Nhức nhối nạn "vàng tặc" ở Quảng Nam

23/07/2020 10:07

Kinhte&Xahoi Tình trạng khai thác khoáng sản vàng trái phép tại khu vực các huyện miền núi phía Tây của tỉnh Quảng Nam vẫn luôn là một vấn đề nhức nhối đã và đang gây nên nhiều hệ lụy đau lòng.

Một số máy móc thiết bị của phu vàng.

“Thánh địa vàng” Phước Sơn là một huyện miền núi nằm cách trung tâm tỉnh Quảng Nam khoảng 120km về phía Tây, là địa phương có trữ lượng vàng lớn thứ hai cả nước. Với địa hình hiểm trở, dân số khoảng 27.000 nhưng có đến 70% là dân tộc thiểu số, vấn nạn “vàng tặc” hoành hành ngày càng trở thành một vấn đề khó giải quyết.

“Cơn lốc" tìm vàng ở Phước Sơn đã diễn ra từ giữa thập niên 1990, theo đó là cảnh sập hầm chết người, đâm chém tranh giành lãnh địa, bảo kê náo loạn cả vùng núi xứ Quảng. Từ đó đến nay do có sự vào cuộc ngày càng quyết liệt của hệ thống chính quyền, ngành chức năng tỉnh "Cơn lốc" tìm vàng lắng xuống. Tuy nhiên "vàng tặc" vẫn đeo bám trong các cánh rừng sâu hàng chục km lén lút đào bới.

Nhìn từ trên cao, vùng núi Phước Sơn có vẻ mọi thứ rất yên bình. Nhưng khi hoà với cuộc sống thiên nhiên nơi đây mới thấy nhiều vấn đề nhức nhối, đặc biệt khi nói đến vàng.

Các dòng suối xung quanh bãi vàng bị ô nhiễm nặng nề.

Được biết Phước Sơn hiện có 50% số xã có mỏ vàng. Hầu hết các mỏ này nằm sâu trong rừng núi cách trung tâm khoảng vài chục cây số. Đây là địa hình lý tưởng cho các đối tượng khai thác trái phép hoạt động. Nhiều cuộc kiểm tra bất ngờ nhưng vẫn bị lộ, đó là lý do khiến lực lượng chức năng khi tiếp cận hiện hiện trường chỉ thu giữ được một số máy móc mà đối tượng chôn dưới đất trước khi trốn chạy vào rừng.

"Thánh địa vàng" Phước Sơn vốn nổi tiếng với những cuộc giao chiến đẫm máu giữa các băng nhóm đào đãi vàng trái phép. Nhiều cái chết bi thảm, bí ẩn đã diễn ra nơi đây.Thống kê mới nhất từ năm 2014 đến nay hàng chục người bị thương vong, trong đó 11 người đã tử vong tại các mỏ vàng. Đến nay tình hình đã lắng xuống, nhưng những thảm cảnh sập hầm, giết người thi thoảng vẫn xảy ra.

Mới đây, trên địa bàn huyện Phước Sơn cũng đã xảy ra một vụ đâm chết người do mâu thuẫn. Theo đó, đối tượng Lò Văn Duyđã có hành vi đâm chết một người và làm bị thương một người tại bãi vàng 38 thuộc xã Phước Hoà. Người bị giết chết không phải là phu vàng mà lại chính là người quản lý phu vàng.

Không chỉ vậy, việc tàn phá núi rừng để khai thác vàng còn khiến cho những dòng suối con sông ở Phước Sơn và Bắc Trà My vốn trong mát đã trở nên đục ngầu. Phu vàng còn thường xuyên sử dụng cyanua (một loại hoá chất cực độc dùng trong chế tác vàng) để khai thác, sau đó thải ra môi trường khiến nguồn nước ở đây bị nhiễm độc nghiêm trọng, con người không sử dụng được mà thậm chí trâu bò, gia súc uống vào cũng chết.

