Ảnh minh họa
Theo Bộ luật Lao động, DN không bắt buộc phải trả tiền thưởng cho nhân viên, kể cả khi có lãi. DN cũng có thể thưởng bằng tiền hoặc hiện vật.
Đơn giản, Tết chỉ là một kỳ nghỉ của NLĐ, không gắn kết gì với sản xuất kinh doanh. Ngành LĐ-TB&XH có trách nhiệm tổng hợp thông tin về “thưởng Tết”, nhưng thực tế cũng chỉ có thể đề nghị các DN báo cáo, chứ DN không có nghĩa vụ phải công bố chuyện “thưởng Tết”.
Cũng có một ngoại lệ, là tại một số DN, “thưởng Tết” được quy định trong hợp đồng lao động và quy chế tiền lương, thưởng tự ban hành. Tất nhiên điều này pháp luật không cấm. Tùy tình hình sản xuất kinh doanh ở mỗi DN và mức độ hoàn thành công việc mà NLĐ sẽ được nhận khoản tiền thưởng tương xứng. Ngoài ra, một số DN có thêm các khoản thưởng khi doanh nghiệp hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra.
Dù vậy, theo tâm lý chung, nhiều năm nay các DN nói chung vẫn cố gắng “gồng mình” vào dịp lễ, Tết vì nhu cầu chi tiêu nhiều, ngay cả khi tài chính không cho phép. Đã là người đi làm ăn kinh doanh, đại đa số đều một lòng mong muốn những điều tốt đẹp cho NLĐ của mình, từ đó mới tốt cho DN của mình và cho chính bản thân mình. Thế nên, không ít chủ DN cho hay cứ cuối năm, có khi phải lao đao đi vay tiền ngân hàng, bạn bè, bán tài sản để “thưởng Tết” cho cấp dưới.
Nguồn thưởng tại khối cơ quan hành chính, Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập có thể đến từ một số nguồn như trích từ Quỹ Công đoàn do NLĐ đóng góp, một số quỹ thi đua, khen thưởng, quỹ phúc lợi cho NLĐ. Tất nhiên các quỹ này phải được đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật. Với một số cơ quan và đơn vị phụ thuộc, tiền thưởng Tết còn được các cơ quan chủ quản hỗ trợ và tiết kiệm từ ngân sách.
Thế nên mới có chuyện cũng là “thưởng Tết”, nhưng một số giáo viên chỉ được cỡ trăm ngàn đồng, trong khi đó một số NLĐ tại một số DN “khủng” lại được thưởng cả tỷ đồng.
Chuyện “thưởng Tết” như vậy cứ “đến hẹn lại lên”, lại được đem ra phân bì so sánh. Mặt tích cực là việc này có thể tạo ra một trào lưu thúc đẩy các DN cố gắng hơn, để NLĐ được hưởng lợi hơn. Nhưng nhìn nhận ở góc độ khác, có thể thấy vô tình tạo ra sự đố kỵ không cần thiết và không giải quyết được vấn đề gì, chỉ thêm sức ép tâm lý cho các DN và NLĐ ở những đơn vị “thưởng Tết” ít, thêm cảm giác “thua chị, kém em”.
Chính vì vậy, theo một số chuyên gia, với lãnh đạo DN, chế độ lương thưởng cần có quy định rõ ràng, không đưa cảm xúc vào. Cần chuyên nghiệp trong chính sách lương thưởng, để lương rõ ràng; phúc lợi và thưởng hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng không được mập mờ, ngẫu hứng. Về phía NLĐ, tâm lý “chờ đến Tết có thưởng” cũng cần phải thay đổi.
Minh Khang - Pháp luật Plus