Hà Nội và TP Hồ Chí Minh: Rà soát trường hợp ưu tiên tiêm vaccine Covid-19

06/03/2021 11:50

Kinhte&Xahoi Ngày 5/3, Sở Y tế TP HCM có văn bản báo cáo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) và Viện Pasteur TP HCM về kết quả rà soát các trường hợp tiêm chủng vaccine Covid-19 trên địa bàn thành phố theo mẫu thu thập thông tin của Cục Y tế dự phòng.

Công tác giám sát dịch bệnh tại trường học trên địa bàn TP HCM.

Hiện tại, thành phố không có ổ dịch đang hoạt động trong cộng đồng. Do đó, thành phố không xác định địa bàn được ưu tiên tiêm chủng. Các trường hợp nằm trong danh sách được ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại TP HCM là nhân viên tuyến đầu chống dịch, bao gồm cán bộ y tế điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên điều tra dịch tễ, nhân viên lấy mẫu xét nghiệm, tổ Covid-19 cộng đồng, nhân viên trực tiếp tiêm vaccine...

Ghi nhận giai đoạn 1, danh sách 44.175 trường hợp và số lượng được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 cụ thể như sau: Nhân viên y tế đang điều trị bệnh nhân Covid-19: 285; thành viên tổ truy vết: 388; nhân viên tham gia điều tra dịch tễ: 1.362; lực lượng quân đội: 600; lực lượng công an: 1.042; tổ Covid-19 cộng đồng: 38.000; cán bộ lấy mẫu xét nghiệm: 1.710; nhân viên tại các khu cách ly tập trung: 513; cán bộ trực tiếp tiêm chủng vaccine Covid-19: 275.

Còn tại Hà Nội, thành phố đang lập danh sách những đối tượng được ưu tiên tiêm trước. UBND thành phố cũng dự kiến tiêm vaccine đầy đủ cho người dân trên 18 tuổi ở Hà Nội, kể cả người vãng lai ở trên địa bàn. Về kinh phí, theo quy định tại Nghị quyết của Chính phủ, có thể đến từ 3 nguồn gồm: Ngân sách nhà nước; nguồn tài trợ, hỗ trợ của cá nhân, doanh nghiệp; người sử dụng vaccine tự chi trả.

Được biết, theo thứ tự ưu tiên, Bộ Y tế sẽ cấp phát vaccine cho 13 tỉnh, thành phố đang có dịch, trong đó có Hà Nội. Thế nhưng, sẽ ưu tiên trước nhất cho tỉnh Hải Dương, nên lượng vaccine cho Hà Nội cũng không nhiều. Ngày tiêm vaccine ở Hà Nội cũng phải phụ thuộc vào việc phân bổ của Bộ Y tế.

Liên quan đến tình hình dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố Hà Nội cho biết, tính đến 5/3, Hà Nội trải qua 17 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới ngoài cộng đồng. Do đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề xuất UBND thành phố xem xét cho mở cửa trở lại các di tích, đền chùa trên địa bàn từ ngày 8/3.

Trước kiến nghị này, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Chử Xuân Dũng đề nghị Sở và Ban Tôn giáo thành phố căn cứ tình hình dịch bệnh, nghiên cứu, xem xét. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng đề nghị, “mở cửa nhưng tuyệt đối không tổ chức lễ hội”.

Riêng đối với chùa Hương, lãnh đạo UBND thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu phương án cụ thể để nơi này hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo chặt chẽ công tác phòng, chống dịch… 

 Bùi Mến - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Giá lương thực, thực phẩm toàn cầu tăng cao: Thách thức đáng lo ngại

Trong khi toàn thế giới đang nỗ lực ứng phó với đại dịch Covid-19 thì một thách thức không kém phần lo ngại khác lại nổi lên, đó là tình trạng giá lương thực, thực phẩm toàn cầu tăng ở mức cao kỷ lục. Thực tế này đã, đang và sẽ tác động không nhỏ đến các nền kinh tế vốn rất dễ bị tổn thương.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/ha-noi-va-tp-ho-chi-minh-ra-soat-truong-hop-uu-tien-tiem-vaccine-covid-19-d150251.html