Thế giới như chưa đủ tang thương!
Kinhte&Xahoi
Hơn 5.000 người chết, 12.000 người bị thương và hàng triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa. Đây không phải là những con số bi thảm ở điểm nóng Gaza được quan tâm nhất lúc này, mà là con số thiệt hại sau 6 tháng giao tranh ở Sudan giữa lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) và lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) - theo số liệu của Tổ chức Ân xá quốc tế.
Đó là chưa kể hàng triệu dân thường thiệt mạng hằng năm do nạn đói, bệnh tật. Như chưa đủ tang thương, nhiều nước lại đang chi hàng chục tỷ USD mỗi năm cho vũ khí quân sự để hủy diệt con người.
Tại Yemen - quốc gia có bờ biển kéo dài trên cả biển Đỏ và biển Ả Rập, là khu vực chiến lược của thế giới, gần 400.000 người thiệt mạng, trong đó có 11.000 trẻ em. Gần 60% số người chết vì đói, thiếu dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nước sạch. Theo Liên hợp quốc, 4,5 triệu người Yemen - tương ứng 1/7 dân số nước này - đã phải di dời trong 8 năm giao tranh giữa phiến quân Houthi và một chính phủ đang lúng túng của Yemen.
Tại Myanmar, quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, nội chiến đã diễn ra kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2021. Theo Sky News, hơn 6.000 dân thường, trong đó hơn 3.000 người thiệt mạng vào năm ngoái. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc báo cáo, hơn 1,6 triệu người đã phải di dời trong nước và 40.000 người đã rời Myanmar sang các nước láng giềng. Có tới 55.000 tòa nhà dân sự đã bị phá hủy trong các cuộc giao tranh.
Vào tháng 7 năm nay, một cuộc đảo chính khác đã diễn ra ở quốc gia châu Phi Niger, lật đổ chính phủ của Tổng thống Mohammed Bazoum, trong khi một sĩ quan trong Đội cận vệ tổng thống tự tuyên bố mình là thủ lĩnh của một chính quyền quân sự. Nhưng tại sao một cuộc đảo chính ở Niger lại đáng chú ý đến vậy?
Là bởi, Mỹ đã có quân đồn trú tại quốc gia châu Phi này trong nhiều năm để chống lại các cuộc nổi dậy của lực lượng Hồi giáo A-Qaeda, ISIS… Sự bất ổn ở Niger được cho đã mở ra cơ hội để Tập đoàn Wagner của Nga bắt đầu gây ảnh hưởng ở đó. Trên thực tế, sau cuộc đảo chính vào mùa hè vừa qua, nhiều người ủng hộ chính quyền đã vẫy cờ Nga trên đường phố thủ đô Niamey của Niger.
Và giờ đây, thế giới đang chứng kiến cuộc xung đột giữa Israel và Hamas ngày càng tiến gần đến nguy cơ lan rộng khắp Trung Đông. Sau cuộc tấn công bất ngờ vào Israel của các chiến binh Hamas từ Dải Gaza hôm 7-10 - cướp đi sinh mạng của 1.400 người và bắt giữ hơn 200 con tin dân sự và quân sự, Israel đã đáp trả bằng các cuộc không kích và tập trung hơn 300.000 binh sĩ đến biên giới Gaza cho một cuộc tấn công trên bộ nhắm vào các thành trì của Hamas ở dải đất phức tạp này.
Ở miền Bắc Israel, các chiến binh Hezbollah, với sự hỗ trợ từ Iran, đã tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa và pháo binh vào Israel. Trong vài ngày qua, phiến quân ở Syria có mối liên hệ chặt chẽ với Iran cũng đã bắn tên lửa và điều động máy bay không người lái có vũ trang tấn công các tiền đồn của quân đội Mỹ ở Syria và Iraq, bao gồm cả căn cứ không quân ở phía Tây Iraq gần biên giới Syria.
Mỹ đã đáp trả bằng các cuộc không kích vào hai tiền đồn của phiến quân ở Đông Syria có liên quan đến lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã thông báo về các cuộc tấn công vào tối thứ năm vừa qua, nói rằng Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh tấn công trả đũa "để khẳng định việc Mỹ sẽ không tha thứ cho những cuộc tấn công như vậy".
Và vẫn còn đó Ukraine khói lửa. Theo Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, kể từ khi chiến sự nổ ra vào tháng 2-2022, gần 10.000 thường dân đã thiệt mạng, gần 18.000 dân thường đã bị thương. Lầu Năm Góc ước tính có tới 70.000 binh sĩ Ukraine thiệt mạng và khoảng 100.000 đến 120.000 người bị thương, trong khi hơn 120.000 binh sĩ Nga thiệt mạng và có tới 180.000 người bị thương.
Hóa ra, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc lại là lúc khởi đầu của các cuộc chiến tranh "nóng" trên toàn cầu, gây ra cái chết của hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu dân thường, do đạn bom, nạn đói, bệnh tật. Nhưng dân thường đang thiệt mạng không chỉ ở Gaza, Ukraine và Sudan.
Chúng ta đừng quên rằng đại dịch toàn cầu bắt đầu vào năm 2020, mới chỉ được tuyên bố kết thúc hồi giữa năm nay. Ở những nơi trên thế giới không đủ khả năng mua vắc xin, hoặc do chiến tranh và các xung đột khác không thể duy trì dịch vụ chăm sóc sức khỏe cấp thiết, Covid-19 vẫn đang hoành hành.
Trên toàn thế giới, cho đến nay đã có 7 triệu người chết vì Covid-19 và đó mới chỉ là những cái chết được Tổ chức Y tế thế giới báo cáo. Chắc chắn còn có nhiều cái chết không được ghi nhận hơn ở Yemen, Myanmar, Somalia và ở các vùng chiến sự như Ukraine.
Như chưa đủ tang thương, nhiều nước lại đang chi hàng chục, hàng trăm tỷ USD mỗi năm cho vũ khí quân sự để hủy diệt con người, bao gồm nguồn ngân sách quốc phòng hằng năm ở Mỹ cho các loại súng như AR-15 - vũ khí đã được một kẻ xả súng sử dụng giết thêm 18 người Mỹ vô tội nữa trong tuần qua.
Thống kê vào năm 2021 - năm cuối cùng có số liệu quốc gia đầy đủ, 48.830 người Mỹ đã chết vì bạo lực súng đạn. Cơ quan Lưu trữ bạo lực súng đạn có thẩm quyền báo cáo rằng năm ngoái, 20.138 người Mỹ đã thiệt mạng trong các vụ giết người bằng súng.
Trọng Nhân - Hà Nội mới