Những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 chính là lúc những người làm công tác bảo trợ xã hội phải tăng cường ứng trực 24/24 giờ, thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chăm lo, phục vụ, tổ chức Tết chu đáo, bảo đảm cho người lang thang, người vô gia cư được đón Tết đầy đủ, vui vẻ, đầm ấm, an toàn.
Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội tổ chức đón Tết Nguyên đán cho người lang thang, người vô gia cư.
Tăng cường kiểm tra, phối hợp để tiếp nhận
Dịp nghỉ Tết, số lượng người lang thang có hành vi xin tiền, người vô gia cư sống nơi công cộng thường tăng đột biến, nhất là ở các điểm vui chơi, chùa, đình, đền… trong thời tiết lạnh giá. Lường trước vấn đề này, triển khai Quyết định số 2252/QĐ-UBND ngày 17-4-2023 về việc thực hiện công tác tập trung người lang thang trên địa bàn thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã ban hành Văn bản số 355/SLĐTBXH-BTXH ngày 24-1-2024 gửi Công an thành phố, các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã về việc tăng cường đợt cao điểm tập trung người lang thang có hành vi xin tiền trên địa bàn.
Đồng thời, Sở ban hành Văn bản số 233/SLĐTBXH-BTXH ngày 18-1-2024 chỉ đạo Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội và một số cơ sở bảo trợ phối hợp các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện công tác tập trung người lang thang. Riêng người tâm thần lang thang, người lang thang ốm yếu, suy kiệt sẽ được Trung tâm Cấp cứu 115 đưa vào các cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Đội trưởng Đội Trật tự xã hội lưu động, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội Nguyễn Văn Hải cho biết: “Trong dịp nghỉ Tết, đội chúng tôi tăng cường kiểm tra địa bàn, phối hợp cùng các đội trật tự xã hội, trật tự đô thị tại các xã, phường, thị trấn tiếp nhận người lang thang, đặc biệt tại các điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, đền, chùa, nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động chính trị, xã hội của Trung ương và thành phố, đưa những người lang thang ở nơi công cộng vào các trung tâm bảo trợ xã hội trong dịp Tết Nguyên đán". Có không ít vất vả, khi đội chỉ có 11 người, trong khi địa bàn cần kiểm tra rất rộng. Khắc phục khó khăn, Đội đã xây dựng lịch đi địa bàn, phối hợp chặt chẽ các xã, phường, thị trấn, bảo đảm lực lượng trực 24/24 giờ xuyên Tết, tập trung vào những “điểm nóng” để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ.
Anh Nguyễn Văn Hải nhấn mạnh: “Dịp nghỉ Tết là những ngày vô cùng bận rộn của những người làm công tác xã hội. Nhưng chúng tôi xác định một khi đã bước vào nghề này thì phải tận tâm tận lực, bất kể ngày, đêm, sẵn sàng ứng trực. Đặc biệt, trong dịp Tết, chúng tôi thậm chí còn phải làm việc tích cực hơn để đón những người lang thang xin tiền đưa về cơ sở bảo trợ, tổ chức tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo đảm tất cả đều được đón Tết vui. Cùng với đó, chúng tôi phải sắp xếp lịch trực hài hòa, để mỗi người có một khoảng thời gian nhất định dành cho gia đình".
Chăm sóc như người thân
Quan tâm đến các đối tượng yếu thế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng đã yêu cầu các đơn vị tập trung thực hiện tốt công tác phục vụ, tổ chức Tết chu đáo, bảo đảm các đối tượng đang được quản lý, nuôi dưỡng đón Tết đầy đủ, vui vẻ, đầm ấm, an toàn. Đặc biệt, thành phố trích ngân sách bồi dưỡng với mức 500.000 đồng/người cho cán bộ, nhân viên phục vụ trực tiếp trong những ngày Tết và bổ sung thêm tiền ăn 500.000 đồng/người cho các đối tượng bảo trợ xã hội đang được nuôi dưỡng, chữa trị tại các trung tâm trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội và Bệnh viện 09 thuộc Sở Y tế quản lý. Ngoài ra, theo số liệu tổng hợp đến thời điểm nghỉ Tết, các Trung tâm Bảo trợ xã hội đã tiếp nhận hơn 583 triệu đồng tiền mặt và các mặt hàng lương thực, thực phẩm để dùng trong sinh hoạt hằng ngày như bánh chưng, bánh kẹo, mứt Tết, nhu yếu phẩm, đồ dùng khác...
Những ngày qua, thực hiện kế hoạch của thành phố và hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, 100% các đơn vị đã khẩn trương thực hiện công tác chăm lo, tổ chức Tết cho đối tượng, bố trí cán bộ trực 24/24 giờ trong tất cả các ngày nghỉ Tết.
Trưởng phòng Tiếp nhận, quản lý và chăm sóc đối tượng (Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội) Nguyễn Đức Vân cho biết, trong dịp Tết, nếu đối tượng nào tìm được người thân, có nguyện vọng hoặc có người thân đón về nhà ăn Tết, đơn vị sẽ tạo điều kiện tối đa để họ được ăn Tết cùng gia đình. Số còn lại, Trung tâm đang tập trung tổ chức chăm lo cho 63 người, gồm 59 đối tượng lang thang có hành vi xin tiền và 4 trường hợp vô gia cư, sinh sống nơi công cộng được đón Tết vui, Tết ấm.
Về cơ sở vật chất, khuôn viên Trung tâm đã được bố trí thêm các chậu hoa, cây cảnh đậm không khí Tết để bà con có cảm nhận ăn Tết tại Trung tâm như ăn Tết ở nhà. Mỗi đối tượng được tiếp nhận vào Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng ăn Tết đều được may đo, cấp cho một bộ quần áo mới, một đôi dép mới diện Tết. Cùng với nguồn ngân sách, Trung tâm cũng tiếp nhận nhiều phần quà từ sự quan tâm của cộng đồng, các nhà hảo tâm, nhà thiện nguyện, cân đối để bổ sung, nâng cao chất lượng các bữa ăn ngày Tết cho các đối tượng.
Đã 18 năm gắn bó với công tác tiếp nhận, quản lý và chăm sóc đối tượng, anh Nguyễn Đức Vân chia sẻ: “Dịp Tết Nguyên đán, thời gian trực Tết, ăn Tết của những cán bộ, nhân viên làm công tác xã hội chúng tôi gắn liền với hoạt động của đơn vị, ở đơn vị nhiều hơn ở nhà. Tất cả để người lang thang có hành vi xin tiền, người vô gia cư được chăm sóc, nuôi dưỡng ở Trung tâm cảm nhận được tình yêu thương, sự quan tâm, chia sẻ, giống như được đón Tết ở nhà, bên người thân”.
Mai Hoa - Hà Nội mới