Khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

21/10/2019 09:13

Kinhte&Xahoi Hôm nay, (21/10), Quốc hội (QH) khóa XIV khai mạc Kỳ họp thứ 8 tại Nhà QH ở Thủ đô Hà Nội.

Họp báo thông tin về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV hôm 18/10

Theo Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc, kỳ họp sẽ kéo dài trong 28 ngày, là kỳ họp có thời gian dài kỷ lục kể từ đầu nhiệm kỳ. QH chủ yếu tập trung phần lớn thời gian (hơn 60% tổng thời gian của kỳ họp) cho công tác xây dựng pháp luật. Trong đó dành khoảng 17 ngày để xem xét, thông qua 13 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác. 

QH cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Tại Kỳ họp này, QH dành 3 ngày để các ĐBQH chất vấn các thành viên Chính phủ theo phương thức hỏi nhanh - đáp gọn.  

Tại Kỳ họp thứ 8 này, QH sẽ chính thức áp dụng triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp và sử dụng tài liệu. Tài liệu gửi đến ĐBQH chỉ là tài liệu điện tử, không có văn bản giấy (trừ các nội dung mật).

Văn phòng QH cũng đã hoàn thiện việc nâng cấp một số tính năng của phần mềm ứng dụng cung cấp thông tin, tài liệu trên thiết bị di động và máy tính bảng để kịp thời phục vụ các ĐB. Các ĐBQH có thể sử dụng các ứng dụng thư viện số, hỗ trợ tức thì để có thêm thông tin, qua đó tiết kiệm tối đa thời gian, công sức và chi phí.  

ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) nhấn mạnh đây là kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là ở mảng xây dựng pháp luật. Nhiều dự án luật dự kiến được QH thông qua tại kỳ họp lần này có tác động lớn đến đời sống chính trị xã hội của đất nước và được cử tri rất quan tâm như Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức; Luật Doanh nghiệp… 

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) đánh giá các dự án luật mà QH dự kiến sẽ cho ý kiến đều là những nội dung rất quan trọng, đòi hỏi các ĐBQH phải tập trung cao độ để nghiên cứu, tham gia thảo luận, biểu quyết để các dự thảo luật sau khi được thông qua sẽ đi vào cuộc sống, ăn sâu vào lòng dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ và đặc biệt là sẽ có tuổi thọ lâu dài bền bỉ, tránh lặp lại một số trường hợp các luật được thông qua sau khi được triển khai đã bộc lộ bất cập…

Nhấn mạnh việc Kỳ họp thứ 8, QH khóa XIV là kỳ họp cuối năm 2019 - năm thứ 4 của nhiệm kỳ, năm khởi đầu của quá trình chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, ĐB Hòa cho rằng kỳ họp này phải đánh giá được những việc đã làm được trong những năm qua, đặc biệt là việc phát triển kinh tế - xã hội của năm 2019 để từ đó đề ra những biện pháp để có những điều chỉnh phù hợp, đáp ứng mong muốn của cử tri và nhân dân.  

Còn ĐB Hiền thì cho biết, từ thực tiễn địa phương, tại kỳ họp này, ông muốn đề cập đến việc giải quyết tốt bài toán về nâng cao hiệu quả của đầu tư công; cơ chế tạo điều kiện để phát triển doanh nghiệp, làm sao để doanh nghiệp có môi trường cạnh tranh lành mạnh; hỗ trợ để phát triển và quan tâm đến sự tồn tại và phát triển của ngành mía đường, tình trạng vi phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý đất đai tiếp tục trong thời gian dài nhưng việc phát triển xử lý chậm và hạn chế…   


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cơ hội mỏng manh

Lãnh đạo 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) tối 17/10 đã thông qua thỏa thuận mới về việc nước Anh rời khỏi khối (gọi là Brexit), mở đường cho hy vọng mong manh rằng một tiến trình "ly dị có trật tự" sẽ được thực hiện đúng ngày 31/10.

Nguồn: Pháp luật Plus