quán Thánh đã ban hành kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường khu vực đền Quán Thánh để phục vụ du khách trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội đầu xuân Quý Mão 2023...
Xác định hoạt động trông giữ phương tiện thường diễn biến phức tạp vào dịp lễ, Tết, Ban Chỉ đạo 197 phường Quán Thánh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý, giải toả các trường hợp chiếm dụng lòng đường, hè phố để trông giữ phương tiện trái phép.
Điểm bán vé tham quan đền Quán Thánh
Quá trình kiểm tra, ngày 29/1/2023, lực lượng công an phường đã phát hiện, lập biên bản đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với một trường hợp chiếm dụng vỉa hè trước cửa đền Quán Thánh làm nơi trông, giữ xe.
Chiều cùng ngày Đội Thanh tra giao thông quận Ba Đình cũng lập biên bản vi phạm hành chính đối với bà N.C.L (ở Đống Đa, Hà Nội) về hành vi chiếm dụng hè phố làm nơi trông, giữ xe. Đáng chú ý, ngày 30/1/2023 bà N.C.L tiếp tục bị lực lượng của Công an phường phối hợp với Đội cảnh sát trật tự thành phố lập biên bản xử phạt về hành vi nêu trên.
Liên quan đến công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm lòng đường, vỉa hè, ông Nguyễn Thành Công, Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông quận Ba Đình cho biết, từ đầu năm 2022 đến ngày 2/2/2023, Đội Thanh tra giao thông quận đã lập biên bản xử phạt 52 trường hợp với số tiền gần 200 triệu đồng. Riêng địa bàn phường Ngọc Khánh có 10 trường hợp vi phạm với số tiền là 38,5 triệu đồng; phường Quán Thánh xử phạt 4 trường hợp với số tiền là 10 triệu đồng.
Cũng theo ông Công, để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong những ngày Tết, đặc biệt là đêm Giao thừa, cán bộ, nhân viên của Đội đã ứng trực 100% quân số phối hợp đảm bảo an toàn giao thông bên ngoài trận địa bắn pháo hoa tại hồ Ngọc Khánh. Từ ngày ngày mùng 1 Tết đến hết ngày mùng 5 Tết cán bộ đội duy trì trực với 50% quân số tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông phục vụ Nhân dân du xuân lễ hội.
Người dân khi vào đền Quán Thánh phải trình vé để quẹt mới được vào
Có nên tiếp tục thu phí tham quan đền Quán Thánh?
Bên cạnh ghi nhận xử lý vi phạm trong việc trông giữ phương tiện tại các điểm di tích, PV báo Tuổi trẻ Thủ đô cũng tiếp nhận nhiều ý kiến phản ánh về việc khi đến tham quan đền Quán Thánh, người dân phải xếp hàng chờ đợi mua vé vào cửa. Tuy vé tham quan chỉ 10 nghìn đồng nhưng những ngày vừa qua, lượng khánh đến tham quan, thực hiện nghi thức tâm linh rất đông dẫn tới phải chờ đợi lâu khiến nhiều người cảm thấy không thoải mái.
Trao đổi với PV, chị Nguyễn Kim Hoa (quê ở Thanh Hoá) bày tỏ: “Tôi ra Hà Nội làm việc và định cư ở TP đã nhiều năm, nghe mọi người nói đầu năm đi lễ Tứ trấn gia đình sẽ bình an, công việc cũng hanh thông suôn sẻ. Tuy nhiên, khi phải xếp hàng chờ đợi mua vé vào tham quan đền Quán Thánh, tôi cũng như nhiều người khác cảm thấy không thoải mái. Số tiền bỏ ra mua vé không đáng là bao so với số tiền chúng tôi đặt lễ, công đức”.
