Cách người dân Ấn Độ vượt qua bão giá
Kinhte&Xahoi
Chi phí thực phẩm và năng lượng tăng cao do chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn và cuộc chiến ở Ukraine đã tác động mạnh đến các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình ở Ấn Độ, khiến nhiều người thay đổi thói quen ăn uống cho phù hợp với túi tiền.
Lạm phát của Ấn Độ đã tăng lên mức cao nhất trong 17 tháng gần đây (Ảnh: Reuters)
Sasikala Rajan, 35 tuổi, một người làm giúp việc gia đình ở thành phố Chennai, miền Nam Ấn Độ cho biết: “Chúng tôi mua ít cá và thịt hơn khi giá cả tăng, đôi khi chúng tôi chỉ ăn cơm với sữa bơ mặn và một ít cá khô”.
Rajan kể cô chỉ kiếm được 15.000 rupee mỗi tháng (khoảng 196 USD) vì vậy cho biết gia đình ba người đã phải áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng như cắt giảm rau củ quả và một số loại gia vị trong quá trình chế biến món ăn.
“Tôi còn dùng nồi áp suất để nấu nhanh và tiết kiệm gas. Không có sự lựa chọn nào khác”, ”cô nói thêm.
Lạm phát của Ấn Độ đã tăng lên mức cao nhất trong 17 tháng gần đây, đạt mức 7% đã đẩy giá các mặt hàng chủ lực, bao gồm hành tây, khoai tây, cà chua, thịt gà và dầu tăng mạnh.
Ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ chi phí sinh hoạt tăng cao đã buộc anh Hariram Das, một công nhân xây dựng chỉ ăn bánh với hành tây và muối, cũng như ăn các món ăn đường phố và đồ ăn nhẹ như bánh mì trứng.
“Chúng tôi lo lắng cho con cái và cố gắng cho chúng uống sữa hoặc ăn trứng khi có tiền”, Hariram kể.
Ngay cả những nhà hàng quy mô nhỏ, nơi tầng lớp lao động thường xuyên lui tới vì thực phẩm giá rẻ, cũng gặp tình trạng bị mất đi một lượng lớn khách hàng do lạm phát.
Chinnaswamy, một người bán trái cây tại Chennai, cho biết khó khăn kinh tế đã đè nặng lên chi phí tiêu dùng của các gia đình. Doanh thu quầy trái cây của anh đã sụt giảm mạnh do khách hàng thắt chặt hầu bao trong khi những người khác thay đổi phong cách nấu ăn.
“Tôi thường xuyên nấu những món ăn chung một nồi như cơm hấp hay đậu tây sốt cà chua và hành tây hoặc kadi (nước thịt sữa chua) để cắt giảm chi phí và không ăn đến rau”, bà Manisha Rani, một người nội trợ ở New Delhi, chia sẻ.
Các mặt hàng như hành tây, khoai tây, cà chua, thịt gà và dầu tăng mạnh (Ảnh: Reuters)
Cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt cũng khiến người dân Ấn Độ trở nên “tháo vát” hơn. Nhà báo tự do Shoma Abhyankar cho hay cô thường mua số lượng lớn chanh khi vào mùa. Sau đó, cô Abhyankar vắt lấy nước, bỏ chút muối vào cùng và để lên ngăn đá. Số nước chanh trữ đông này sau đó được cô Abhyankar mang dần ra pha nước uống giải khát, hoặc để chế biến món ăn.
Sheela Jaywant cũng cho biết cô còn trồng tất cả các loại đậu như masoor, lobia, đậu Hà Lan, chana và ăn chúng với gia vị khi giá rau tăng cao.
Trong khi đó, bà nội trợ Preeta Kumar cho biết cô tránh các món chiên ngập dầu, nấu các món ăn hầm một nồi hoặc tăng cường món luộc, hấp để khắc phục tình hình.
Chuyên gia ẩm thực Kurush Dalal cho hay, người dân Ấn Độ khá thành thạo trong việc chế biến các món ăn thanh đạm như dal kichdi (cơm nghiền và đậu lăng) khi điều kiện sống trở nên khó khăn.
“Từ chuyện dùng ít dầu ăn hơn, chuyển sang ăn dalda (dầu thực vật) thay vì ghee (bơ khan) và dùng nồi áp suất là những biện pháp để cắt giảm lượng gas tiêu thụ”, ông Dalal nói.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cảnh báo mức độ dinh dưỡng có thể bị ảnh hưởng khi mọi người tìm kiếm các giải pháp thay thế thực phẩm nhằm cắt giảm chi phí.
“Nhiều nhóm thu nhập thấp đã buộc phải thỏa hiệp với vấn đề dinh dưỡng nhằm vượt qua giai đoạn lạm phát. Đây là một lựa chọn rất khó khăn”, ông Dalal nhấn mạnh.
Sau khi đại dịch COVID-19 lắng xuống, lạm phát lương thực đang là vấn đề nổi lên toàn cầu, trong đó, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc, giá lương thực thế giới đã tăng vọt 75% kể từ giữa năm 2020.
Tại Ấn Độ, giá thực phẩm tiêu dùng nông thôn đã tăng gấp đôi trong vòng 1 năm, tính đến tháng 3/2022. Lạm phát hàng bán buôn hàng năm của nước này lên tới 13%, mức cao nhất trong một thập kỷ.
Tuệ Uyên -TTTĐ