Lạm phát gia tăng nhiều nơi trên thế giới
Giá lương thực toàn cầu đã tăng trong 2 năm trở lại, do tác động của dịch COVID-19 và tình trạng thời tiết cực đoan. Cú sốc nguồn cung hai mặt hàng ngũ cốc và dầu khí cũng chạm ngưỡng kỷ lục vào tháng 2 và cả tháng 3/2022 liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát tăng vọt, với giá năng lượng góp phần làm sức ép gia tăng.
Dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy thực phẩm là danh mục lớn nhất trong giỏ Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo lạm phát, tại nhiều quốc gia đang phát triển, chiếm khoảng 40-50%.
Các nước sản xuất lương thực như Ấn Độ đã ra lệnh cấm xuất khẩu lúa mì, trong khi Indonesia đã tạm ngưng xuất khẩu dầu cọ để kiểm soát tình trạng giá cả nội địa tăng vọt hồi tháng 4.
Tại Anh, lạm phát hằng năm trong tháng 4 đã tăng lên mức cao nhất trong 40 năm do chi phí năng lượng tăng vọt, khiến cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt trở nên trầm trọng hơn.
Cụ thể, lạm phát giá tiêu dùng đã tăng từ 7% trong tháng 3 lên 9% trong tháng 4, mức cao nhất kể từ năm 1982. Mức này được dự báo sẽ còn tăng thêm.
Cơ quan Thống kê Châu Âu (Eurostat) cho biết tỷ lệ lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone). Theo đó, lạm phát tại 19 quốc gia thành viên Eurozone tăng lên 8,1% trong tháng Năm so với mức 7,4% trong tháng Tư.
Văn phòng thống kê Destatis của Đức vừa báo cáo về một đợt lạm phát nhảy vọt ở nước này trong tháng 5, khi giá cả thực phẩm và năng lượng tiếp tục leo thang.
Được biết, lạm phát hàng năm tại nền kinh tế lớn nhất Liên minh Châu Âu (EU) này đã chạm mốc 7,9%, tương đương mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973.
Hơn 10.000 mặt hàng thực phẩm ở Nhật Bản có thể tăng trung bình 13% trong năm 2022 (Ảnh: Bloomberg)
Tại Đức, giá năng lượng đã tăng 38,3% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá thực phẩm tăng 11,1%.
Trong khi đó, giá tiêu dùng trong tháng 5 đã tăng 0,9% theo tiêu chuẩn quốc gia và tăng 1,1% theo tiêu chuẩn chung của EU.
Theo Bộ Lao động Mỹ, tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế lớn nhất thế giới tháng Tư vừa qua tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời là tháng thứ hai liên tục trong năm nay lạm phát vượt trên 8%. Như vậy, lạm phát ở Mỹ trong tháng Ba (8,5%) và tháng Tư năm nay đều tăng tới mức kỷ lục trong hơn 40 năm qua, tính từ tháng 12/1981.
Ngân hàng Phát triển Châu Á cho biết vào đầu tháng 4, giá hàng hóa tăng cao đã đẩy lạm phát ở Châu Á tăng lên 3,7% trong năm nay.
Công ty nghiên cứu tín dụng Teikoku Databank Ltd. ngày 1/6 đã công bố kết quả khảo sát cho thấy giá của hơn 10.000 mặt hàng thực phẩm ở Nhật Bản có thể tăng trung bình 13% trong năm 2022, trong bối cảnh chi phí đầu vào nguyên liệu tăng cao và đồng yen bị mất giá nhanh chóng.
Đầu tháng 5 vừa qua, cơ quan Thống kê Hàn Quốc (Statistics Korea) ngày 3/5 cho biết giá tiêu dùng ở nước này trong tháng 4/2022 tăng với tỷ lệ cao nhất trong hơn 13 năm qua.
Theo Statistics Korea, gái tiêu dùng ở Hàn Quốc trong tháng Tư tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, sau khi tăng 4,1% trong tháng Ba trước đó.
Đây là tỷ lệ tăng cao nhất kể từ tháng 10/2008, khi nền kinh tế lớn thứ tư Châu Á bị ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009.
Muôn vàn kiểu “thắt lưng buộc bụng”
Theo báo cáo của Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ, lạm phát hàng năm của nước này đã đạt mức 69,97% vào tháng Tư, cao nhất trong hai thập kỷ. Trong đó, mức tăng giá cao nhất thuộc về lĩnh vực giao thông vận tải với 105,86%, trong khi chi phí thực phẩm và đồ uống không cồn tăng 89,1%.
