Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Brussels, Bỉ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Brussles, biến thể của virus SARS-Cov-2 xuất hiện ở Anh vào cuối năm ngoái với khả năng lây lan nhanh hơn hiện đang hoành hành tại Bỉ và là nguyên nhân chính làm cho dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở quốc gia được mệnh danh “Trái tim của châu Âu,” đồng thời khiến chính phủ nước này phải lùi kế hoạch nới lỏng các biện pháp phòng dịch.
Tại buổi họp báo sau cuộc họp chính phủ về COVID-19 chiều 26/2, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã kêu gọi người dân thận trọng vì tình hình dịch bệnh còn rất phức tạp và mọi dự kiến về nới lỏng hạn chế phòng dịch đều bị hoãn lại cho tới khi chính phủ họp bàn trong phiên tiếp theo vào tuần tới.
Thay đổi duy nhất hiện nay là thời gian quy định giờ giới nghiêm ở Wallonie (vùng nói tiếng Pháp ở miền Nam nước Bỉ) được lùi từ 10-12 giờ đêm giống như ở Flamand (vùng nói tiếng Hà Lan ở miền Bắc nước Bỉ).
Tại thủ đô Bressels, thời gian giới nghiêm không thay đổi, vẫn được duy trì từ 10 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.
Tính trong một tuần trở lại đây, số ca mắc mới ở Bỉ tăng 24% so với tuần trước đó, lên gần 2.300 ca nhiễm mới mỗi ngày. Số ca nhập viện cũng đang tăng trở lại, với hơn 200 ca trong 24 giờ qua.
Đáng lưu ý là hơn nửa (53%) trong số này mắc biến thể ở Anh, tăng 38% so với tuần trước đó, trong khi biến thể ở Nam Phi chiếm 2,2% và biến thể ở Brazil chỉ chiếm 0,9%.
Tổng số người đang phải điều trị tích cực trong bệnh viện là 400 người, mức cao nhất kể từ đầu tháng Một đến nay.
Bộ trưởng Y tế Bỉ Frank Vandenbroucke khuyến cáo để tránh tình trạng quá tải, các bệnh viện sẽ phải dành một nửa số giường hồi sức cho các bệnh nhân mắc COVID-19.
Một yếu tố khác cần lưu ý là trong lúc tất cả các nhóm tuổi đều bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát trở lại các ca mắc COVID-19 thì riêng nhóm người trên 80 tuổi hầu như không bị tác động nhờ công tác tiêm phòng được triển khai từ tháng Một vừa qua.
Cho đến nay, đại dịch COVID-19 đã khiến hơn 22.000 người tử vong tại Bỉ và buộc người dân phải sống trong tình trạng phong tỏa một phần suốt gần 4 tháng qua.
Tuy các trường tiểu học và trung học vẫn mở cửa, nhưng các trường đại học phải dạy từ xa. Các quán càphê, nhà hàng và nhà hát đều bị đóng cửa. Những chuyến du lịch nước ngoài không cấp thiết cũng bị cấm từ ngày 27/1.
Tại Đức, phóng viên TTXVN tại Berlin cho biết số ca mắc mới bệnh COVID-19 ở Đức đã gia tăng trở lại trong những ngày qua, khoảng trung bình 10.000 ca/ngày, chỉ số lây nhiễm trong 7 ngày cũng liên tục tăng, ở mức 62,6/100.000 dân, cao gần gấp đôi mục tiêu 35 để có thể dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa.
Thông báo của Viện Dịch tễ Robert Koch (RKI) sáng 26/2 cho biết trong vòng 24 giờ qua, Đức ghi nhận thêm gần 10.000 ca nhiễm mới và khoảng 400 ca tử vong.
Trong một tháng qua, tuy số ca nhiễm mới giảm, nhưng số ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lại gia tăng, làm dấy lên quan ngại nguy cơ dịch bùng phát trở lại.
Kiểm tra thân nhiệt tại một trung tâm tiêm chủng ngừa COVID-19 ở Berlin, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ lo ngại Đức phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 3 dịch COVID-19, trong khi nhiều chuyên gia nhận định nước này đã bắt đầu làn sóng thứ 3 khi số ca nhiễm mới, đặc biệt là số ca nhiễm biến thể mới, đã gia tăng trở lại từng ngày.
Liên quan công tác tiêm chủng ở Đức, Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn cho biết chiến dịch tiêm chủng trong nước bước đầu đã đạt được kết quả tích cực khi đã tiêm chủng được cho hầu hết nhóm ưu tiên số một là các cụ trên 80 tuổi và những người có bệnh nền tại các viện dưỡng lão.
Cụ thể, các cơ sở tiêm chủng đã tiến hành tiêm xong mũi thứ nhất cho gần 800.000 người trong nhóm này, trong khi hơn 550.000 người đã được tiêm đủ 2 mũi.
