Ẩm thực Tết truyền thống ở các nước châu Á
Kinhte&Xahoi
Tết Nguyên đán là thời điểm người dân ở một số nước châu Á đoàn tụ gia đình và cùng nhau thưởng thức các món ăn truyền thống.
Đây không chỉ là những món ăn liên quan đến năm mới âm lịch mà còn là một biểu tượng văn hóa ở mỗi quốc gia. Các món ăn khác nhau có ý nghĩa khác nhau, thể hiện những lời chúc năm mới tốt đẹp đến mọi người.
Món cá của Trung Quốc
Trong tiếng Trung, “cá” (yú/ yoo) nghe giống như “dư thừa”. Người Trung Quốc luôn muốn dư dả vào cuối năm và có thể kiếm được nhiều hơn trong năm tới, vì vậy, họ sẽ ăn món cá cuối cùng nhưng không ăn phần đầu, đuôi cho đến đầu năm sau với niềm hy vọng rằng, năm mới sẽ bắt đầu và kết thúc với sự dư thừa. Cá hấp là một trong những món ăn phổ biến nhất trong dịp Tết Nguyên đán của người Trung Quốc.
Ngoài ra, họ cũng thích ăn một số loại cá khác dựa trên những đồng âm tốt lành như cá chép Crucian (jìyú/ jee-yoo) nghe giống như “jí/ jee” nghĩa là “chúc may mắn”; cá da trơn (niányú/ nyen-yoo) nghe giống như “nián yú” có nghĩa là “năm thặng dư”.
Món Yusheng của Singapore
Yusheng hay Prosperity Toss là một món salad cá sống kiểu Quảng Đông. Món ăn này thường được phục vụ vào ngày mùng 7 Tết. Yusheng có nguyên liệu chính là cá hồi sống.
Đây cũng là tâm điểm của các món ăn ngày Tết, vì thế nó được sắp xếp trên một đĩa tròn lớn với các nguyên liệu nhiều màu sắc như cà rốt, củ cải xanh và trắng thái nhỏ, gừng ngâm, lạc nghiền, bưởi, quế, tiêu, bánh quy vàng...
Một phần thú vị của yusheng là mỗi thành phần trong món ăn đi kèm với một điều ước năm mới. Khi cá hồi được bê vào đầu tiên, người phục vụ sẽ đọc câu thành ngữ Singapore: “Nian-nian-you-yu” như một lời chúc những điều tốt đẹp trong suốt cả năm. Và khi toàn bộ món ăn được đưa lên, người ngồi quanh bàn sẽ đứng lên để ném yusheng bằng đũa. Đây được gọi là nghi thức “lo hei” (nghĩa là “tăng lên”). Người ném yusheng cao nhất sẽ là người đón sự thịnh vượng đang lên.
Món Tteokguk của Hàn Quốc
Nhiều người Hàn Quốc chào đón năm mới với bữa sáng có Tteokguk - món súp bánh gạo truyền thống.
Món súp này dùng với lát bánh gạo dai, được trang trí với trứng, rau cắt lát mỏng và nấm, mang lại hương vị tuyệt vời cho một buổi sáng mùa đông lạnh giá. Nó được cho là mang lại may mắn cho năm mới. Bánh gạo được sử dụng để làm món ăn này ban đầu được làm từ “garaetteok” - một dạng bánh gạo dài - biểu tượng và mong muốn trường thọ. Còn bánh gạo hình bầu dục giống như những đồng xu thể hiện mong ước giàu có và thịnh vượng.
Hoàng Trần - Hà Nội mới