Ngộ độc rượu gia tăng dịp cận Tết. (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
Ngộ độc rượu trắng “3 không”
Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận 3 bệnh nhân nam (độ tuổi từ 46 đến 72) được chẩn đoán ngộ độc cồn công nghiệp methanol. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, tụt huyết áp, nhiễm toan chuyển hóa nặng, khi chụp phim cắt lớp não đã có tổn thương hoại tử, chảy máu và phù nề nặng lan tỏa trên não.
Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn methanol trong máu rất cao, lên tới vài trăm ml/dL. Mặc dù đã được giải độc và cấp cứu theo phác đồ nhưng đã có 1 bệnh nhân tử vong, 1 bệnh nhân mặc dù đã điều trị tối đa nhưng tiên lượng xấu.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) thông tin, thời gian qua Trung tâm tiếp nhận nhiều ca uống phải rượu “rởm” pha cồn công nghiệp methanol đã bị biến chứng dẫn tới mù mắt. Đa số các trường hợp ngộ độc methanol là do uống phải rượu trắng “3 không”: Không nhãn mác, không nguồn gốc, không rõ thành phần. Những loại rượu này chủ yếu bán trôi nổi ngoài thị trường, thậm chí đưa vào cả các quán nhậu.
Các ca ngộ độc rượu thường ở tình trạng ngộ độc cấp do uống một lần quá nhiều rượu hoặc lạm dụng rượu trong thời gian quá dài. Là chất tác động lên thần kinh, rượu khi vào cơ thể sẽ làm não mất khả năng kiểm soát. Đáng lo ngại, tình trạng ngộ độc methanol do uống phải rượu “rởm” khiến người uống không biết; ngộ độc rượu có chứa cồn methanol lại diễn ra chậm và âm thầm nên đa số bệnh nhân đến viện muộn, khi đã bị tổn thương não, mắt; tỷ lệ tử vong lên tới 30 - 50%.
Trên thị trường, ethanol và methanol là hai dạng cồn công nghiệp phổ biến nhất hiện nay. Sự khác biệt chính giữa ethanol và methanol là ethanol tương đối ít độc hại hơn nên có thể sử dụng trong đồ uống. Methanol độc hại và tuyệt đối không sử dụng trong đồ uống.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, phân biệt rượu ethanol và methanol rất khó. Bởi rượu methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí rượu methanol còn ngọt, dễ uống hơn. Ngay khi mới uống, cảm giác của người uống cũng giống với say rượu nên khó phân biệt.
Tuy nhiên, khoảng 1 - 2 ngày sau uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa, co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch.
Đồng thời, không loại trừ khả năng ngộ độc ngay cả với rượu ethanol “xịn”, nếu uống nhiều cũng có thể nguy hiểm tới tính mạng. Bởi rượu là một chất ảnh hưởng rất nhiều đến các chức năng của cơ thể; có thể ảnh hưởng đến não, chức năng hô hấp, tim mạch, tụt huyết áp, hạ thân nhiệt... có thể làm mất khả năng kiểm soát của người uống.
Cần thay đổi “văn hóa” uống rượu
Lo ngại tình trạng ngộ độc rượu xảy ra vào dịp Tết Nguyên Đán, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã gửi văn bản tới các tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp giám sát rượu kém chất lượng.
Cơ quan này cũng đề nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế và Công Thương để tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu. Trong đó, chú trọng vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, nhất là các cơ sở nấu rượu thủ công nhằm ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không bảo đảm an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác đưa ra lưu thông trên thị trường.
Trước những tác hại nguy hiểm trên, các chuyên gia khuyến cáo để phòng tránh ngộ độc rượu, người dân hạn chế uống rượu, bia, chỉ uống có điều độ những sản phẩm rượu, bia, đồ uống có cồn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có uy tín trên thị trường và được chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn. Tuyệt đối không tiêu thụ các loại rượu, đồ uống có cồn không rõ nguồn gốc và xuất xứ.
Bên cạnh đó cũng cần phải thay đổi “văn hóa” uống rượu. Nhiều người vẫn cho rằng những người không uống được rượu, bia, đặc biệt là nam giới, luôn bị chê cười, chế giễu. Yếu tố này đã thúc bách nhiều người sử dụng rượu, bia để thể hiện sự mạnh mẽ, nam tính và thể diện của mình.
Tuy nhiên, cần biết rằng rượu, bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính của 6 bệnh ung thư (gồm ung thư vú, đại trực tràng, gan, khoang miệng, dạ dày, cổ tử cung); là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông; đa số các vụ bạo lực gia đình có nguyên nhân xuất phát từ rượu, bia...
Với những tác hại và hậu quả như vậy, đã đến lúc mỗi cá nhân cần thay đổi nhận thức, thói quen và hành vi về uống rượu, bia nhằm bảo đảm sức khỏe và hạnh phúc của mỗi cá nhân, mỗi gia đình.
Bên cạnh đó, thiết nghĩ các cơ quan, tổ chức cũng cần vào cuộc để xây dựng kế hoạch phòng ngừa, hạn chế sử dụng rượu, bia trong tập thể của mình. Trong đó chú trọng đến các nội dung như: vận động thành viên ký cam kết hạn chế sử dụng rượu, bia, sử dụng rượu, bia an toàn và không lái xe khi đã uống rượu, bia, không uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc và giờ nghỉ giải lao; phát động phong trào chia sẻ cách làm hay, cách từ chối khéo léo trước lời mời để tự hạn chế sử dụng bia, rượu; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định về pháp luật và tác hại, hậu quả của lạm dụng rượu, bia với nhiều hình thức phong phú...
Linh Chi - Pháp luật Plus