Đây là nhóm có nguy cơ lây nhiễm và tử vong cao nhất.
Theo Chủ tịch RKI Lothar Wieler, số ca nhiễm bệnh và tử vong trong số những người trên 80 tuổi đang tiếp tục giảm, chứng tỏ việc tiêm chủng đã mang lại hiệu quả.
Cho tới nay, sau 2 tháng thực hiện, Đức đã tiêm chủng được 5,7 triệu liều, chiếm 4,5% dân số, trong đó số dân được tiêm đủ 2 mũi chiếm 2,4%. Tỷ lệ tiêm chủng hằng ngày ở Đức đạt trung bình 150.000 mũi/ngày.
Trước tình trạng số ca lây nhiễm, nhất là số ca nhiễm biến thể mới, đang có chiều hướng gia tăng, nhiều chuyên gia đã cảnh báo những nguy cơ nếu sớm nới lỏng các biện pháp phong tỏa.
Theo các chuyên gia, việc sớm dỡ bỏ phong tỏa có thể khiến làn sóng lây nhiễm thứ 3 bùng phát mạnh khó có thể kiểm soát và trở thành gánh nặng đối với các cơ sở chăm sóc tích cực.
Chủ tịch Hiệp hội Liên ngành về chăm sóc tích cực và cấp cứu (DIVI) Gernot Marx kêu gọi tiếp tục kéo dài thời gian phong tỏa tới ít nhất ngày 1/4 tới.
DIVI đã công bố mô hình dự báo mới, trong đó công suất các giường chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân COVID-19 trong những tháng tới có thể được dự đoán theo các kịch bản khác nhau và trong trường hợp xấu nhất, số bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt có thể tăng trở lại lên mức 25.000 người vào giữa tháng Năm tới.
Ông Marx kêu gọi cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm chủng, trong đó có việc sử dụng cả vắcxin AstraZeneca, nhằm đạt được tỷ lệ tiêm chủng vào khoảng 80% tới cuối tháng Chín, qua đó sẽ giúp kiềm chế được đại dịch.
Trong khi đó, theo kết quả một cuộc thăm dò của kênh truyền hình ZDF, đa số người Đức ủng hộ việc nhanh chóng nới lỏng các biện pháp phong tỏa hiện nay.
Cụ thể có 56% số người được hỏi ủng hộ việc nới lỏng, trong khi 41% phản đối.
Tuy nhiên, trước câu hỏi liệu có ủng hộ việc nới lỏng khi Đức phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 3, khoảng 55% người được hỏi cho rằng các biện pháp phong tỏa hiện nay là phù hợp, trong khi chỉ có 21% ủng hộ nới lỏng phong tỏa.
Trên quy mô châu Âu, Chủ tịch Nhóm nghị sỹ đảng Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) trong Nghị viện châu Âu Manfred Weber kêu gọi nhanh chóng phong tỏa việc nhập cảnh từ các khu vực có biến thể trong khu vực tự do đi lại Schengen.
Ông Weber nhấn mạnh trong khu vực Schengen cần phải có một tiêu chuẩn chung để cô lập các khu vực có nguy cơ cao để có thể ngăn chặn sự lây lan của các biến thể mới.
Thủ tướng Merkel cho biết một hệ thống công nhận lẫn nhau về tiêm chủng sẽ sớm được áp dụng ở châu Âu.
Theo bà, một "hộ chiếu vắcxin" được EU thực hiện vào mùa Hè sẽ mang lại lợi ích cho những người đã được tiêm chủng trong trường hợp cần thiết.
Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh "hộ chiếu vắcxin" không có nghĩa trong tương lai chỉ những người có giấy chứng nhận này mới được phép tự do đi lại và hiện không có quyết định chính trị nào được đưa ra liên quan vấn đề này.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia như Hy Lạp, Cyprus, Bulgaria và Áo kêu gọi tạo điều kiện đi lại cho những người đã tiêm vắcxin.
Hy Lạp và Cyprus đã ký kết các thỏa thuận với Israel về việc tiếp nhận những người được tiêm chủng trong tương lai.
Một số quốc gia EU như Ba Lan và Romania đã tạo điều kiện thuận lợi cho những người đã được tiêm chủng, chẳng hạn như khi nhập cảnh các nước này.
Hiện, 27 nước EU cho rằng cần có chứng nhận tiêm chủng được công nhận lẫn nhau, trong đó có một cơ sở dữ liệu về tiêm chủng và mã QR được cá nhân hóa. Tuy nhiên, một số nước như Đức còn e ngại do chưa rõ những người đã được tiêm phòng còn có thể lan truyền virus hay không./.
Đức Hùng - Mạnh Hùng - Theo TTXVN