'Mỏ vàng' chưa được Việt Nam khai thác trên kênh Youtube

22/08/2019 10:30

Kinhte&Xahoi Youtube chính là ứng dụng mà các bậc cha mẹ tìm kiếm chương trình cho con cái xem thuộc top nhiều nhất. Tuy nhiên, nhìn vào danh sách các kênh thiếu nhi đang phổ biến hiện nay, đa số đều là kênh từ nước ngoài. Kênh Youtube Việt đặc sắc dành cho thiếu nhi đang là “kho vàng” chưa được khai thác hiệu quả.

Kênh nước ngoài chiếm đại đa số

Không chỉ các chương trình trên sóng truyền hình, giờ đây Youtube được xem là kênh giải trí phổ biến hàng đầu đối với các gia đình. Trong số đó, nhu cầu lớn nhất là các kênh giải trí, giáo dục dành cho thiếu nhi.

Đặc biệt là với các gia đình có con từ cấp 1 trở xuống thì nhu cầu này càng cao. Các bậc phụ huynh luôn tìm kiếm những kênh giải trí, giáo dục hay, hấp dẫn, hữu ích cho con mình. Đồng thời, đây cũng là nhu cầu của các bé khi mà thói quen dùng smart phone, smart TV của trẻ tăng cao. 

Dạo một vòng quanh các kênh Youtube thiếu nhi phổ biến hiện nay, có thể thấy các kênh có lượng xem cao, được thiếu nhi trong nước xem nhiều rơi vào các kênh nước ngoài. Các trang mạng trong nước cũng đưa ra một số bình chọn các kênh Youtube phổ biến nhất cho trẻ hiện nay đều là các kênh nước ngoài như LooLoo Kids, Chuchu TV, Kids TV, POPs TV…

Trong số đó, có những kênh chuyên về giải trí thiếu nhi bằng những bài hát, nhảy múa hay hoạt hình. Một số kênh hướng đến việc dạy trẻ ngôn ngữ, toán học. Một số kênh khác chuyên giáo dục kĩ năng cho trẻ như dạy thoát hiểm, dạy ứng xử, dạy làm đồ chơi, làm bánh giúp trẻ tăng khả năng sáng tạo…

Không thể phủ nhận các kênh này đã giúp trẻ có thêm một “thế giới” mới mẻ, rộng rãi để vui chơi, học tập, mở mang tư duy. Một số kênh đã được nghiên cứu, phát triển bởi các nhà giáo dục, nên có các phương pháp “vừa học vừa chơi” rất hữu ích. Không ít trẻ biết làm toán, thuộc mặt chữ hay bắt đầu làm quen với tiếng Anh nhờ các kênh như thế này.

Bên cạnh đó, sự phối hợp “vừa học vừa chơi” lý thú khiến trẻ thẩm thấu một cách tự nhiên các kiến thức về ăn hóa, đời sống, các bài học ứng xử, bài học về tình yêu thương gia đình, tình bạn, yêu thương thiên nhiên hay lòng dũng cảm… 

“Kho vàng” chưa được khai thác

Sự chuyên nghiệp, đa dạng và sức hút của các chương trình thiếu nhi trên Youtube là không phải bàn cãi. Nhưng đồng thời, việc trẻ phụ thuộc nhiều vào các kênh nước ngoài để giải trí, học hỏi cũng có đôi chỗ bất cập. Hiện nay, hầu hết các kênh Youtube thiếu nhi từ nước ngoài đã được Việt hóa.

Nhưng quá trình Việt hóa không phải bao giờ cũng nhuần nhuyễn, hay, phù hợp với ngôn ngữ hay văn hóa Việt. Nhiều phụ huynh phản ánh, có những bài hát, câu chuyện hoạt hình được Việt hóa khiến phụ huynh “giật mình” vì nó khác biệt với văn hóa trong nước. Nhiều khi con trẻ thắc mắc mà không biết trả lời thế nào.

Cạnh đó, việc “chuộng” các kênh nước ngoài mà thiếu kiểm soát hoặc kiểm soát không chặt chẽ, trẻ có thể bị xem nhầm cả các kênh thiếu nhi có nội dung không lành mạnh. Một ví dụ là kênh Youtube Người nhện và Elsa dù nhân vật hoạt hình nhưng đầy rẫy cảnh bạo lực, gợi dục, hoặc kênh Thử thách Momo.

Tại nhiều kênh khác, không ít trường hợp một số phim hoạt hình lấy hình ảnh chú heo con, các nhân vật Disney nhưng thực chất nội dung nhảm nhí, bạo lực, phản cảm để đầu độc thiếu nhi. 

Youtube thiếu nhi đang là “kho vàng” khổng lồ cho các nhà khai thác trong nước, vì mặc dù có không ít kênh nước ngoài hấp dẫn, nhưng nhu cầu về các kênh thuần Việt dành cho thiếu nhi vẫn rất nhiều. Tuy nhiên, hiện nay số lượng kênh Youtube thiếu nhi trong nước chất lượng cao không bao nhiêu và hầu như nội dung chưa thực sự có sự phong phú, đặc sắc hay đầu tư.

Nếu kể đến kênh Youtube thiếu nhi trong nước, có thể nhắc đến một số kênh như Kênh thiếu nhi, Thiếu nhi TV, Hana Kids TV, Voi TV, Chip Chip… Trong số đó kênh có số lượng theo dõi khá vượt trội là 5 triệu. Số còn lại chỉ vài trăm ngàn, và đa số là tập hợp các bài hát thiếu nhi hay phim hoạt hình.

Một kênh mới có đầu tư clip học bảng chữ cái bằng bài hát với các nghệ sĩ nổi tiếng, được nhiều phụ huynh khen là dễ học, dễ thuộc cho bé. Một số kênh đang rất nỗ lực khi xây dựng các clip giúp các bạn nhỏ phân biệt côn trùng, phân biệt các loại quả, học chữ…

Tất nhiên, với số lượng video còn khá ít ỏi, mức độ đầu tư chưa cao, thì việc cạnh tranh với các kênh youtube thiếu nhi nước ngoài là điều khó khăn.  Về lâu về dài, cần có thêm nhiều nhà đầu tư vào khai thác “mỏ vàng” này, cũng là cách giúp trẻ có thêm những kênh giáo dục, giải trí thuần Việt đem lại giá trị tốt đẹp cho trẻ thơ.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đại lục khó xử ở đặc khu

Tình trạng biểu tình phản đối dai dẳng nhiều tuần nay ở Hồng Kông khiến cho chính quyền đặc khu hành chính này và Trung Quốc mỗi lúc càng thêm khó xử.

Mỹ - Trung: Luật rõ ràng, lệ tùy hứng

Vừa mới rồi, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump có một quyết sách rất quyết liệt là chính thức nhìn nhận Trung Quốc như một nước thao túng tiền tệ.

Nguồn: Pháp luật Plus