Ảnh minh họa

Bất kể kết cục cuối cùng của biến cố này rồi đây như thế nào thì châu Âu cũng sẽ không còn như trước về cục diện quan hệ giữa các quốc gia, về tương quan thế và lực giữa các quốc gia trên châu lục.

Điều hiện đã có thể thấy được khá rõ là châu lục này sẽ phân bè, chia phái: Một bên là Nga cùng các đồng minh, phía bên kia là EU và NATO. Châu lục sẽ bị phân phe trên nhiều phương diện và hai phe sẽ phải cần nhiều thời gian xích lại và hợp tác với nhau thì mới có thể khắc phục được sự phân chia phe phái ấy.

Trước hết là về ý thức hệ và quy chuẩn giá trị phổ cập. Hai phe sẽ đối địch nhau quyết liệt và không khoan nhượng chẳng kém gì như đã từng thấy trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh trước đây. Khác với trước, cuộc đối địch này giờ không nhằm mục tiêu áp đặt lẫn nhau mà chỉ chứng tỏ ai hơn ai, ai bền vững hơn ai và ai có sức cuốn hút thiên hạ hơn ai.

Trên phương diện quân sự, châu Âu sẽ chứng kiến hai trào lưu chính. Thứ nhất là tăng cường vũ trang, tăng chi phí cho quân sự và quốc phòng ở tất cả các nước trên châu lục. Giữa NATO và Nga sẽ có cuộc chạy đua vũ trang mới chứ không chỉ có giữa Mỹ và Nga. Cả hai phe đều tiếp tục phát triển và ứng dụng chiến lược vừa cảnh báo vừa răn đe lẫn nhau để kiềm chế nhau. Thứ hai là tăng cường triển khai vũ khí và quân đội ở vùng biên giới giữa Nga với các nước thành viên NATO. Ở khu vực giáp nhau này, các hoạt động quân sự khác như diễn tập quân sự hay tập trận với quy mô lớn và với mục đích cả công lẫn thủ đều sẽ gia tăng.

Quan hệ chính trị giữa hai bên sẽ không dễ dàng và hình thức nhiều hơn thực chất. Tiếp xúc và đối thoại ngoại giao vẫn được duy trì nhưng chưa thể sớm có được hợp tác thực sự với nhau về chính trị. EU và NATO sẽ phải rất thận trọng với việc kết nạp thêm thành viên mới nếu những ứng cử viên này về địa lý ở vùng láng giềng gần của Nga như Ukraine, Grudia hay Moldova.

Chừng nào phía bên kia còn duy trì các biện pháp chính sách trừng phạt Nga thì chừng ấy trên châu lục chưa thể thông thương các mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch. Tác động mặt trái của chúng và những biện pháp trả đũa của Nga sẽ làm suy giảm nhịp độ tăng trưởng kinh tế và thương mại chung của châu Âu.

Việc gây dựng và tăng cường lòng tin lẫn nhau sẽ là công chuyện khó khăn nhất đối với cả hai bên, nhưng lại là tiền đề tiên quyết để hai bên có thể khắc phục được sự phân bè, chia phái này. Trong thời gian dài sắp tới, chuyện duy trì hòa bình, đảm bảo an ninh và ổn định bền vững cho cả châu lục và cho tất cả các quốc gia trên châu lục sẽ là thách thức lớn nhất đối với châu lục.

 Lạn Kha - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thế giới đang thải ra 3 triệu chiếc khẩu trang mỗi phút

Các nghiên cứu gần đây ước tính con người sử dụng 129 tỷ chiếc khẩu trang trên toàn cầu mỗi tháng, tương đương với 3 triệu chiếc khẩu trang bị vứt ra môi trường mỗi phút. Hầu hết chúng là khẩu trang dùng một lần được làm từ các sợi vi nhựa. Đây được cảnh báo là một quả bom hẹn giờ về ô nhiễm môi trường.

Singapore triển khai hành lang du lịch cho du khách Việt Nam đã tiêm vắc xin

Singapore vừa công bố hành lang du lịch dành cho người đã tiêm chủng với Việt Nam (VTL). Du khách đã hoàn thành tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 từ Việt Nam có thể bắt đầu đăng ký thẻ thông hành dành từ 9 giờ ngày 13/3/2022 (theo giờ Việt Nam) và nhập cảnh Singapore mà không cần phải thực hiện cách ly từ ngày 16/3/2022.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/quoc-te/chau-luc-phan-phe-d177691.html