Hạt vi nhựa được tìm thấy trong máu người
Kinhte&Xahoi
Lần đầu tiên, các nhà khoa học đã phát hiện hạt vi nhựa trong máu của con người, với tỷ lệ gần 80% tình nguyện viên tham gia thử nghiệm.
Mới đây, các nhà khoa học Hà Lan đã tìm thấy hạt vi nhựa có thể định lượng trong máu của 17 trong số 22 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm, tương đương tỷ lệ 77%. Mức độ thấp, trung bình là 1,6 microgam hạt vi nhựa (1,6 phần triệu gam) trong mỗi ml máu.
Trong đó, một nửa mẫu máu chứa nhựa PET, thường được sử dụng làm chai đựng nước. Trong khi đó, 1/3 mẫu máu chứa nhựa polystyrene, thường dùng làm bao bì đóng gói thực phẩm. 1/4 mẫu chứa chất polyethylene dùng làm túi nilon.
Lần đầu tiên các nhà khoa học đã phát hiện ra hạt vi nhựa trong máu người (Ảnh: Shutterstock)
Các nhà nghiên cứu từ Vrije Universiteit Amsterdam và Trung tâm Y tế Đại học Amsterdam cho biết, các vi hạt nhựa có thể đã được hít vào hoặc ăn vào trước khi hấp thụ vào máu.
Nhà độc tố sinh thái Kick Vethaak, giáo sư tại đại học Vrije Universiteit Amsterdam (Hà Lan), chia sẻ: “Nghiên cứu của chúng tôi lần đầu tiên cho thấy chúng ta có các hạt polymer trong máu. Đó là một kết quả đáng chú ý. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ phải mở rộng nghiên cứu và tăng kích thước mẫu, tăng số lượng polymer được đánh giá và thực hiện nhiều công việc khác”.
Khám phá cho thấy những hạt nhựa nhỏ li ti có thể di chuyển theo dòng máu và lưu lại các bộ phận cơ thể. Ảnh hưởng của chúng đến sức khỏe ra sao vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứ đang lo ngại về vấn đề này dựa trên kết quả quan sát trong phòng thí nghiệm cho thấy vi nhựa đã gây ảnh hưởng xấu đến tế bào của con người.
“Đây là một phát hiện đáng quan tâm vì các hạt có kích thước này đã được chứng minh là gây viêm và tổn thương tế bào trong điều kiện phòng thí nghiệm. Nghiên cứu này góp phần đưa ra bằng chứng rằng các hạt nhựa không chỉ lan tràn khắp môi trường mà còn lan tỏa khắp cơ thể chúng ta. Hậu quả lâu dài của việc này hiện vẫn chưa được biết rõ”, Tiến sĩ Alice Horton, nhà nghiên cứu chất gây ô nhiễm do con người tại Trung tâm Hải dương học Quốc gia của Vương quốc Anh, nhấn mạnh.
Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Enviroment International này đã sử dụng công nghệ sẵn có để phát hiện và phân tích các hạt nhỏ đến 0,0007 mm. Một số mẫu máu có chứa đến 2 hoặc 3 loại nhựa. Trong lúc lấy mẫu, nhóm chuyên gia đã sử dụng kim tiêm bằng thép và ống thủy tinh để tránh nhiễm bẩn.
Một nửa mẫu máu của các tình nguyện viên chứa nhựa PET, thường được sử dụng làm chai đựng nước
Hàng năm, con người thải lượng lớn rác thải nhựa ra môi trường và hạt vi nhựa đang làm ô nhiễm toàn bộ hành tinh, từ đỉnh núi Everest đến các đại dương sâu nhất. Con người đã nạp các hạt nhỏ này qua thức ăn và nước uống, cũng như hít phải chúng. Chúng cũng được tìm thấy trong phân của trẻ sơ sinh và người lớn.
Nghiên cứu trước đó cũng chỉ ra, hàm lượng vi nhựa trong phân của trẻ sơ sinh nhiều gấp 10 lần người lớn. Nguyên nhân có thể liên quan đến việc cho ăn bằng bình nhựa. Trong quá trình này, trẻ em có thể nuốt hàng triệu hạt vi nhựa mỗi ngày.
Một nghiên cứu độc lập khác gần đây cũng cho thấy hạt vi nhựa có thể bám vào màng ngoài của các tế bào hồng cầu, dẫn đến hạn chế khả năng vận chuyển oxy của chúng. Những hạt siêu nhỏ này cũng đã được tìm thấy trong nhau thai của phụ nữ mang thai và chuột mang thai. Sau đó, chúng nhanh chóng trôi qua phổi vào tim, não và các bộ phận khác của thai nhi.
Tiến sĩ Fay Couceiro, chuyên gia về ô nhiễm môi trường tại Đại học Portsmouth, cho biết, không thể ngoại suy những phát hiện của một nghiên cứu nhỏ cho toàn bộ dân số, nhưng nói thêm: “Khả năng phát hiện sự hiện diện của hạt vi nhựa (trong máu) là rất quan trọng để chúng tôi nhận ra sự cấp thiết của nhu cầu nghiên cứu thêm trong lĩnh vực này. Máu liên kết tất cả các cơ quan trong cơ thể chúng ta và nếu nhựa ở đó, nó có thể ở bất cứ đâu trong người chúng ta”.
Tuệ Uyên - TTTĐ