Ngành hàng không Việt Nam phục hồi nhanh nhất thế giới

16/06/2022 10:00

Kinhte&Xahoi Mới đây, Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế công bố báo cáo mới nhất về sự phục hồi của thị trường hàng không

Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) vừa công bố Việt Nam bất ngờ đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới.

Vị trí thứ hai là Mexico, tiếp theo là Brazil, Nga, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia…

Các chuyên gia dự báo thị trường hàng không nội địa Việt Nam sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2022

Khu vực Đông Nam Á, ngoài Việt Nam đứng vị trí số 1 còn có Indonesia đứng thứ 8, Malaysia thứ 9, Philippines thứ 13 và Thái Lan đứng thứ 24.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, từ đầu năm 2022 đến nay, lượng hành khách và sản lượng hàng hóa tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đạt 40,7 triệu khách, tăng 56,8% so với cùng kỳ 2021, trong đó, khách quốc tế đạt 1,8 triệu khách, tăng 904,6%; khách nội địa đạt 38,9 triệu khách, tăng 52,6%.

Các hãng hàng không nội địa đã vận chuyển 20,1 triệu khách, tăng 56,1% so với cùng kỳ 2021, trong đó, số lượng khách quốc tế đạt 667.000 khách, tăng 1.033%; khách nội địa đạt 19,5 triệu khách, tăng 51,8%.

Theo dự kiến trong năm 2022, các cảng hàng không trên cả nước sẽ đón khoảng 87,8 triệu khách, tăng 190% so với năm 2021. Riêng khách quốc tế dự kiến đạt khoảng 5 triệu khách, tăng 844% và khách nội địa đạt khoảng 82,8 triệu khách, tăng 178,4%.

Đối với hàng hóa, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng hàng không từ đầu năm đầu năm ước đạt 765.000 tấn, tăng 30,6% so với cùng kỳ 2021. Dự kiến trong năm 2022, sản lượng sẽ đạt khoảng 1,5 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2021.

Ngày 24/5 vừa qua, Bộ GTVT phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức hội thảo quốc tế “Phục hồi và phát triển ngành hàng không Việt Nam trong bối cảnh mới” sau những biến động từ dịch Covid-19.

Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết: Hai năm 2020 - 2021, thị trường hàng không Việt Nam sụt giảm mạnh với mức giảm lần lượt là 42,1% và 80% so với năm 2019.

Các hãng hàng không Việt Nam phải chật vật, xoay xở, thực hiện mọi giải pháp mang tính tự vận động cũng như được sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước để duy trì hoạt động.

Sang năm 2022, với việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và tình hình phòng, chống dịch bệnh đạt được nhiều kết quả khả quan, thị trường đã có dấu hiệu phục hồi, đặc biệt là thị trường nội địa.

Theo TS Bùi Doãn Nề, 5 năm tới, hàng không sẽ vẫn còn phải chịu thêm tác động diễn biến của dịch Covid-19 và mức độ kiểm soát dịch, sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu và trong nước, đặc biệt là sự phát triển của ngành du lịch; Năng lực và thực tế tái cấu trúc của các doanh nghiệp ngành hàng không; Mức độ hội nhập của ngành hàng không ở khu vực và trên phạm vi toàn cầu; Tác động tổng hợp từ các chính sách của Nhà nước.

Trong khi đó, GS Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân bày tỏ sự lạc quan về khả năng phục hồi của hàng không Việt. Ông cho rằng, triển vọng phát triển hàng không Việt trong năm nay và thời gian tới khá rõ nét, nhiều khả năng sẽ là lĩnh vực dẫn đầu sóng phục hồi trở lại sau dịch với hàng loạt đường bay nội địa, quốc tế được khôi phục và mở rộng.

Các chuyến bay khai thác nội địa đã có sự bứt phá, các chuyến bay quốc tế đưa khách nước ngoài cũng sôi động trở lại.

 Linh Nhi - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/nganh-hang-khong-viet-nam-phuc-hoi-nhanh-nhat-the-gioi-d183844.html