Chuyện những F0 trả ơn cuộc đời

19/09/2021 08:48

Kinhte&Xahoi Ngày càng nhiều những người từng nhiễm COVID-19 đã khỏi bệnh tình nguyện tham gia vào cuộc chiến chống dịch. Họ, bằng sức lực vừa mới hồi phục, nghe theo tiếng gọi của thành phố, của con tim, xông vào tâm dịch để cảm ơn cuộc đời.

Vừa khỏi bệnh đã xông vào tâm dịch

Những ngày qua, nhiều người dân ở phường 13, quận 11 đã “quen mặt” với một nữ sinh nhỏ nhắn nhưng rất nhiệt tình, thường phụ trách mang bình oxy vào điểm có bệnh nhân đang cần.

Đó là nữ sinh Lê Võ Thị Cẩm Tiên của Trường THPT An Lạc. Cẩm Tiên hiện là thành viên của đội phản ứng nhanh và điều trị F0 tại nhà thuộc phường 13, quận 11.

Là một trong những bạn trẻ từ rất sớm, lúc dịch mới bùng phát tại TP HCM đã đăng kí tham gia vào đội tình nguyện chống dịch, nhưng không may, sau đó cô bé bị nhiễm COVID-19.

Bạn trẻ Đinh Hoàng Bảo Trâm đang hỗ trợ tại Bệnh viện Hùng Vương.

Sau khi khỏi bệnh, dù gia đình khá lo lắng và ngần ngại, nhưng Cẩm Tiên đã thuyết phục gia đình để tham gia hoạt động tình nguyện tiếp tục. Từ cuối tháng tám đến nay, Cẩm Tiên xông pha trong các hoạt động trư trực vận chuyển bình oxy và hỗ trợ những F0 đang điều trị tại nhà.

Dù là sáng sớm hay đêm hôm, cứ nghe lời gọi là Cẩm Tiên lại nhanh chóng, hăng hái lên đường đi hỗ trợ người bệnh.

Cẩm Tiên là một trong hàng ngàn bạn trẻ từng vượt qua căn bệnh COVID-19, đã có kháng thể trong người, đã đăng kí và tham gia hoạt động tình nguyện phòng chống dịch tại TP HCM. Đầu tháng 9, trên các phương tiện thông tin đại chúng, TP HCM đã đưa ra lời trân trọng kêu gọi F0 đã khỏi bệnh tham gia chống dịch cùng TP.

Sau đó, ngày 4/9, Sở Y tế TP HCM đã có văn bản gửi UBND TP HCM về tiếp nhận tình nguyện viên là người mắc COVID-19 (người F0) đã khỏi bệnh tham gia các hoạt động phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế.

Để có thể tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19, F0 cần đạt các điều kiện như đã khỏi bệnh và hoàn thành thời gian cách ly 14 ngày tại nhà theo quy định của Bộ Y tế, có nguyện vọng tham gia chương trình; Đảm bảo đủ sức khỏe lao động, không trong thời gian mang thai hoặc nghỉ hậu sản; trong độ tuổi lao động; Có kháng thể kháng virus COVID-19 đối với F0 khỏi bệnh trong vòng 6 tháng hoặc đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin đối với F0 khỏi bệnh hơn 6 tháng.

Hưởng ứng lời kêu của gọi của ngành y tế, tính đến ngày 10/9, TP HCM đã tiếp nhận được trên 1.500 F0 đã khỏi bệnh đăng ký tham gia vào công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Sở Y tế đã phối hợp tham mưu tổ điều phối nguồn nhân lực tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 quyết định phân công đến đơn vị có nhu cầu.

Theo lãnh đạo Sở Y tế TP HCM, qua báo cáo từ các đơn vị, nhu cầu tuyển dụng F0 đã khỏi bệnh tham gia vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 là trên 1700 người. Trong đó, bác sĩ 140 người; điều dưỡng 474 người; hộ lý 195 người; hỗ trợ chăm sóc người nhiễm bệnh 454 người; nhập dữ liệu 208 người; hậu cần 50 người; dọn dẹp vệ sinh 194 người; lái xe 4 người; tổng đài 5 người; dược sĩ 4 người. Nguồn F0 từng khỏi bệnh là rất quý, cần thiết cho tình hình chống dịch tại TP HCM thời gian này.