Đoàn du khách phấn khởi lên xe ra về sau khi tham quan điểm di tích đền Voi Phục
Cùng quan điểm với chị Kim Hoa, anh Quang Toàn ở quận Tây Hồ, nêu băn khoăn: “Tại sao chỉ có đền Quán Thánh duy trì việc thu phí tham quan trong khi các đền kia (đền Bạch Mã, đền Voi Phục, đền Kim Liên - PV), thì không phải xếp hàng mua vé. Đi tham quan, lễ hội là tâm được thoải mái nên tôi đề nghị các cơ quan chức năng quận Ba Đình và TP Hà Nội nên xem xét, sắp xếp việc bán vé thế nào để du khách khi đến tham quan được thuận tiện nhất”.
Trao đổi với PV về việc thu phí tham quan, ông Bùi Hồng Sơn, Phó ban quản lý di tích đền Quán Thánh cho biết: Việc bán vé tại di tích đền Quán Thánh hoàn toàn dựa trên quyết định của thành phố. Từ hơn 30 năm trước chúng tôi đã tổ chức bán vé tham quan, đầu tiên là 200 đồng rồi 500 đồng...
Năm 2014, HĐND TP Hà Nội có nghị quyết về giá vé và lệ phí tham quan các di tích danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố trong đó có đền Quán Thánh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, khu di tích Cổ Loa…
Ban quản lý di tích cũng đã đặt biển thông báo bán vé tham quan trước lối ra vào cổng để du khách biết. Trong những ngày Tết vừa qua, du khách thập phương đến tham quan khá đông, nhiều người không để ý đến bảng thông báo nên khi xếp hàng chờ đợi mua vé họ cảm thấy bất tiện, sau đó chất vấn khiến chúng tôi cũng phải giải thích nhiều.
Nói về công tác bảo đảm an ninh trật tự, ông Sơn cho biết, lực lượng công an quận và phường tổ chức ứng trực đảm bảo an ninh vòng ngoài. Phía trong đền thì có lực lượng bảo vệ của Ban quản lý di tích thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở du khách.
Đối với công tác phòng cháy chữa cháy tại đền cũng được các cơ quan chức năng quan tâm, kiểm tra thường xuyên. Cứ 6 tháng sẽ kiểm tra và thay mới bình chữa cháy hết hạn kiểm định. Ngoài ra cán bộ nhân viên quản lý tại di tích cũng thường xuyên được tập huấn, xây dựng phương án phòng cháy, cứu nạn...
Ông Bùi Hồng Sơn, Phó ban quản lý di tích đền Quán Thánh bên tấm bảng thông báo thu phí tham quan
Cùng trao đổi về công tác quản lý thu phí, bà Lê Thị Khanh, Trưởng phòng Văn hóa thông tin quận Ba Đình cho biết, công tác thu phí, lệ phí đền Quán Thánh được thực hiện đúng quy định, có sự tham gia giám sát của các cơ quan chuyên môn và Ban Quản lý di tích đền Quán Thánh. Số tiền bán vé tham quan sẽ nộp về Chi cục Thuế TP.
“Riêng trong 3 ngày Tết, UBND quận không thu phí tham quan. Trong những ngày vừa qua, tôi cũng tiếp nhận rất nhiều ý kiến phản ánh việc khách đến tham quan đền Quán Thánh phải xếp hàng mua vé, trong khi đền Voi Phục và nhiều đền chùa khác người dân ra vào tự do, không phải mua vé tham quan?”, bà Khanh chia sẻ.
Theo các văn bản bà Khanh cung cấp cho thấy, những năm trước, UBND quận Ba Đình cũng tiếp nhận nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri và đông đảo người dân mong muốn UBND Thành phố miễn phí tham quan.
Thực tế, di tích lượng khách vào thực hiện các nghi thức tín ngưỡng chiếm khoảng 90% và đều thành tâm công đức để Nhà đền có kinh phí sửa chữa, tu bổ di tích. Vì vậy nhiều người mong muốn không thu vé khi đến tham quan, tín ngưỡng tại đền.
Thành Long - TTTĐ