Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hóc Môn, TPHCM đã vận động tài trợ và gửi tặng băng vệ sinh cho phụ nữ tại khu cách ly.
Sự tinh tế và chu đáo của người cán bộ
Thông tin từ truyền thông của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) cho biết, mới đây, Hội LHPN huyện Hóc Môn, TPHCM đã vận động tài trợ và gửi tặng băng vệ sinh (BVS) cho nhiều chị em ở khu cách ly, phong tỏa, chị em đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn. Đó là món quà được tặng bằng chính sự chu đáo, tinh tế của người cán bộ Hội và bằng sự thấu hiểu giữa những người phụ nữ với nhau.
Cụ thể, trên địa bàn huyện Hóc Môn có 2 khu điều trị bệnh (Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 9, Trung tâm cách ly số 2) và 2 khu cách ly tập trung của huyện (khu cách ly Đông Thạnh, Khu cách ly Nhị Tân). Mỗi xã đều có khu cách ly tạm thời. Số lượng chị em phụ nữ trong độ tuổi cần sử dụng BVS ở các khu phong tỏa, cách ly rất lớn.
Trao đổi với truyền thông Hội, chị Đặng Trần Trúc Dao - Chủ tịch Hội LHPN huyện Hóc Môn cho biết: “Một hôm, tôi vô tình đọc trên mạng thấy một chị đi mua BVS bị chốt chặn lại để hỏi. Từ đó, tôi nghĩ rằng phải đi xin BVS để hỗ trợ cho chị em hội viên, phụ nữ của huyện. Cũng là phụ nữ với nhau, nên tôi rất hiểu cảnh thiếu thốn món hàng thiết yếu đó khi cần”.
Từ thấu hiểu đến hành động, chị Đặng Trần Trúc Dao đã tìm cách liên hệ, gửi thư ngỏ đến công ty chuyên sản xuất mặt hàng này. 3 ngày sau, Hội LHPN huyện nhận được 38.000 BVS.
Là một trong những người được nhận món hàng thiết yếu với chị em phụ nữ này, chị Võ Thị Kim Thoa (ở Xuân Thới Thượng, Hóc Môn) cho biết: “Em khi thành F0 thì tâm trạng lo lắng, rối bời, không có nhiều thời gian để chuẩn bị chi tiết các đồ cá nhân. Trong khu cách ly, việc nhờ người thân gửi đồ vào phải theo giờ giấc cụ thể. Như BVS nhiều khi cần gấp nhưng không thể nhận được ngay. Ai cũng phải đợi nhận đồ theo đúng lịch. Với những chị ở xa thì không thể nhờ người nhà được. Những nhà ở gần nếu không nằm trong diện phong tỏa thì cũng phải thực hiện Chỉ thị 16, hạn chế ra ngoài. Vậy nên, khi được các chị bên Hội Phụ nữ tặng BVS thì tụi em cảm thấy rất quý. Các chị rất là tâm lý tặng món quà rất phụ nữ như vậy”.
Những người đàn ông không ngại ngùng
Cũng theo chị Đặng Trần Trúc Dao, khi nhận các lô hàng BVS từ nhà tài trợ, Hội LHPN huyện không đủ người để vận chuyển và đi phát vì một số cán bộ Hội vẫn chưa hết thời gian cách ly. Vì vậy, Hội phải huy động sự giúp đỡ của các anh bên dân quân tự vệ và Ban quân sự…
“Việc các đoàn thể phối hợp là chuyện làm hàng ngày. Thế nhưng, khi nhờ các anh tham gia cùng vận chuyển, đóng gói và đi phát quà là BVS, chúng tôi cảm thấy hơi ngại. Thế nhưng các anh đã không nề hà mà nhiệt tình giúp đỡ”- chị Trúc Dao cho biết.
Anh Trọng ở Đồng Nai chở quà đến tặng cho chị em tại các khu cách ly.
Anh Nguyễn Minh Trọng- chủ một doanh nghiệp vận tải ở Đồng Nai thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện tại địa phương và nhiều nơi khác. Trong lần đi cứu trợ thực phẩm cho các điểm phong tỏa, nhận thấy ngoài lương thực, phụ nữ đang rất cần BVS nên anh không ngại ngần tìm cách hỗ trợ.
Trao đổi với truyền thông anh Trọng cho biết: “Tôi nhìn vào thực tế là các chị em phụ nữ trong vùng cách ly không thể ra ngoài mua BVS được. Như vậy họ đang rất cần và khó khăn mà không dám nói ra”.
Để giúp đỡ chị em, anh Trọng đã lên kế hoạch đi đến các cửa hàng, mua hàng ngàn gói BVS, rồi chở đến từng điểm phong tỏa. Theo anh Trọng, ban đầu chỉ có một vài phụ nữ đến nhận nhưng về sau mọi người không còn ngại nên cũng đến nhận đông hơn. Dự kiến những ngày về sau, anh sẽ tiếp tục mang những gói BVS đến tặng cho chị em các điểm phong toả nhiều địa phương khác.
Vào những ngày Bắc Giang bùng dịch, mạng xã hội đã chia sẻ câu chuyện anh Nguyễn Văn Linh (sống ở Bắc Giang) tặng BVS cho chị em công nhân trong khu cách ly. Hình ảnh anh Linh nhễ nhại mồ hôi bên cạnh những gói BVS được xếp thành từng đống cao nhanh chóng được lan truyền trên Facebook. Anh chia sẻ, khi nghĩ đến những chị em khi ở tâm dịch, thực hiện cách ly mà không có BVS thì rất khó chịu nên anh nêu ý kiến trên.
Còn anh Nguyễn Minh Trọng, sau khi đi mua hàng ngàn gói BVS đã tự gói ghém thật kín đáo rồi mang đến gửi điểm phong tỏa nhờ tình nguyện viên phát tận tay chị em. “Chỉ cần mình suy nghĩ không phải cho một người phụ nữ mà cho nhiều phụ nữ khác thì mình sẽ cảm thấy không còn ái ngại nữa. Mình vượt qua cái ngại đó để những người phụ nữ nhìn cảm thấy không ngại khi đến nhận quà tế nhị”- anh Trọng cho biết.
Đặc thù giới trong công cuộc phòng chống dịch
Đảm bảo chuỗi cung ứng là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Những ngày trước đây, đã từng xảy ra chuyện ở một số nơi, xe chở BVS, tã, bỉm bị chặn với lý do không nằm trong danh sách hàng hóa thiết yếu và vấn đề đã được giải quyết. Nhưng từ thực tế này cũng cho thấy, trong công cuộc đối phó với dịch bệnh, những vấn đề liên quan đến đặc thù giới cũng rất cần được quan tâm.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, bà Vũ Phương Ly, chuyên gia cao cấp của UN Women Việt Nam cho biết, BVS được hầu hết phụ nữ và trẻ em gái sử dụng. Tương tự, bỉm và tã cũng là hình thức được nhiều gia đình sử dụng để chăm sóc vệ sinh cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, người già nhằm giải phóng sức lao động cho phụ nữ và người trông trẻ, cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường sống của gia đình. Trong nhóm ngành phục vụ y tế, phụ nữ cũng chiếm đến 70%. Do đó, việc đảm bảo nhu cầu của từng nhóm phụ nữ trong xã hội, đặc biệt là các nhân viên y tế, những người đang ở tuyến đầu chống dịch, là vô cũng quan trọng và cần lưu tâm để cuộc sống không bị đảo lộn, gây ra hệ lụy lâu dài với sức khỏe phụ nữ, trẻ em gái nói riêng và người dân nói chung. |
Hồng Minh -Pháp luật Plus