Một đặc điểm được ghi nhận ở những F0 đã khỏi bệnh tham gia chống dịch, đó là tinh thần mạng mẽ, nhiệt huyết dâng trào và không ngại khó, ngại khổ. Như anh Nguyễn Hồng Kỳ (33 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP HCM) từng là F0, điều trị tại BV dã chiến thu dung và điều trị COVID-19 số 4.

Khỏi bệnh, anh quyết định quay trở lại bệnh viện để trợ giúp đội ngũ y, bác sĩ chăm sóc bệnh nhân. Anh Kỳ một lúc chăm hàng chục bệnh nhân bệnh nặng đang trong phòng cấp cứu của bệnh viện, với các công việc không nhẹ nhàng, sạch sẽ như đút thức ăn, xoa lưng, hướng dẫn tập thở, lau người, gội đầu, cắt móng tay móng chân... cho họ.

Anh Kỳ chia sẻ, công việc anh đang tham gia, vừa xuất phát từ sự yêu thương, đồng cảm với các bệnh nhân vì trước đó anh cũng từng trong những giây phút mệt mỏi vì bệnh tật, và cũng vì từng chứng kiến nỗi vất vả nhọc nhằn của y bác sĩ, anh muốn góp chút sức mình để giảm tải gánh nặng ấy. Đó cũng chính là sự tri ân thiết thực mà anh dành cho những người đã chăm sóc, cứu chữa mình.

Năng lượng của tuổi trẻ, năng lượng của yêu thương

Chiếm phần nhiều trong lực lượng những tình nguyện viên là F0 từng khỏi bệnh là những người tuổi còn rất trẻ. Có bạn đang mới ra trường, có bạn đang là sinh viên, là học sinh cấp ba. Các bạn trẻ 18, đôi mươi ấy xông pha vào các khu bệnh nặng, chăm sóc bệnh nhân, trao bình oxy, thuốc men cho người bệnh, đi lấy mẫu trực tiếp trong các khu phong toả...

Có lẽ, chính nhiệt huyết tuổi trẻ đã khiến các bạn trẻ ấy có được sự dũng cảm và dấn thân như thế. Ở nhiều điểm mà các F0 tham gia chống dịch, các bác sĩ, nhân viên y tế đều nhận xét, các bạn tiếp thu nhanh, hướng dẫn một vài lần là thành thục trong các thao tác, rất nhiệt tình, vui vẻ, đem lại tiếng cười, năng lượng trong trẻo ngay cả ở những nơi đang tăm tối, u buồn nhất.

Tại Bệnh viện Hùng Vương, có một số F0 đã, sắp khỏi bệnh, chỉ mới qua tuổi mười tám, đôi mươi đã tình nguyện làm “mẹ nuôi” cho những em bé vừa ra đời đã phải tách khỏi bàn tay mẹ do COVID-19. Đinh Hoàng Bảo Trâm là một trong những bạn trẻ ấy. Trâm 18 tuổi, mới thi đậu vào Đại học, xung phong đến “điểm nóng” BV phụ sản Hùng Vương trong sự lo lắng của gia đình. Trực ngày, trực đêm, chăm em bé, vệ sinh bé, ru bé ngủ, cho bé bú... cô gái làm thành thục như một “người mẹ trẻ”.

Người dân được lực lượng chức năng cung cấp thực phẩm đến tận gia đình.

Lý giải nguyên nhân đăng kí tham gia chương trình tình nguyện dành cho F0, các bạn trẻ hầu như không đưa ra những điều gì đao to búa lớn. Đơn giản, đó là hạnh phúc được cho đi, được trả ơn cuộc đời. Như bạn Nguyễn Minh Hà, 18 tuổi, F0 từng khỏi bệnh hiện đang là tình nguyện viên tại BV Dã chiến số 4 chia sẻ:

“Năm nay em vừa tròn 18, vô tình trở thành F0 sau khi trải qua kỳ thi THPT. Sau 1 tháng xuất viện tại BV Dã chiến số 4 em quyết định trở thành 1 tình nguyện viên vào vị trí lấy mẫu trực tiếp cho người dân. Khi em đăng kia tham gia, có người biết chuyện đã bảo em: Đừng đi nữa, ở nhà giữ gìn sức khoẻ đi. Một cánh én không làm nên mùa xuân đâu.