Ông Hoàng Thanh Nam - Chủ tịch xã Phước Hiệp cho biết, bãi vàng này thuộc Công ty Hữu Minh quản lý. Đơn vị này được cấp phép thăm dò. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quảng - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn lại khẳng định công ty này đã hết phép.

Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã liên hệ với Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Nam thì được ông Phan Hà, Trưởng phòng Khoáng sản cho biết qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện một số công ty hoạt động không đúng với các giấy phép được cấp. Nhiều cử tri trong tỉnh cũng đã phản ánh về tình trạng này. Hiện tỉnh đang chỉ đạo các huyện kiểm tra xác minh báo cáo về đề này nhưng vẫn chưa nhận được bất kì báo cáo nào từ huyện.  

Nước mắt của vợ một phu vàng tử nạn trong hầm mỏ

Theo thống kê, hiện các khu mỏ ở huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam tính đến thời điểm này có 8 bãi vàng đang được Bộ Tài nguyên Môi trường và ngành chức năng tỉnh cấp phép thăm dò và khai thác; 10 công ty đang xin phép thăm dò và khai thác; 4 bãi vàng lớn và nhiều điểm nhỏ lẻ thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác trái phép; 3 công ty bị xử phạt vì vi phạm luật bảo vệ môi trường xả thải ra môi trường (Công ty Phước Minh, Công ty Phước Hưng và Công ty SSG. Tuy nhiên, đây chỉ là những con số trên báo cáo, chứ trong thực tế số lượng “vàng tặc” lớn hơn rất nhiều.

Trong 3 năm trở lại đây, tại các bãi vàng trái phép ở Phước Sơn, Nam Giang, Nam Trà My, Đông Giang đã có hàng chục phu vàng tử nạn. Chết người, tài nguyên thiên nhiên thất thoát, ô nhiễm môi trường đó là thực tế đã và đang xảy ra ở nhiều bãi vàng trái phép tại miền núi Quảng Nam hiện nay.

Mặc dù chính quyền và các ngành chức năng liên tiếp tổ chức truy quét, đẩy đuổi nhưng vì lợi nhuận, vì những giấc mơ đổi đời mỗi khi ngành chức năng truy quét, thì “vàng tặc” lại bỏ trốn lên núi. Khi đoàn vừa quay đi, thì mọi chuyện đâu lại vào đấy. Hàng trăm máy nổ, máy phát điện, máy xay đá, xe múc, cùng hàng nghìn lán trại và các thiết bị khai thác vàng trái phép, đã bị tịch thu tiêu huỷ.

Hàng trăm biên bản xử phạt vi phạm, thu hồi sáu giấy phép, tuy nhiên nạn khai thác vàng trái phép vẫn chưa chấm dứt. Tính riêng Phước Sơn đã có hàng trăm vụ tương tự như thế này. Và điệp khúc đó cứ tiếp diễn.

Chất thải từ các bãi vàng chảy vào sông, suối.

“Phước Sơn gạo trước nước trong – Ai đi đến đó không mong ngày về”,câu vè này gần như phu vàng nào cũng thuộc. Tuy nhiên khắp khe rừng, khe suối những dấu chân phu vàng vẫn len lỏi khắp nơi, có dấu chân đi mà không có về. Chính quyền địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức hàng trăm đợt truy quét, nhưng tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Được biết, trong thời gian tới, lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục tổ chức các đợt truy quét “vàng tặc” tại các điểm nóng về khai thác trái phép trên địa bàn tỉnh. Rất hy vọng, vấn nạn này sẽ sớm được chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng giải quyết.

An Dân - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Trung Quốc báo động lũ lụt ở mức cao nhất

Giới chức địa phương ở miền trung Trung Quốc đã ban bố báo động lũ lụt ở mức cao nhất sau khi mức nước một con sông lớn lên tới gần 29,7m, cao hơn mức nguy hiểm 2,2m.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/nhuc-nhoi-nan-vang-tac-o-quang-nam-d130085.html