Bác sĩ căng mình tại nơi tâm dịch của thế giới
Kinhte&Xahoi
Bác sĩ Irman Pahlepi đã ngay lập tức trở lại làm việc tại bệnh viện Suyoto ở Jakarta, Indonesia, nơi đang điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, sau khi vừa thoát khỏi căn bệnh này lần thứ hai.
Làn sóng lây nhiễm Covid-19 nghiêm trọng
Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Indonesia không ngừng tăng lên, các nhân viên y tế đang kiệt sức nhưng virus không chừa một ai. Do vậy bác sĩ Pahlepi, 30 tuổi, cho biết anh cảm thấy không còn lựa chọn nào khác ngoài việc quay trở lại ngay lập tức sau khi hồi phục Covid-19 lần thứ hai.
“Chúng tôi có quá nhiều bệnh nhân phải điều trị so với năm ngoái. Số lượng bệnh nhân Covid-19 hiện nay cao gấp bốn lần so với thời kỳ tăng đột biến trước đó vào tháng Giêng”, Pahlepi chia sẻ.
Đến nay, Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới đã ghi nhận hơn 3,6 triệu mắc Covid-19 với trên 100 nghìn trường hợp tử vong.
Indonesia đang phải vật lộn với làn sóng Covid-19 mới do biến thể Delta lây lan nhanh chóng. Tỷ lệ tử vong trung bình trong 7 ngày của nước này chỉ đứng sau Myanmar và cao hơn nhiều so với Ấn Độ vào thời kỳ đỉnh điểm của dịch bệnh hồi tháng 5.
Trong số những người tử vong do Covid-19, có hơn 1.200 nhân viên y tế, bao gồm 598 bác sĩ theo thống kê của nhóm giảm thiểu rủi ro của Hiệp hội Bác sĩ Indonesia.
Nhiều nhân viên y tế khác thì kiệt sức vì khối lượng công việc quá lớn. Điều này khiến họ có nhiều nguy cơ mắc Covid-19, giống như Pahlepi.
“Chúng tôi lo lắng về khối lượng công việc quá tải trong thời gian dài có thể khiến họ kiệt sức. Sự mệt mỏi này khiến khả năng miễn dịch của họ giảm xuống”, Mahesa Paranadipa, đồng lãnh đạo nhóm giảm thiểu rủi ro cho biết.
Bác sĩ Irman Pahlepi cùng các thành viên trong nhóm nghỉ ngơi sau khi điều trị cho một bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Suyoto ngày 29/7 (Ảnh: AP)
Hệ thống y tế Indonesia đang rơi vào tình trạng quá tải, thiếu trầm trọng y, bác sĩ trước làn sóng bệnh nhân Covid-19 quá lớn. Nhiều người phải tăng ca, làm việc tới 200 - 300% công suất.
Bên cạnh việc thiếu nhân sự, Indonesia còn đang gặp khó khăn về nguồn cung thiết bị y tế. Pahlepi cho biết bệnh viện của anh đang gặp phải tình trạng thiếu oxy, khiến việc điều trị cho bệnh nhân càng trở nên khó khăn hơn.
Năm ngoái, hầu hết những bệnh nhân nặng mà Pahlepi gặp là người cao tuổi. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến thể Delta lan rộng hiện nay, hầu hết bệnh nhân phải cấp cứu với các triệu chứng vừa và nặng lại là trẻ em và thanh niên.
Mắc Covid-19 hai lần
Pahlepi đã tham gia điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 kể từ khi bắt đầu đại dịch với tư cách là bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Quân đội Gatot Soebroto. Đây là bệnh viện được Chính phủ Indonesia chỉ định là địa chỉ chuyển tuyến điều trị bệnh nhân Covid-19.
Vào tháng 11 năm ngoái, Pahlepi đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 mặc dù luôn thực hiện các biện pháp phòng ngừa. May mắn thay, bác sĩ Pahlepi chỉ bị nhẹ. Anh có thể trở lại làm việc sau khi được điều trị trong hai tuần.
Bác sĩ Irman Pahlepi (bên trái) đang kiểm tra màn hình theo dõi bệnh nhân Covid-19 (Ảnh: AP)
Nếu trong lần mắc Covid-19 đầu tiên, Pahlepi không có triệu chứng thì lần mắc bệnh thứ hai, anh bị đau đầu dữ dội và đau nhức xương khớp. Đến ngày 14/7 vừa qua, Pahlepi lại có kết quả dương tính trong khi làm việc thêm ca để điều trị cho lượng bệnh nhân tăng đột biến gần đây.
Giống như nhiều bệnh nhân, anh quyết định cách ly tại nhà. Pahlepi tự theo dõi cẩn thận sức khỏe của mình, đảm bảo lượng oxy trong máu ở mức đủ và không cần điều trị nâng cao hơn. “Có nhiều người mắc Covid-19 với các triệu chứng nặng cần được điều trị tại bệnh viện hơn tôi”, Pahlepi chia sẻ.
Ngay khi khỏe hơn, Pahlepi đã ngay lập tứ quay lại để giúp đỡ những đồng nghiệp đang làm việc quá sức. Mặc dù làn sóng dịch Covid-19 hiện tại ở Indonesia chưa có hồi kết nhưng bác sĩ Pahlepi luôn hy vọng tới một ngày cuộc sống sẽ trở lại bình thường với đất nước và gia đình mình.
“Tôi cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức nhưng chúng tôi phải giữ vững tinh thần để giúp Indonesia đẩy lùi đại dịch Covid-19”, Pahlepi nói.
Trong hai tháng qua, cảnh tượng thường xuyên diễn ra tại các bệnh viện ở Indonesia là hàng chục người có triệu chứng Covid-19 nghiêm trọng phải xếp hàng chờ giường bệnh tại khoa cấp cứu. Cùng với đó, hàng dài người chờ đợi được điều trị trong các khu cách ly. Một số bệnh nhân đã mang theo bình oxy riêng. Khi nguồn cung của bệnh viện cạn kiệt, các bác sĩ và y tá đã phải đề nghị các bệnh nhân này chia sẻ bình oxy với những người khác.
Ngọc Ly - TTTĐ