Doanh nghiệp đa ngành với doanh thu cao ngất ngưởng nhưng lợi nhuận lại khiêm tốn
Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) được thành lập vào năm 2004. Đến nay, qua hơn 16 năm hoạt động, doanh nghiệp này đã có hệ thống 15 công ty thành viên, hoạt động trong những lĩnh vực chính gồm: Năng lượng, xây dựng, hạ tầng và bất động sản.
Tính đến cuối năm 2020, Trung Nam Group có vốn điều lệ 7.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Tâm Thịnh là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện pháp luật của công ty này.
Năm 2019, Trung Nam Group ghi nhận doanh thu lên tới gần 6.500 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức khiêm tốn 124 tỉ. Nói cách khác, cứ 100 đồng doanh thu, Trung Nam Group chỉ thu lời chưa đến 2 đồng. Nguyên nhận chính do biên lợi nhuận gộp của Trung Nam Group không cao, chỉ từ 6% - 7%
Trung Nam Group có doanh thu cao ngất ngưởng nhưng lợi nhuận lại khiêm tốn
Biên lợi nhuận thấp cũng là lý do nhiều doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái Trung Nam, dù doanh thu cao đột biến, nhưng khoản lãi chỉ mang tính tượng trưng. Một trong số đó là xây lắp.
Năm ngoái công ty thành viên là Xây dựng và Lắp máy Trung Nam (Trung Nam E&C) đem về doanh thu 9.240 tỉ đồng, gấp gần 4 lần năm 2018. Tuy nhiên, như Trung Nam Group, biên lãi gộp mỏng manh chỉ 0,3% khiến lãi ròng của Trung Nam E&C chỉ ở mức tượng trưng 2 tỉ đồng.
Ngoài việc phục vụ cho hệ sinh thái công ty mẹ, Trung Nam E&C còn nhận được một số dự án lớn như là nhà thầu thi công hệ thống móng cọc nhồi, kết cấu mố trụ và hệ dây văng thép tại dự án cầu Bạch Đằng nối Hải Phòng – Quảng Ninh giá trị gần 1.400 tỉ đồng hay Đường vành đai 2 trên cao đoạn từ cầu Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở (Hà Nội) của Tập đoàn Vingroup.
Tuy nhiên, nếu xét tỉ trọng, dự án từ chính hệ sinh thái Trung Nam mới là nguồn thu chính và có thể cũng vì lý do này khiến Trung Nam E&C có hiệu quả sinh lời thấp.
Mới đây, theo thông tin công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), vừa qua, Công ty Cổ phần Trung Nam (Trung Nam Land) thuộc Trung Nam Group đã phát hành 2.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp với kỳ hạn 5 năm để đầu tư mảng bất động sản.
Dòng tiền thanh toán là toàn bộ nguồn thu từ quyền và lợi ích hợp pháp theo phần vốn góp của Trung Nam Land tại các phương án kinh doanh, dự án đầu tư trong giai đoạn 2020-2024; Nguồn thu từ các lô đất thuộc dự án Golden Hills tại Đà Nẵng và các nguồn thu khác.
Trước đó, Trung Nam Land cũng huy động thành công gần 3.000 tỷ đồng trái phiếu qua 4 đợt phát hành từ cuối năm 2019 đến tháng 6/2020.
Không chỉ gọi vốn cho mảng bất động sản, mảng năng lượng của Trung Nam Group cũng rất tích cực gọi vốn cho dự án điện mặt trời. Cụ thể, Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam đã bán thành công 5.800 tỷ đồng trái phiếu kể từ đầu năm 2020 đến nay. Đồng thời, vào quý 4/2019, Công ty Cổ phần Điện mặt trời Trung Nam cũng đã vay 4.588 tỷ đồng trái phiếu.
Như vậy, theo số liệu công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, nhóm Trung Nam Group đã huy động gần 15.000 tỷ đồng trong vòng hơn một năm qua cho các dự án bất động sản và nhà máy điện mặt trời.
