Nga: Doanh thu dầu và khí đốt năm 2023 giảm mạnh
Kinhte&Xahoi
Nga thâm hụt ngân sách năm 2023 vượt dự kiến do doanh thu từ dầu và khí đốt giảm 24%, trong khi xung đột tại Ukraine khiến chi tiêu tăng mạnh, theo Bloomberg.
Dữ liệu của Bộ Tài chính Nga cho thấy, mức thâm hụt tài chính lên tới 3,2 nghìn tỷ rúp (36,1 tỷ USD), tương đương 1,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Con số này cao hơn 300 tỷ rúp so với mục tiêu ngân sách và ước tính cuối tháng 12 của Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov.
Thâm hụt tăng trong bối cảnh chi tiêu vượt dự báo 11%. Theo số liệu của Bộ Tài chính, thuế từ dầu và khí đốt năm 2023 đã giảm 24% so với năm trước dù vẫn chiếm gần 1/3 tổng thu ngân sách năm 2023. Việc giảm nguồn thu từ hai mặt hàng nhiên liệu đã gây thêm áp lực lên ngân sách, trong bối cảnh Nga lên kế hoạch tăng 70% chi tiêu quân sự năm 2024.
Bộ Tài chính Nga cho biết, giá trung bình của dầu thô xuất khẩu chính Urals đã giảm hơn 17% trong năm 2023, xuống còn 62,99 USD/thùng. Mức giá này vẫn cao hơn trần 60 USD/thùng do Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và đồng minh áp đặt cuối năm 2022 nhằm hạn chế doanh thu của Nga.
Ảnh minh họa: Bloomberg
Kể từ giữa tháng 10-2023, Bộ Tài chính Mỹ đã tăng cường giám sát việc tuân thủ giới hạn giá, áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với một số tàu chở dầu, chủ sở hữu và các nhà kinh doanh dầu thô bị cáo buộc vi phạm.
Điều này làm tăng rủi ro đối với bên mua dầu Nga và dẫn đến mức chênh lệch giá Urals so với dầu thô Brent ngày càng tăng, lên tới gần 14 USD/thùng vào tháng 12-2023.
Quyết định của Nga về việc cắt phần lớn nguồn cung khí đốt qua đường ống sang châu Âu đã khiến doanh thu ngân sách từ thuế xuất khẩu khí đốt giảm hơn 65%, xuống còn 566 tỷ rúp năm 2023. Nga hiện cung cấp khí đốt theo hướng Tây qua Ukraine và qua một nhánh của đường ống TurkStream ở Biển Đen.
Nga cho đến nay vẫn chưa tiết lộ dữ liệu về dòng khí đốt qua đường ống năm 2023. Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) ước tính, xuất khẩu khí đốt qua đường ống của quốc gia này sang Liên minh châu Âu (EU) đã giảm 65% so với năm 2022, xuống còn 20 tỷ đến 25 tỷ m3.
Dữ liệu của Bộ Tài chính Nga cũng cho thấy, chính phủ nước này đã trợ cấp 2,9 nghìn tỷ rúp cho ngành dầu mỏ ở năm 2023. Trong nỗ lực tăng doanh thu, Nga đã cắt giảm một nửa trợ cấp vào tháng 9 cùng năm. Động thái này dẫn đến tình trạng thiếu nhiên liệu trên toàn quốc, buộc chính phủ phải khôi phục toàn bộ trợ cấp và thậm chí áp đặt lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu tạm thời để kiểm soát giá nội địa.
Thương Nguyệt - Hà Nội mới