Những năm qua hạn hán trở thành thách thức với nhiều địa phương.
Tỉnh Hà Tĩnh vốn được đánh giá đứng đầu về trữ lượng nguồn nước trên cả nước, hiện đang đối mặt với nguy cơ suy thoái. Không chỉ do thói quen sử dụng nước của người dân mà diễn biến thất thường của thời tiết, khí hậu cũng là một nguyên nhân lớn.
Theo nghiên cứu mới đây nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, xu hướng biến đổi nhiệt độ, không khí những năm gần đây trên địa bàn có chiều hướng diễn biến phức tạp. Cụ thể, nhiệt độ trung bình đang có chiều hướng gia tăng theo mỗi thập kỷ từ 0,1 – 0,2 độ C; mùa đông có xu hướng ấm dần lên từ 0,6 -1,2 độ C.
Trong khi đó, tình trạng nắng nóng trong vòng 20 năm trở lại đây có chiều hướng gia tăng. Không chỉ nắng nóng gay gắt kéo dài, mức nhiệt độ cao trong khoảng từ 36 - 40 độ C ngày càng phổ biến, có thời điểm vượt ngưỡng 40 độ C. Lượng mưa lại có xu hướng giảm rõ rệt, mùa mưa thường xuất hiện muộn và kết thúc sớm. Thêm vào đó, Hà Tĩnh cũng là nơi phải hứng chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai, bão lũ, dông, lốc…
Như vậy, khi nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng, nguồn nước trên địa bàn tỉnh lại có dấu hiệu suy giảm nghiêm trọng, không chỉ trữ lượng mà cả chất lượng nguồn nước cũng đang bị suy thoái nghiêm trọng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Tình trạng thiếu nước xảy ra ngày càng nhiều hơn trong những năm gần đây.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Hồng Quang - Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh cho biết: “Mùa hè, hạn hán xảy ra ở nhiều nơi như các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang. Trong khi đó, ở một số vùng thuộc huyện Đức Thọ và huyện Can Lộc khan hiếm nước sạch khiến người dân phải tích trữ nước mưa để ăn, nước ao hồ và từ các giếng khơi nhiễm phèn chỉ để tắm giặt”.
Từ những bất cập về tài nguyên nước của tỉnh Hà Tĩnh, có thể thấy chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức lớn về quản lý bền vững nguồn tài nguyên nước – một trong những yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo đời sống kinh tế - xã hội của người dân.
Về giải pháp, bên cạnh công tác bảo vệ môi trường, tiết kiệm nước thì việc kiểm kê và quản lý nguồn tài nguyên này cũng cần được thực hiện thường xuyên.
Trong Đề án tổng thể kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến 2021 - 2025, mục tiêu chung được đề ra là công bố được các chỉ tiêu kiểm kê tài nguyên nước (lần đầu) trên các lưu vực sông liên tỉnh và trên phạm vi cả nước trên cơ sở các thông tin, số liệu kiểm kê được thực hiện chính xác, đồng bộ, đúng thời gian.
Trên thực tế, nhiều năm nay, nước ta đã có nhiều hoạt động kiểm tra, khảo sát, đánh giá hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, các thông tin, số liệu để phục vụ công việc kiểm kê nói riêng và phục vụ cho công việc quản lý tài nguyên nước nói chung vẫn còn nhiều hạn chế như: số liệu điều tra còn phân tán, không được cập nhật thường xuyên, quy mô tổng hợp không thống nhất trên phạm vi cả nước.
Đơn cử, theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ xét riêng mục đánh giá chi tiết nước dưới đất, tỷ lệ đo đạc 1:100.000 thực hiện khoảng 6%; tỷ lệ 1:50.000 thực hiện khoảng 5%, điều tra, đánh giá chi tiết (tỷ lệ 1:25.000) gắn với việc tìm kiếm, phát hiện nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt thực hiện được 5% cho một số vùng đô thị lớn, đảo, vùng núi cao, khan hiếm thiếu nước...
Mặc khác, Việt Nam có 3.450 sông, suối, chiều dài từ 10km trở lên nằm trong 108 lưu vực với 331.000km2 lưu vực nằm trong lãnh thổ nước ta. Đến nay, toàn quốc đã đầu tư và đưa vào vận hành 23 trạm quan trắc tài nguyên nước mặt độc lập, 23 trạm thủy văn lồng ghép trạm tài nguyên nước mặt, 412 điểm với 805 giếng quan trắc nước dưới đất.
So với thực tế, mạng lưới quan trắc, đo đạc nguồn tài nguyên nước quốc gia vẫn còn thiếu và yếu ở nhiều mặt. Dễ thấy nhất là số lượng và mật độ các công trình đo đạc, quan trắc còn thưa so với mạng lưới sông, suối và sự phân bố của các tầng chứa nước trên phạm vi cả nước. Số liệu còn chưa đầy đủ và thiếu chính xác khiến cho công tác tính toán, kiểm kê và quản lý tài nguyên nước quốc gia của các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn.
Đỗ Trang - Pháp luật Plus