Được biết, hầu hết các lô trái phiếu của nhóm đều có kỳ tính lãi 3 tháng/lần, lãi suất từ 10-10,5%/năm cho năm đầu tiên, các năm tiếp theo tính theo lãi suất tiết kiệm của Ngân hàng Quân đội (MB) cộng thêm biên độ từ 3,5-3,9%/năm. Trái phiếu được đảm bảo và dòng tiền thanh toán bằng chính dự án nhà máy điện mặt trời 450 MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận; Nguồn thu từ kinh doanh lô đất dự án Golden Hills City và dự án Vệt 50 m tại Đà Nẵng...
Thời gian qua, Trung Nam Group dồn dập vay nợ trong khi lợi nhuận mang lại lại quá bèo bọt. Theo đó, năm 2018, doanh thu khá cao gần 900 tỷ đồng song Trung Nam Group ghi nhận lãi vỏn vẹn chỉ 21 tỷ đồng. Hai năm trước đó, lợi nhuận của tập đoàn này cũng chỉ ghi nhận lần lượt là 17,3 tỷ đồng và 2,1 tỷ đồng. Năm 2019, Trung Nam Group ghi nhận doanh thu tăng đột biến gần 6.500 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế 124 tỷ đồng, có nghĩa là cứ 100 đồng doanh thu, công ty chỉ thu lời chưa đến 2 đồng.
Có lẽ do lợi nhuận ít ỏi trong khi phải thực hiện hàng loạt dự án lớn từ bất động sản đến điện mặt trời khiến Trung Nam Group liên tục tiến hành tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính
Liệu có phải “tham thì thâm”….
Không chỉ đầu tư mạnh vào ngành điện mặt trời, điện gió, Trung Nam Group còn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Trung Nam Group gắn với ba siêu dự án lớn đó là: dự án khu công viên văn hóa đô thị Đà Lạt có vốn đầu tư 150 triệu USD tại Đà Lạt, Dự án Dự án Golden Hills có tổng vốn đầu tư 1,67 tỉ USD và Dự án tháp đôi cao nhất Miền Trung 180 triệu USD tại Đà Nẵng. Nhưng dường như Trung Nam Group không có duyên với lĩnh vực BĐS khi những dự án được giới thiệu hoành tráng một thời thường rơi vào cảnh “đắp chiếu”.
Cụ thể, dự án khu đô thị sinh thái Golden Hills - Đà Nẵng với tổng mức đầu tư 1,67 tỷ USD (tương đương 38.000 tỷ đồng) do một công ty thành viên của Trung Nam Group là Trung Nam Land làm chủ đầu tư, rộng 350 ha, được khởi công xây dựng từ năm 2011.
Dự án Golden Hills Đà Nẵng với nhiều lùm xùm.
Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong phần thô và đi vào hoàn thiện thì những hạng mục còn lại của dự án lại đình trệ suốt nhiều năm, điều này khiến cho dự án Golden Hills City liên tục lỗi hẹn về tiến độ.
Đến tháng 7/2019, UBND quận Liên Chiểu đã ra quyết định xử phạt 40 triệu đồng đối với Trung Nam Land vì hành vi xây dựng dự án Golden Hills City (Khu D2) khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Cuối năm 2019, Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND Tp. Đà Nẵng rà soát, kiểm tra cụ thể 800 lô đất tại khu vực có diện tích 12,77ha ở khu B và C thuộc dự án Golden Hills City của Trung Nam Group.
Được biết, tháng 2/2019, dự án Golden Hills City có thêm Kita Land (thuộc Kita Group) tham gia đồng đầu tư và Công ty Cổ phần Bất động sản Thế kỷ (CenLand) độc quyền phân phối.
Từ tháng 3/2019, Kita Land đã tiến hành ký hợp đồng với các nhà đầu tư cá nhân những lô bất động sản sẽ hình thành trong tương lai thuộc dự án Golden Hills dưới hình thức ký cùng lúc 02 hợp đồng với khách hàng gồm: Hợp đồng vay vốn của các chủ đầu tư cá nhân và hợp đồng cam kết giữ chỗ nhận quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, sau đó, Kita Land lại bị tố vi phạm hợp đồng, vòng vo không giải quyết yêu cầu thanh lý hợp đồng, hoàn trả tiền cho khách hàng.
