Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm ngày 17/6 (theo giờ Việt Nam), hơn 8,2 triệu người trên toàn cầu đã nhiễm virus corona chủng mới với ít nhất 444.442 trường hợp trong số đó đã tử vong. Tuy nhiên, thế giới cũng chứng kiến gần 4,3 triệu bệnh nhân Covid-19, tương đương hơn 1/2 số ca bệnh hồi phục sau điều trị.
Một nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ kín bưng đang hướng dẫn người dân làm xét nghiệm Covid-19 tại một trung tâm kiểm dịch ở Bắc Kinh. Ảnh: Guardian
Bắc Kinh áp "phong tỏa mềm" đối phó dịch tái bùng phát
Nhà chức trách Trung Quốc mô tả tình hình dịch Covid-19 tại thủ đô Bắc Kinh hiện "cực kỳ nghiêm trọng" với ít nhất 106 ca nhiễm mới Covid-19 được ghi nhận trong cộng đồng trong vòng 5 ngày trở lại đây, bao gồm cả 27 trường hợp ngày 16/6. Dịch tái bùng phát được xác định có liên quan đế chợ đầu mối Xinfadi ở quận Phong Đài của Bắc Kinh, nơi bán ra hàng tấn thực phẩm mỗi ngày và đã có hơn 200.000 người từng đến đây kể từ ngày 30/5.
Theo CNN, phát biểu tại một cuộc họp báo tối 16/6, Chen Bei, một quan chức trong chính quyền Bắc Kinh thông báo, thành phố đã nâng cảnh báo về dịch từ mức 3 lên mức 2 (mức báo động cao nhất là mức 1). Nhà chức trách địa phương yêu cầu các cư dân tránh di chuyển "không cần thiết" ra khỏi thủ đô và bất kỳ ai đến hay rời khỏi thành phố đều phải làm xét nghiệm Covid-19.
Bắc Kinh hiện áp phong tỏa thêm nhiều khu dân cư với 27 khu trong số đó được xếp vào nhóm nguy cơ trung bình và một khu được đánh giá là nguy cơ cao. Người dân sinh sống tại những khu vực bị phong tỏa này sẽ được cấp phát thực phẩm và thuốc men đầy đủ.
Do diễn biến dịch phức tạp, thành phố đã chỉ đạo các trường học phổ thông trong địa bàn khôi phục các lớp học trực tuyến trong khi các trường đại học hoãn kế hoạch cho sinh viên trở lại trường. Các tụ điểm giải trí công cộng, chơi thể thao trong nhà tạm thời bị đóng cửa. Các thư viện, bảo tàng, phòng trưng bày tranh và công viên phải giới hạn số người phục vụ. Các công ty cũng được khuyến khích cho nhân viên làm việc tại nhà. Hệ thống xe khách và xe taxi liên tỉnh hiện phải tạm dừng hoạt động.
Một số thành phố khác ở Trung Quốc cảnh báo sẽ tiến hành cách ly kiểm dịch bắt buộc đối với bất kỳ người nào đến từ thủ đô sau khi tỉnh Hà Bắc lân cận ghi nhận 4 ca nhiễm mới Covid-19 trong cộng đồng và tỉnh Tứ Xuyên có 1 ca dương tính với virus, đều liên quan đến ổ dịch mới bùng phát ở Bắc Kinh.
Wu Zunyou, nhà dịch tễ học hàng đầu tại Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc cho rằng, mầm bệnh gây làn sóng dịch Covid-19 thứ hai ở đại lục hiện nay có nguồn gốc nhập ngoại, rất giống chủng virus được phát hiện ở châu Âu, Mỹ hoặc Nga.
Tuy nhiên, Mike Ryan, giám đốc các tình huống khẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) coi đây mới chỉ là "giả thuyết ban đầu". Ông hy vọng nhà chức trách y tế Trung Quốc sẽ công bố kết quả giải trình tự gien của virus ở Bắc Kinh cũng như điều tra kỹ lưỡng và kiểm soát chặt các diễn biến dịch mới.
Mỹ lo nguy cơ tăng mạnh số ca tử vong
Tính đến sáng sớm 17/6, Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch Covid-19 với tổng số ca mắc (hơn 2,2 triệu người) và tử vong (119.000 người) đều cao nhất thế giới. Chỉ trong vòng 24 giờ qua, xứ sở cờ hoa ghi nhận thêm gần 20.000 ca dương tính với virus corona chủng mới và 717 trường hợp tử vong.
Việc các bang tái mở cửa sớm kết hợp với việc người dân lơ là, không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch cá nhân buộc các nhà nghiên cứu nâng dự báo về số người thiệt mạng vì Covid-19 ở Mỹ.
Nhà Trắng trích dẫn một mô hình cảnh báo, Mỹ sẽ phải hứng chịu tổng cộng tới 200.000 ca tử vong tính đến ngày 1/10, tăng 30.000 trường hợp so với phỏng đoán tuần trước của Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe thuộc Đại học Washington. Điều này đồng nghĩa, số ca tử vong trung bình mỗi ngày ở nước này vì Covid-19 là hơn 840 người kể từ ngày 6/2, thời điểm Mỹ ghi nhận trường hợp đầu tiên thiệt mạng vì dịch.
Do số ca nhiễm mới Covid-19 tiếp tục tăng, thị trưởng thành phố Austin thuộc bang Texas đã ra lệnh kéo dài sắc lệnh yêu cầu người dân ở nhà dập dịch tới ngày 15/8. Bang Bắc Carolina cũng đang cân nhắc có tiếp tục giai đoạn 3 của việc tái mở cửa bang này vào cuối tháng 6 hay không.
Trong khi đó, dù tỉ lệ lây nhiễm virus có chiều hướng giảm, Thống đốc bang New Jersey Phil Murphy vẫn bày tỏ mong muốn bang của ông sẽ tái khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội một cách thận trọng, từ từ.
Brazil ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục
Brazil vừa trải qua một ngày tồi tệ với kỷ lục về số ca nhiễm Covid-19 trong ngày. Chỉ trong vòng 24 giờ qua, quốc gia này có thêm gần 35.000 ca dương tính với virus corona chủng mới, nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc lên 923.189 người.
Báo Guardian dẫn tuyên bố của Bộ Y tế Brazil cho hay, tính đến hết ngày 16/6, tổng số ca tử vong vì dịch ở nước này đã lên tới 45.241 người, tăng 1.282 trường hợp so với một ngày trước đó.
Các số liệu mới xác nhận, Brazil hiện vẫn là ổ dịch Covid-19 lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, xét cả về số ca nhiễm và số ca tử vong. Dù tình hình dịch chưa có dấu hiệu khả quan, nhà chức trách Brazil đã dần gỡ bỏ các lệnh hạn chế chống Covid-19 và cho phép các doanh nghiệp tái mở cửa. Tổng thống Jair Bolsonaro cũng đe dọa sẽ rút khỏi WHO sau khi tổ chức này lên tiếng phản đối các động thái trên của chính quyền của ông.
Tuấn Anh