Hàng trăm nhà máy dừng sản xuất vì hết tiền chi “3 tại chỗ”

23/08/2021 16:20

Kinhte&Xahoi Hiện đã có hơn 100 nhà máy tại các tỉnh, thành phía Nam buộc tạm dừng hoạt động, không thể duy trì sản xuất “3 tại chỗ” vì kinh phí tốn kém, vượt quá khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Theo Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại các tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19 hiện đã có 123 nhà máy chế biến thủy sản phải đóng cửa, tạm dừng sản xuất.

Trong số đó, có 19 nhà máy đã phát hiện có công nhân, người lao động nhiễm Covid-19, buộc phải dừng sản xuất, phong tỏa để xử lý ngăn chặn, dập dịch. Còn lại 104 nhà máy còn lại buộc tạm dừng hoạt động, không thể duy trì sản xuất “3 tại chỗ” vì kinh phí tốn kém, vượt quá khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp ngành thủy sản đang đối diện với rất nhiều khó khăn

Tính đến ngày 20/8, tại các tỉnh, thành phía Nam chỉ còn 326/449 (chiếm 65%) cơ sở chế biến duy trì được sản xuất. Nhưng tại các nhà máy này, doanh nghiệp phải chia công nhân thay nhau làm ca nên công suất trung bình cũng chỉ đạt khoảng 30-40% so với trước khi áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện tại, chỉ có tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau đã quan tâm tháo gỡ khó khăn tại các nhà máy chế biến thủy sản, hình thành các vùng xanh, cho phép công nhân ở nhà, đưa đón đến nhà máy làm việc nên công suất chế biến đang trên đà phục hồi. Trong đó, Cà Mau năng lực chế biến thủy sản đã tăng lên 80% so với khi chưa có dịch Covid-19.

Theo Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện có 13 tỉnh thuộc khu vực đồng sằng sông Cửu Long và lân cận là trung tâm sản xuất thủy sản của cả nước, sản xuất khoảng 84% lượng tôm và 100% cá tra.

Tuy nhiên, hiện tại việc vận chuyển, tiêu thụ khó khăn nên cá tra thương phẩm, giá tôm đều xuống thấp nên không kích thích được người dân tái sản xuất. Trong đó, riêng giá cá tra giống đang rất thấp, chỉ từ 21.000-23.000 đồng/kg, tình trạng này nếu kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu nguồn nguyên liệu cuối năm.

Tình trạng này cũng đã được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nêu lên trong các văn bản gửi các cơ quan chức năng Nhà nước nhằm sớm đưa ra các biện pháp tháo gỡ giúp các doanh nghiệp sản xuất.

Theo VASEP, sau hơn một tháng các doanh nghiệp thủy sản tại TP HCM và 19 tỉnh, thành phía Nam hoạt động trong điều kiện áp dụng Chỉ thị 16 đã phát sinh nhiều khó khăn, bất cập tác động lớn tới việc bảo đảm an toàn phòng chống dịch cũng như nỗ lực duy trì sản xuất, xuất khẩu.

Hầu hết các tỉnh, thành đã yêu cầu các doanh nghiệp chỉ được duy trì hoạt động khi đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 địa điểm” để phòng chống dịch bệnh lây lan vào các nhà máy, các khu công nghiệp.

Nhưng thực tế tới nay chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh, thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ” và số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 30-60%; Công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40-50% so với trước đây.

Trong khi đó, nguyên liệu thủy sản huy động cho chế biến-xuất khẩu cũng chỉ đạt khoảng 40-50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài; các vật tư, phụ liệu, bao bì phục vụ chế biến thủy sản cũng bị thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến 50%.

Mặt khác, sản xuất bị sụt giảm, nhiều đơn hàng phải gác lại hoặc bị mất, thì các chi phí cho doanh nghiệp đảm bảo được “3 tại chỗ” lại tăng vọt và đang tạo áp lực lớn.

VASEP đánh giá, sản xuất sụt giảm trong hơn một tháng qua chắc chắn sẽ dẫn đến kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2021 giảm mạnh so với những tháng trước và giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành hàng cá tra bị tổn thất mạnh nhất vì hơn nửa số nhà máy bị ngừng hoạt động; còn xuất khẩu tôm và cá ngừ có thể giảm ít hơn.

Trong bối cảnh đó, VASEP mới đây đã đề xuất giảm 30% tiền điện cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong 6 tháng cuối năm 2021 và nhiều loại phí khác đến giữa năm 2022 để hỗ trợ phục hồi sản xuất, xuất khẩu thủy sản.

 Văn Thành Nhân - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thế giới lo ngại Taliban chưa từng thay đổi trong 2 thập kỷ qua

Sự tiếp quản nhanh chóng đến kinh ngạc của Taliban đối với Afghanistan đã gây ra nỗi lo lắng trên khắp đất nước khi người dân Afghanistan phải thích nghi với chính quyền mới của nhóm chiến binh đã từng đàn áp hàng triệu người dân nước này cách đây 20 năm.

Việt Nam đi đúng hướng trong ứng phó đại dịch Covid-19

Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá đợt dịch thứ 4 rất phức tạp với tốc độ lây nhiễm mạnh mẽ của biến thể Delta nhưng Việt Nam đang “đi đúng hướng” trong việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/hang-tram-nha-may-dung-san-xuat-vi-het-tien-chi-3-tai-cho-174710.html