Hồi năm 2008, Trung Nam Group và một số đối tác khác đã công bố sẽ xây dựng tòa tháp đôi với tổng mức đầu tư 180 triệu USD tại Đà Nẵng với tham vọng xây dựng theo mô hình “thung lũng silicon” của Mỹ. Tuy nhiên, mãi đến năm 2014, dự án này vẫn chỉ là bãi đất hoang, trong khi Trung Nam Group đã chuyển toàn bộ cổ phần của mình tại dự án này cho đối tác khác.
Ở lĩnh vực hạ tầng, Trung Nam Group cũng “nổi tiếng” với “siêu dự án” chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP HCM khi mà tập đoàn của ông Nguyễn Tâm Thịnh đã được chỉ định làm nhà đầu tư theo hình thức BT.
Tuy nhiên, khi khởi công (tháng 6/2016) dự án nhận được kỳ vọng lớn (dự kiến hoàn thành tháng 4/2018) xong đến nay đã triển khai hơn 4 năm mà vẫn chưa hẹn ngày về đích. Tính đến cuối tháng 11/2020, tiến độ dự án mới đạt 93% và vẫn phải tạm ngưng do nhiều vướng mắc.
Giống như lĩnh vực bất động sản và hạ tầng, Trung Nam Group cũng gặp khó khăn trong lĩnh vực năng lượng. Trong những năm đầu hoạt động, tập đoàn này đã tạo dấu ấn với nhiều dự án Thủy Điện ở khu vực Tây Nguyên, như: Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 2 (Lâm Đồng) với công suất 70 MW; Nhà máy thủy điện Krông Nô 2 (Đắk Lăk) với công suất 30 MW và Nhà máy thủy điện Krông Nô 2 (Đắk Lăk) với công suất 18 MW.
Trung Nam Group cũng gặp khó khăn trong lĩnh vực năng lượng
Nhờ sự thành công với 3 dự án thủy điện trên là tiền đề để Trung Nam chuyển hướng sang năng lượng tái tạo. Năm 2016, Trung Nam Group đã khởi công xây dựng dự án Nhà máy điện gió Trung Nam (tỉnh Ninh Thuận) với quy mô tông công suất là 151,95 MW.
Bên cạnh đó, Trung Nam Group còn sở hữu Trạm biến áp và đường dây 220/500KV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW (Bình Thuận); Nhà máy điện mặt trời Trung Nam (Ninh Thuận) công suất 204 MWac; hay dự án điện mặt trời Trung Nam – Trà Vinh (Trà Vinh) công suất 140 MWac.
Mặc dù rất quyết tâm thực hiện dự án năng lượng, song đến nay mới chỉ một phần nhỏ các dự án được đưa vào hoạt động, còn lại vẫn đang trong quá trình đầu tư xây dựng.
Theo phía doanh nghiệp, từ ngày vận hành thương mại chính thức tới nay, dự án điện mặt trời 450 MW thường xuyên bị cắt giảm công suất phát, nhiều thời điểm nhà máy bị giảm tới hơn 80% công suất thiết kế. Cụ thể, cắt giảm 361 MW trong tổng số 450 MW (tương đương 80,22%) tại thời điểm 12h40 ngày 27/12/2020.
Việc cắt giảm công suất này được Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam cho là nguyên nhân giảm doanh thu phát điện của nhà máy, khiến nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn về tài chính trong việc chi trả tiền gốc, lãi vay cho ngân hàng theo phương án tài chính đã được phê duyệt.
Có thể thấy rằng, việc liên tục mở rộng đầu tư, tận dụng các đòn bẩy tài chính huy động vốn để "lớn" nhanh nhưng khi những dự án trọng điểm phát sinh vấn đề, Trungnam Group cũng có thể sẽ phải đối diện với thách thức lớn mà lớn nhất là năng lực tài chính.
Linh An