Các siêu thị ở thủ đô Istanbul, từng có rất nhiều người mua sắm với nhiều loại hàng hóa, giờ trở nên trống vắng đìu hiu do lạm phát khiến giá cả vượt quá tầm với của người dân.
Những người tiêu dùng tới xem các bảng giá mới nhất trên kệ và sau đó bỏ đi với túi hàng trống rỗng, trong khi các nhân viên phàn nàn rằng doanh số bán hàng đã giảm quá mạnh do giá cả tăng phi mã.
“Tôi cắt giảm chi tiêu nhiều nhất có thể. Nếu tôi mua phomai trắng, tôi sẽ không nhìn vào phomai khác hay bất kỳ sản phẩm nào nữa. Giá cả đang tăng cao. Chúng tôi không thể làm được gì nhiều với mức lương này”. Hiện mức lương tối thiểu hàng tháng của hàng triệu công nhân Thổ Nhĩ Kỳ là 4.250 lira”, nữ khách hàng chia sẻ.
Cô cũng cho biết, cô đã từ bỏ việc mua 6 gói sữa hữu cơ 200ml sau khi nó tăng từ 30 lira lên 53 lira, mặc dù đó là thức uống từ sữa chính của con trai cô.
Người dân mua sắm hàng hóa trong một siêu thị tại Anh (Ảnh: Bloomberg)
Cô Sevda Alkin, một người nội trợ cũng cho biết cô định mua một vài bình sữa cho hai đứa cháu của mình, nhưng cô đã từ bỏ ý định đó sau khi thấy giá của nhãn hiệu sữa đã chọn là 22 lira, tăng so với 15 lira một tháng trước.
Rosalina là một người nước ngoài đến Thổ Nhĩ Kỳ 22 năm trước để có một công việc ổn định với mức lương hậu hĩnh. Giờ đây, cô ấy đang cân nhắc việc quay trở lại đất nước của mình, vì thu nhập của cô đã giảm do lạm phát gia tăng.
Steven Chang (ở Đài Loan, Trung Quốc), nhân viên ngành dịch vụ hiện đang sống môt mình nên anh thường xuyên ăn ở ngoài. Tuy nhiên anh đang cân nhắc lại việc chi tiêu của mình.
“Tôi sống xa bố mẹ nên thường xuyên phải ăn uống ngoài quán. Giờ tôi sẽ cố gắng hạn chế ăn ngoài và tự nấu ăn nhiều hơn”, chàng trai 24 tuổi nói.
Kate Worby, 29 tuổi và chồng chưa cưới Charlie Skudder (Devon, Anh) đang trải qua những ngày khó khăn khi giá cả leo thang mà họ còn nuôi 3 con.
Trong thời buổi khó khăn, Kate tính toán chi ly từng bữa, mua số lượng lớn để dành cho cả tuần. Để tiết kiệm đồ ăn, Kate thậm chí đông lạnh bánh mì, tránh lãng phí. Bà mẹ người Anh thường chọn siêu thị rẻ nhất, mua sắm khi mới ăn no để tránh việc mua sắm quá tay do cảm giác đói bụng.
Hai vợ chồng chỉ dám ăn mỗi ngày một bữa hoặc ăn đồ ăn thừa của con cô còn phải thường xuyên bán quần áo, đồ đạc để đủ tiền mua đồ ăn.
Không chỉ thiếu thức ăn, gia đình Kate còn đứng trước sự lựa chọn ăn hay sưởi ấm. Họ lâm vào khó khăn như nhiều gia đình khác đang gặp phải do không có sự chuẩn bị cho bão giá ngay khi mới từng bước thoát khỏi đại dịch.
Một phần ba cửa hàng bán cá và khoai tây chiên, món ăn truyền thống của người Anh có nguy cơ đóng cửa vì ảnh hưởng của bão giá.
Anh Bally Singh, chủ cửa hàng Hooked Fish and Chips ở phía Tây London, đang chật vật kinh doanh món ăn truyền thống khi giá cá, khoai tây, dầu ăn, thậm chí bột mỳ đều tăng vọt.
“Giá cá tăng phi mã. Giá dầu tăng phi mã. Mọi nguyên liệu để nấu nướng đều tăng”, Singh nói.
Ông Malcolm Petherick, 73 tuổi, một công nhân cũng chia sẻ: “Thời tôi còn bé, cá và khoai tây chiên là suất ăn của người nghèo. Tuy nhiên, bây giờ 2 suất giá đến 23 bảng, người nghèo nào có thể mua được”.
Tuệ Uyên - TTTĐ