Ai cho phép “đào mộ” tàu Titanic?
Kinhte&Xahoi
Một Tòa án ở Mỹ lần đầu tiên cho phép tiến hành hoạt động dưới nước để trích xuất máy phát vô tuyến Marconi từ tàu Titanic bị chìm. Việc mở thân tàu dự kiến thực hiện vào mùa hè năm 2020, theo tờ New York Times.
Hình ảnh tàu Titanic bị đắm.
Giấy phép cho hoạt động của công ty R.M.S Titanic do thẩm phán Rebecca Beach Smith của Tòa án Norfolk (bang Virginia, Mỹ) cấp. Đại diện công ty đã bày tỏ việc cần thiết vớt lên lập tức chiếc máy phát vô tuyến độc đáo gắn trên tàu.
“Thiết bị Marconi có ý nghĩa giá trị quan trọng về lịch sử, giáo dục, khoa học và văn hóa” - thẩm phán Beach Smith tuyên bố khi đồng ý với lập luận của công ty R.M.S Titanic.
Tàu Titanic dưới đáy đại dương.
Theo nhận định của các chuyên gia nghiên cứu tàu Titanic, trong tương lai gần máy thu phát Marconi khi xưa từng phát tín hiệu gặp nạn có nguy cơ biến thành mảnh vụn nát dưới đáy đại dương. Tuy nhiên, kế hoạch hành động trục vớt cũng gặp phải vật cản.
Cụ thể, Cơ quan Quản lý nghiên cứu Khí quyển và Đại dương Quốc gia (Mỹ) cho rằng lợi ích giả định của việc mở tàu Titanic thực ra không đáng bỏ kinh phí. Chuyên gia lặn biển lừng danh Ryan King thì chỉ trích hoạt động của công ty dưới góc độ quan điểm đạo đức: “Đó là một ngôi mộ, cần được tôn trọng”.
Tàu Titanic ở cảng Southampton trước khi khởi hành.
Đại du thuyền chạy bằng hơi nước Titanic bị đắm vào đêm rạng ngày 15/4/1912 ở phía bắc Đại Tây Dương, cách đảo Newfoundland khoảng 600 km về phía đông-nam. Thảm họa xảy ra do tàu Titanic va vào tảng băng trôi. Hơn 1.500 hành khách thiệt mạng, khoảng 700 người được cứu thoát.
Ông David Concannon - Luật sư của R.M.S Titanic - tuyên bố, Công ty sẽ cố gắng hết sức để đưa vật chứng lịch sử từ đáy biển lên càng sớm càng tốt, và sẽ cố gắng không rạch vào thân tàu hay gây thiệt hại vật chất cho tàu Titanic. Theo ý tưởng của các chuyên gia, họ có thể sẽ vào cabin điện báo của tàu qua lối cửa nóc phía trên mái che.