Giới trẻ Châu Á chuộng hình thức mua trước, trả sau
Kinhte&Xahoi
Đối với anh Marcus Khoo (Singapore), nước hoa và máy khuếch tán tinh dầu chưa bao giờ nằm trong danh sách ưu tiên mua sắm. Chúng có thể vẫn ở trong giỏ hàng trực tuyến, nếu Khoo không được biết đến một dịch vụ trả góp có tên là Rely. Với dịch vụ này, Khoo có thể chia hóa đơn mua sắm trị giá 56 đô la Singapore (41 USD) của mình thành bốn lần trả góp, mỗi đợt kéo dài hai tuần và không bị tính lãi suất.
Rely là công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Singapore, được thành lập vào năm 2016, có hàng chục cửa hàng bán thời trang, phụ kiện và đồ điện tử... Đây là một trong nhiều nhà cung cấp loại hình dịch vụ “mua ngay trả sau - buy now pay later (BNPL)” đang rất được giới trẻ Châu Á ưa chuộng.
Theo dự báo của Báo cáo Thanh toán toàn cầu năm 2021, thị phần của của hình thức BNPL trên thị trường thanh toán thương mại điện tử trong khu vực được dự báo sẽ tăng gấp đôi, từ 0,6 - 1,3%.
Nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao trong thời kỳ đại dịch COVID-19 đang thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của dịch vụ “mua hàng trước, trả tiền sau” tại các quốc gia Châu Á (Ảnh: Bloomberg)
Khoo (26 tuổi) là giám đốc điều hành mạng xã hội, cho biết anh đã sử dụng ba lần dịch vụ này trong năm nay. “Tôi thích nó vì lúc đầu chỉ phải trả ít tiền hơn cho món hàng và không phải trả lãi suất, không giống như thẻ tín dụng. Tuy nhiên, bạn vẫn phải trả đầy đủ, ngoại trừ việc nó được chia theo các khoảng thời gian khác nhau. Cảm giác tiền chuyển từ ví bạn bị “chậm lại” khiến tôi cảm thấy thoải mái hơn với việc thanh toán một lần”, Khoo chia sẻ.
Đây là phương thức thanh toán trực tuyến phát triển rất nhanh ở các quốc gia như Australia, Nhật Bản, Malaysia và Singapore... Theo ước tính, mô hình mua trước trả sau sẽ khiến thẻ tín dụng, chuyển khoản ngân hàng, giao dịch tiền mặt và thẻ trả trước đối mặt với nguy cơ sụt giảm thị phần trong giai đoạn từ nay đến năm 2024.
Ông Arvin Singh, nhà đồng sáng lập của dịch vụ BNPL Hoolah tại Singapore nhận định những người sinh cuối những năm 1990, đầu năm 2010 là nhóm dễ dàng chấp nhận dịch vụ BNPL nhất. Hiện Hoolah hoạt động tại Hong Kong (Trung Quốc), Malaysia và Singapore thông qua các chuỗi cửa hàng và đã đạt được mức tăng trưởng 400% về lượng người dùng trong năm ngoái.
“Những người mua sắm trong độ tuổi 25-35 rất hiểu biết và coi trọng sự linh hoạt trong thanh toán, dòng tiền. BNPL cũng phục vụ những khách hàng khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng, trong đó bao gồm những người không có thẻ tín dụng hoặc lao động tạm thời. Chúng tôi cũng nhận thấy người tiêu dùng trẻ thích thẻ ghi nợ hơn thẻ tín dụng”, ông Singh cho biết.
Không giống như hình thức mua trả góp truyền thống, dịch vụ BNPL là sản phẩm của Internet di động, cung cấp các khoản vay không tính lãi đối với các khoản tiền nhỏ, thường từ mức trung bình, tối thiểu khoảng 13 USD.
Theo nghiên cứu, những người sinh cuối những năm 1990, đầu năm 2010 là nhóm dễ dàng chấp nhận dịch vụ BNPL nhất (Ảnh: Bloomberg)
Đối với người mua hàng, họ sẽ nhận được sản phẩm sau khi thanh toán đợt đầu tiên dưới hình thức trực tuyến hoặc quét mã QR tại cửa hàng.
Đối với người bán, chi phí BNPL thường có giá cao hơn thẻ tín dụng. Tuy nhiên, những người bán hàng cũng được hưởng lợi từ doanh số bán hàng cao hơn, khi người tiêu dùng có xu hướng mua nhiều hàng hóa và trả nhiều tiền hơn.
“Đổi lại cho việc trả tiền cao hơn cho dịch vụ này, những người bán hàng được hưởng doanh số và quy mô giao dịch cao hơn tới 30%. Đồng thời, chi phí thu hút khách hàng cũng thấp hơn so với các kênh truyền thống”, ông Yu, Tổng Giám đốc một công ty dịch vụ BNLP Atome tại Hong Kong cho biết. Được thành lập vào năm 2019, Atome có 20 triệu người dùng ở Trung Quốc.
Tháng trước, công ty khởi nghiệp Plentina có trụ sở tại Philippines đã huy động được nguồn vốn 2,2 triệu đô la Mỹ để tập trung vào dịch vụ mua trước trả sau tại các thị trường mới nổi, bao gồm Philippines và Việt Nam.
Tuy nhiên, sự phát triển của hình thức mua trước trả sau cũng có xu hướng khiến người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn, vượt ngoài tầm kiểm soát. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện hồi tháng 10 năm ngoái bởi công ty nghiên cứu người tiêu dùng Milieu Insights có trụ sở tại Singapore, 27% số người được hỏi cho biết, họ cảm thấy tài chính của mình bấp bênh hơn do những sai lầm khi mua trước trả sau, bao gồm việc mua hàng quá nhiều hoặc mua những món đồ đắt tiền hơn dự kiến.
Bên cạnh đó, không phải nhà cung cấp dịch vụ mua trước trả sau nào cũng được quản lý và kiểm soát rõ ràng, chẳng hạn như các tổ chức phi ngân hàng. Do đó, khách hàng có thể đối mặt với những tiềm ẩn rủi ro tài chính.
Ngọc Ly - TTTĐ