Em thì nghĩ, một mảnh ghép không thể tạo nên một bức tranh hoàn hảo, nhưng một bức tranh hoàn hảo thì không thể thiếu đi một mảnh ghép. Nếu ai cũng sợ thì ai sẽ đi? Cứ nghĩ vậy, nên em không sợ nữa, quyết tâm phải đăng kí tham gia tình nguyện, để đem sức trẻ của mình giúp ích cho cuộc đời”.

Hiện, hơn 1500 tình nguyện viên tham gia chương trình F0 cùng chống dịch. Dự kiến, trong thời gian tới, con số sẽ tăng lên đáng kể. Nhìn vào con số gần 400 ngàn bệnh nhân Covid khỏi bệnh thời gian này sẽ thấy được tiềm năng ấy. Điều này cũng được ghi nhận ở các hội, nhóm sinh viên tình nguyện khi các bạn trẻ từng là F0 liên tục hỏi thăm, mong muốn được tham gia hoạt động tình nguyện cùng chống dịch.

Như bạn Đặng Vũ Phi Hùng ở Thủ Đức, lên nhóm dành cho tình nguyện viên đưa ra mong muốn tham gia hoạt động tình nguyện. Nhanh chóng, bạn được nhiều bạn trẻ khác hướng dẫn đường link đăng kí và đã hoàn thành việc đăng kí ngay sau 5 phút. Phi Hùng đang háo hức chờ đợi, cho biết bạn đã hoàn toàn sẵn sàng để “lên đường” khi được gọi.

Giờ đây, người ta đang nói nhiều đến “ATM F0”. Xuất phát từ chương trình “ATM F0 chống dịch” do T.Ư Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phối hợp với Sở Y tế TP.HCM phát động nhằm giúp F0 đã khỏi bệnh có công việc để làm, có thu nhập và cũng là giúp họ tri ân đến các y bác sĩ đã giúp họ chiến thắng bệnh tật.

Thời gian qua, Việt Nam đã cho ra đời nhiều ATM nghĩa tình. Có ATM gạo, ATM thực phẩm, ATM oxy, và giờ đây, một khái niệm ATM mới đầy sống động cũng ra đời. Mong rằng, những ngày tháng tới, nguồn cung cho những chiếc “ATM F0” luôn đầy ắp. Mong rằng, những F0 đã khỏi bệnh ngày một nhiều thêm, hăng hái tham gia hoạt động tình nguyện, toả đi khắp thành phố để giúp người, trả ơn đời.
 

 Trân Trân - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chỉ 0,8% người tiêm vắc-xin của Cuba nhiễm Covid-19

Abdala là vắc-xin ngừa Covid-19 nội địa đầu tiên được Cuba cấp phép sử dụng khẩn cấp vào hồi đầu tháng 7 tại nước này, đưa Cuba trở thành quốc gia Mỹ - Latinh đầu tiên phát triển thành công vắc-xin ngừa Covid-19, với hiệu quả phòng bệnh được chứng minh đạt 92,28%.

Biến thể Delta khiến thế giới “chật vật”

Biến thể Delta được phát hiện lần đầu hồi tháng 12 năm ngoái và nhanh chóng trở thành chủng virus thống trị toàn cầu. Các biện pháp kiểm soát cũ không hẳn là không hiệu quả nhưng một loạt yếu tố nguy cơ đã gia tăng. Việc nới lỏng hạn chế, mở cửa nhập cảnh quốc tế diễn ra quá sớm đã đe dọa thành quả chống đại dịch của một loạt quốc gia.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/doi-song/chuyen-nhung-f0-tra-on-cuoc-doi-d166660.html