Học trực tuyến và những điều lo lắng của cha mẹ trẻ có con vào lớp 1

20/08/2021 18:11

Kinhte&Xahoi Trước tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp, dự kiến học sinh sẽ còn tiếp tục phải học trực tuyến. Một trong những vấn đề khiến nhiều nhà trường, phụ huynh, thầy cô lo nhất đó là việc học online với học sinh lớp 1.

Lớp 1 và những cái khó…

 Gần vào đầu năm học, số ca dương tính với Covid-19 trong cộng đồng vẫn còn nhiều, vì vậy, dù chưa có văn bản chính thức nào về vấn đề tựu trường trong tình hình này nhưng nhiều trường đã chủ động lên phương án cho việc dạy học trực tuyến. Tuy nhiên riêng với khối lớp 1, đa số giáo viên nhận định sẽ gặp phải không ít khó khăn khi triển khai, đặc biệt là với những huyện ngoại thành.

Học sinh trường Tiểu học Thủ Lệ (Ba Đình) trong một tiết học online (Ảnh minh hoạ)

Một giáo viên dạy lớp 1 tại huyện Chương Mỹ cho biết; “Khó khăn là học sinh vào học mà chưa được biết cô giáo, chưa được làm quen với sách vở, thiết bị, trường học... Đối với địa bàn nông thôn, hầu hết phụ huynh không trang bị máy tính cho con, chỉ sử dụng điện thoại thông minh của bố mẹ, khi bố mẹ đi làm thì con cũng phải ngừng học... Ngoài ra, học sinh mới học lớp 1, chưa biết đọc, chưa biết viết, dạy trực tuyến để các con hiểu được, từ đó tự đọc, tự viết không phải là vấn đề dễ dàng gì. Điều quan trọng nhất là phần lớn cha mẹ chưa sẵn sàng với hình thức học trực tuyến…”.

Một giáo viên khác ở huyện Thanh Trì cũng cho hay: “Lớp 1, học online sẽ cực kỳ vất vả về cơ sở vật chất, về nề nếp của học sinh. Cấp mầm non khác, các con học mà chơi nhưng vào lớp 1 còn làm quen, giáo viên phải giới thiệu về trường, lớp, thầy cô, bạn bè, phải luyện nếp ăn, học, uốn nắn tư thế ngồi, cách cầm bút viết bài… sẽ rất khó để rèn được những việc này qua hình thức học online”.

Lớp học online của trường Tiểu học Thủ Lệ (Ba Đình) Ảnh minh hoạ

Ai cũng thừa nhận, với học sinh lớp 1, khó khăn nhất vẫn là ổn định nề nếp. Ở khu vực nội thành, dù cơ sở vật chất tốt hơn nhưng thầy cô cũng gặp những khó khăn chung đó là: học sinh vừa ở môi trường mẫu giáo lên, còn nhiều bỡ ngỡ, chưa được làm quen với trường lớp, thầy cô và bạn bè. Bên cạnh đó, thời gian học tập tiếp xúc với máy tính khi học online đối với các em nhỏ còn cần hạn chế để đảm bảo sức khỏe. Ngoài ra, điều kiện về cơ sở vật chất của mỗi gia đình và thời gian, sự quan tâm cho việc học của mỗi cha mẹ dành cho các con cũng không đồng đều…

Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, với học sinh lớp 1, nếu chưa thể đi học ngay có thể kéo dài thời gian tựu trường.

Vai trò bố mẹ quan trọng như cô, thầy

 Dù biết trước những khó khăn nhưng hầu hết ở khu vực nội thành, giáo viên đã lên kịch bản sẵn sàng cho việc dạy học online. Nhiều thầy cô, ngay sau khi nhận lớp liền lập nhóm và triển khai tới phụ huynh về hình thức học zoom.

Đa số ở khu vực nội thành, cha mẹ đều chuẩn bị tâm lý học online và sẵn sàng các thiết bị học cho con.

Học sinh trường Tiểu học Lê Văn Tám hào hứng với một giờ học

Nhiều giáo viên còn chủ động vào zoom với phụ huynh trong lớp để khảo sát, nắm bắt tình hình trước khi học. Có những cô còn xin ảnh của từng học sinh để nhận biết, sau đó là làm clip giới thiệu từng bạn với cả lớp… Dù vậy, nhiều giáo viên nhận định, việc quan trọng nhất đối với học sinh lớp 1 khi online đó chính là sự phối hợp giữa giáo viên và phụ huynh. Bởi trong quá học, cả lớp có 35 đến 40 em, giáo viên không thể quan sát từng em trên zoom được, vì thế lúc này, trách nhiệm của giáo viên và phụ huynh là 50/50.

Cô Nguyễn Thị Thu Hảo, hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Văn Tám cho biết, tại trường Tiểu học Lê Văn Tám, khi bắt đầu nhận lớp, giáo viên sẽ tổ chức “Tuần lễ khởi động” bao gồm những hoạt động để giúp các em làm quen mọi thay đổi về môi trường học tập mới, hiểu rõ về tâm lí lứa tuổi cùng các quan hệ xung quanh mình.

Giáo viên cũng đưa ra kế hoạch và biện pháp cụ thể nhằm phối hợp với phụ huynh hỗ trợ cho học sinh (các cô sẽ có những buổi hướng dẫn trực tiếp trên zoom cho cha mẹ về kĩ năng, kiến thức trước khi vào năm học mới).

Một giờ học trực tuyến của trường Tiểu học Lê Văn Tám (Hai Bà Trưng)

Bên cạnh đó, các cô cũng sẽ chia nhóm học sinh để giảng dạy (đối với các môn cần chia nhóm nhằm mang lại hiệu quả cao) và có thể giao các nhiệm vụ nhỏ trong học tập đối với học sinh để tạo hứng thú cho các con. Sau đó thầy cô yêu cầu phụ huynh gửi video kết quả thực hiện của con để có thể chỉnh sửa cho học sinh kịp thời.

Trong mỗi tiết dạy online, thầy cô sẽ truyền tải kiến thức bài mới hoặc hoạt động thực hành kiến thức qua các trò chơi để gây hứng thú đối với các con.

Để các giờ dạy online có hiệu quả, giáo viên trong khối sẽ cùng trao đổi, chia sẻ, tìm tòi các ứng dụng công nghệ hiện đại và tham gia những buổi tập huấn, khoá học dạy online, cập nhật phần mềm hay... thu hút cho học sinh.

Nhiều giáo viên lớp 1 cũng đề xuất, Phòng GD&ĐT quận, huyện và nhà trường nên tổ chức các buổi tập huấn online hướng dẫn giáo viên cách thiết kế các trò chơi ứng dụng trên powerpoint tạo hứng thú đối với học sinh tiểu học.

 Đình Trung - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thế giới lo ngại Taliban chưa từng thay đổi trong 2 thập kỷ qua

Sự tiếp quản nhanh chóng đến kinh ngạc của Taliban đối với Afghanistan đã gây ra nỗi lo lắng trên khắp đất nước khi người dân Afghanistan phải thích nghi với chính quyền mới của nhóm chiến binh đã từng đàn áp hàng triệu người dân nước này cách đây 20 năm.

Việt Nam đi đúng hướng trong ứng phó đại dịch Covid-19

Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá đợt dịch thứ 4 rất phức tạp với tốc độ lây nhiễm mạnh mẽ của biến thể Delta nhưng Việt Nam đang “đi đúng hướng” trong việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/hoc-truc-tuyen-va-nhung-dieu-lo-lang-cua-cha-me-tre-co-con-vao-lop-1-174385.html