Hà Nội đảm bảo nguồn cung, ngăn chặn găm hàng, tăng giá thuốc phòng, chống dịch COVID-19

27/09/2022 11:13

Kinhte&Xahoi Theo từng giai đoạn dịch, TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Y tế, đơn vị liên quan kịp thời tham mưu ban hành các văn bản phù hợp để chuẩn bị cơ số thuốc, sử dụng thuốc đúng quy định, ngăn chặn việc găm hàng, tăng giá thuốc phòng chống dịch.

Sáng 27/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc Họp trực tuyến để lấy ý kiến đối với dự thảo “Báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ((Nghị quyết 30) của Quốc hội về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19".

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng báo cáo tại điểm cầu UBND TP Hà Nội

Báo cáo về công tác triển khai thực hiện Nghị quyết 30 của Hà Nội tại điểm cầu UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng khẳng định, công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP đã được triển khai hiệu quả, khoa học, kịp thời. Tới thời điểm hiện tại, tình hình dịch hiện vẫn đang được kiểm soát tốt, công tác thu dung, điều trị bệnh nhân vẫn đang được thực hiện tốt.

Về các văn bản cơ chế và chính sách, UBND TP Hà Nội đã ban hành hơn 40 Chỉ thị, Công điện và nhiều văn bản chỉ đạo khác về việc giám sát, cách ly, điều trị và tiêm chủng vắc xin, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Trong đó, nổi bật là Nghị quyết số 19/2022/NQ-HĐND về việc quy định mức hỗ trợ động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan đơn vị công lập trực thuộc TP Hà Nội trong đó quy định hỗ trợ các bác sĩ, nhân viên y tế trực tiếp làm chuyên môn tại tuyến cơ sở 10 triệu đồng/người.

Ngoài ra, trong thời gian dịch bệnh COVID-19, TP đã triển khai thực hiện các Nghị quyết số 01/2020/NQ-HĐND ngày 15/5/2020, số 02/2021/NQ-HĐND ngày 23/6/2021 quy định một số chế độ chi đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 của TP Hà Nội đã bổ sung thêm một số chế độ chi đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 hỗ trợ thêm 70% cho lực lượng tuyến dầu chống dịch từ ngân sách Nhà nước.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng, theo từng giai đoạn dịch, TP đã chỉ đạo Sở Y tế, đơn vị liên quan kịp thời tham mưu ban hành các văn bản phù hợp để chuẩn bị cơ số thuốc, sử dụng thuốc đúng quy định, ngăn chặn việc găm hàng, tăng giá thuốc phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, TP đã ủy quyền cho Giám đốc đơn vị chủ động Phê duyệt kế hoạch mua thuốc phòng chống dịch để rút ngắn thời gian mua sắm; Đề xuất các thuốc đặc trị từ Bộ Y tế, kịp thời phân bổ, điều tiết, hướng dẫn đơn vị sử dụng đúng đối tượng, đúng chỉ định,...

"Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, khó khăn trong việc huy động hệ thống y tế tư nhân, xác định gói thầu và lựa chọn nhà thầu trong công tác mua sắm các thiết bị y tế cùng xét nghiệm có liên quan. Bên cạnh đó là việc bổ sung kinh phí để thực hiện công tác xét nghiệm cùng đảm bảo tự chủ tài chính" - Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng nói.

Để tiếp tục thực hiện các chính sách phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng đã có những kiến nghị gửi tới Chính phủ và Bộ Y tế.

Theo đó, Hà Nội kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/4/2014 theo hướng giao cho Thủ trưởng các cơ sở y tế chịu trách phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phê duyệt dự toán mua sắm đối với danh mục thuốc đấu thầu tại cơ sở. Đồng thời xem xét, hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đặt hàng xét nghiệm SARS-CoV-2.

Đối với Bộ Y tế, đề nghị cần quy định đấu thầu thuốc cụ thể, rõ ràng, để các cơ sở y tế có thể hiểu và thực hiện thống nhất. Quy định rõ trách nhiệm, thời hạn của các cơ quan trong việc tổ chức thực hiện đối với từng nội dung liên quan, bao gồm cả các cơ quan của Bộ Y tế.

Về giá mua thiết bị, vật tư, sinh phẩm, hóa chất... Bộ Y tế cần xây dựng, cập nhật đầy đủ danh mục chung, có kiểm soát chặt chẽ biến động giá kê khai, thông tin đầy đủ và có kiểm soát về thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Hướng dẫn việc xác định giá kế hoạch đối với trang thiết bị có dải giá tham khảo rộng.

"Trong một số tình huống dịch bệnh khẩn cấp cần mua sắm một số lượng lớn trang thiết bị, hóa chất, vật tư tiêu hao, thuốc trong khoảng thời gian rất ngắn, vì vậy, Bộ Y tế cần xây dựng nguồn dự trữ quốc gia để cấp phát cho các địa phương một cách kịp thời. Sau khi hết dịch, trang thiết bị có thể được thu hồi hoặc điều tiết trong hệ thống y tế toàn quốc, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả" - Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng nêu ý kiến.

 Hạnh Nguyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cuộc khủng hoảng thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc

Đại dịch COVID-19 và các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt với chính sách “Zero COVID” của Chính phủ và sự siết chặt các công ty công nghệ cùng thị trường bất động sản đã khiến thị trường lao động ở Trung Quốc rơi vào ảm đạm. Trong đó, giới trẻ được cho là chịu ảnh hưởng lớn nhất.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-dam-bao-nguon-cung-ngan-chan-gam-hang-tang-gia-thuoc-phong-chong-dich-covid-19-206692.html