Số ca mắc tăng mạnh khiến Congo trở thành một trong những quốc gia bùng phát dịch tả nghiêm trọng nhất năm 2023.
Tuyên bố của WHO nêu rõ, cuộc khủng hoảng sức khỏe đầy phức tạp ở Congo đang trở nên tồi tệ hơn kể từ đầu năm nay. Sau vài năm có số ca mắc bệnh giảm dần, dịch tả một lần nữa bùng phát ở quốc gia này, với các ca mắc tập trung ở phía Đông, khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang ác liệt, buộc người dân phải rời bỏ nơi ở. Khu vực này cũng xảy ra lũ lụt và lở đất, làm tăng nguy cơ bùng phát các căn bệnh chết người.
Một người phụ nữ Congo uống vắc xin ngừa bệnh tả. Ảnh: WHO
Sau đỉnh dịch ban đầu vào tháng 4-2023, khoảng 1.000 trường hợp mắc bệnh đã được báo cáo mỗi tuần. Với hơn 41.000 trường hợp được ghi nhận, trong đó có 314 ca tử vong, dịch tả tại Congo đã trở thành một trong những đợt bùng phát nghiêm trọng nhất thế giới.
WHO lưu ý, các đợt bùng phát lớn hơn và kéo dài hơn sẽ kéo theo nhiều thách thức đối với đội ngũ nhân viên y tế vốn đã gặp rất nhiều khó khăn trong nỗ lực ứng phó với một số căn bệnh khác.
Trước những diễn biến nghiêm trọng của dịch tả tại Congo, WHO đã hợp tác chặt chẽ với các cơ quan y tế tại quốc gia Trung Phi để ứng phó với đợt bùng phát, cung cấp vật tư y tế và hỗ trợ chuyên môn, tạo điều kiện vận chuyển mẫu đến phòng thí nghiệm, xây dựng các trung tâm điều trị để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho những người đang đối mặt nguy cơ mắc bệnh.
Bệnh tả là một căn bệnh dễ điều trị nhưng thời gian đóng vai trò cốt yếu. Trong những trường hợp nghiêm trọng, việc điều trị nhanh chóng có thể tạo ra sự khác biệt giữa sự sống và cái chết.
Tầm quan trọng của biện pháp này càng trở nên rõ rệt hơn khi nguồn cung vắc xin tả đường uống tiếp tục thiếu hụt. Năm 2022, tổ chức điều phối quốc tế về cung cấp vắc xin ICG đã chuyển chế độ tiêm chủng hai liều sang một liều đối với bệnh tả. Quyết định này được đưa ra do tình trạng thiếu vắc xin trầm trọng trên toàn cầu.
Điều này đồng nghĩa nguồn cung vắc xin không đáp ứng được nhu cầu của nhiều quốc gia, bao gồm cả Congo, Tuy nhiên, Congo đã thực hiện chiến dịch tiêm chủng một liều duy nhất cho hơn 360.000 người và sẽ tiếp cận được thêm 5 triệu người nữa trong tương lai gần. Tháng 10-2023, chính phủ quốc gia này đã khởi xướng kế hoạch loại trừ bệnh tả vào năm 2030.
Bệnh tả là một bệnh nhiễm trùng tiêu chảy cấp do ăn phải thức ăn hoặc uống nước bị nhiễm vi khuẩn Vibrio cholera. Đến nay, căn bệnh này vẫn là một mối đe dọa toàn cầu đối với sức khỏe cộng đồng và là dấu hiệu về sự bất bình đẳng, cũng như khoảng cách trong phát triển xã hội.
Các nhà nghiên cứu ước tính, mỗi năm có từ 1,3 đến 4 triệu ca mắc bệnh tả, trong đó có từ 21.000 đến 143.000 trường hợp tử vong liên quan căn bệnh này trên toàn thế giới.
Thương Nguyệt - Hà Nội mới