Một cụ bà được tiêm vắcxin ngừa COVID-19 của Oxford-AstraZeneca. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ủy ban thường trực về tiêm phòng của Đức ngày 4/3 cho biết những người đã phục hồi sau khi mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể được tiêm một liều duy nhất vắcxin của hãng AstraZeneca/Oxford.
Quyết định này được cho là có thể giảm sức ép đối với nguồn cung.
Tuyên bố trên được đưa ra trong thông cáo báo chí do Viện các bệnh truyền nhiễm Robert Koch công bố, trong đó ủy ban trên cho biết liều duy nhất sẽ được tiêm 6 tháng sau khi một người được chẩn đoán mắc bệnh.
Vắcxin nói trên do công ty dược phẩm AstraZeneca (Thụy Điển) và Đại học Oxford (Anh) phối hợp phát triển, được khuyến cáo tiêm 2 liều cách nhau 4 tuần.
Tuy nhiên, một nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Oxford công bố ngày 3/2 cho thấy có dấu hiệu cho thấy vắcxin này có thể làm giảm khả năng lây lan virus SARS-CoV-2 và hiệu quả bảo vệ mạnh trong 3 tháng chỉ với một liều duy nhất.
Cùng ngày, Cơ quan Y tế Thụy Điển đã khuyến cáo tiêm vắcxin của AstraZeneca/Oxford cho người trên 65 tuổi.
Trước đó, nước này không khuyến cáo tiêm vắcxin trên cho người cao tuổi vì chưa có đủ nghiên cứu về tác động của vắcxin đối với nhóm tuổi này.
Tuy nhiên, phát biểu tại họp báo, quan chức Cơ quan Y tế, bà Sara Byfors cho biết: "Có những nghiên cứu mới từ Anh và Scotland cho thấy vắcxin của hãng AstraZeneca/Oxford bảo vệ rất tốt nhóm tuổi này."
Trong một diễn biến khác, Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch gia hạn cơ chế cấp phép xuất khẩu vắcxin đến hết tháng Sáu, động thái được cho là có thể gây căng thẳng mới giữa các nước dựa vào lượng vắcxin được sản xuất tại EU.
Cuối tháng 1/2021, cơ chế trên đã ra đời nhằm đáp lại thông báo của các nhà sản xuất vắcxin về việc hoãn giao vắcxin cho EU.
Hai quan chức châu Âu cho biết cơ chế sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng Ba, nhưng Ủy ban châu Âu (EC) muốn kéo dài tới hết tháng Sáu. Hiện EC chưa đưa ra bình luận gì về việc này./.
Bích Liên - Theo TTXVN