Malaysia sẽ làm mưa nhân tạo để giảm ô nhiễm không khí
Kinhte&Xahoi
Ngày 3-10, Bộ Môi trường Malaysia cho biết, Chính phủ nước này sẽ tạo mưa bằng cách “gieo” mây và nhiều biện pháp khác để đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí.
Hiện, chất lượng không khí của Malaysia đang xấu đi, đặc biệt là ở phía Tây bán đảo Malaysia, với 11 khu vực ghi nhận chỉ số ô nhiễm không khí có hại cho sức khỏe (API). Các trường học và nhà trẻ phải dừng mọi hoạt động ngoài trời khi chỉ số API lên mức 100 và đóng cửa khi chỉ số API lên mức 200.
Khói mù gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân ở nhiều khu vực tại Malaysia.
Trong khi đó, nhóm môi trường Greenpeace kêu gọi các nước trong khu vực đưa ra luật để ngăn chặn việc gây ô nhiễm không khí. Heng Kiah Chun, chiến lược gia chiến dịch khu vực của Greenpeace Đông Nam Á cho biết trong một tuyên bố: “Việc ban hành đạo luật chống khói mù xuyên biên giới là cần thiết để đóng vai trò ngăn chặn tình trạng bị ô nhiễm bởi các quốc gia lân cận”.
Hầu như vào mỗi mùa khô, khói từ các đám cháy do đốt rừng phát quang tại các đồn điền trồng cọ, làm giấy ở Indonesia che phủ bầu trời ở phần lớn khu vực, gây rủi ro cho sức khỏe cộng đồng và khiến các nhà điều hành du lịch cũng như các hãng hàng không lo lắng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia Siti Nurbaya Bakar tuyên bố, không có khói mù từ cháy rừng ở Indonesia lan sang các nước láng giềng như Malaysia. Theo ông Siti Nurbaya Bakar, báo cáo của Trung tâm Khí tượng chuyên ngành ASEAN (ASMC) từ ngày 28-9 đến ngày 1-10, khói được quan sát ở mức độ từ trung bình đến dày tại một số khu vực ở Sumatra và Kalimantan, đặc biệt là ở Trung Kalimantan và Nam Sumatra. Không thấy luồng khói nào bay vào Malaysia.
Singapore, quốc gia tự hào về không khí trong lành, đã thông qua luật ô nhiễm không khí xuyên biên giới vào năm 2014, quy định những người gây ra khói mù phải chịu trách nhiệm hình sự và dân sự.
Quỳnh Dương - Hà Nội mới