Nóng rực trong lòng nước Mỹ, Bắc Kinh lại thêm phần khó
Kinhte&Xahoi
Guồng máy hàng chục ngàn tỷ USD của Mỹ tăng nhanh và lên vùng đỉnh cao lịch sử do giới đầu tư lạc quan về đàm phán Mỹ-Trung. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc dồn dập phát đi các tín hiệu tiêu cực.
Chỉ số chứng khoán tầm rộng S&P 500 tăng khá mạnh, vượt ngưỡng 3.000 điểm và tiến sát tới ngưỡng cao lịch sử. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng tăng mạnh lên trên 8.160 điểm. Chỉ có chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones tăng nhẹ do giới đầu tư thận trọng về mối quan hệ công nghệ Mỹ-Nhật.
Theo CNBC, chứng khoán Mỹ tăng chủ yếu nhờ vào sự lạc quan xung quanh các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung cũng như giới đầu tư đón nhận những tín hiệu tích cực từ mùa báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp nước này.
Chứng khoán Mỹ lên sát đỉnh cao mọi thời đại.
Trong tuần trước, cả 2 phía Mỹ và Trung Quốc đều thừa nhuận 2 bên đã đạt được tiến bộ đáng kể trong vấn đề thương mại và việc chấm dứt thương mại sẽ tốt cho nền kinh tế cả 2 bên cũng như toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó cho biết Mỹ và Trung Quốc đã đạt được giai đoạn 1 của thỏa thuận thương mại song phương. Ông Trump cũng hy vọng thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ được ký kết vào thời điểm hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương diễn ra ở Chile vào giữa tháng 11/2019.
Mặc dù kỳ vọng vào triển vọng thương mại Mỹ-Trung đã lớn hơn nhưng mâu thuẫn giữa 2 cường quốc này vẫn còn lớn. Những thỏa thuận đạt được vừa qua và có thể sẽ được ký kết được xem là một sự đình chiến.
Chứng khoán Mỹ sắp trở lại đỉnh cao kỷ lục được cho vẫn chủ yếu là từ những tín hiệu tốt từ doanh nghiệp và nền kinh tế Mỹ.
Một loạt các doanh nghiệp lớn như.P. Morgan Chase, Bank of America, Netflix và Citigroup đều công bố kết quả tốt hơn dự báo. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng mạnh, thất nghiệp thấp nhất 50 năm.
Ở chiều ngược lại, theo Reuters, Trung Quốc đang đối mặt với một sự suy giảm kinh tế “rất nghiêm trọng”. Tăng trưởng GDP trong quý 3 xuống chỉ còn 6%, yếu hơn dự báo và thấp nhất trong vòng ít nhất 27 năm rưỡi. Tăng trưởng của Trung Quốc suy giảm liên tục trong các quý gần đây vì cuộc chiến chiến thương mại Mỹ-Trung và nỗ lực ghìm thắt chặt tín dụng.
Mỹ vẫn có những tính toán ngăn chặn sự nổi lên của Trung Quốc.
Sau 2 năm thương chiến, Trung Quốc thực sự đã rơi vào tình trạng khó khăn. Vị thế của ông Tập Cận Bình bị giảm sút nghiêm trọng vì kinh tế sụt giảm và nhiều vấn đề xã hội khác.
Về phía Mỹ, nền kinh tế Mỹ không phải không có ảnh hưởng, nhưng ở mức ít nhìn thấy hơn. Một thỏa thuận tmaj thời giữa Mỹ và Trung lúc này là rất cần thiết đối với ông Trump và ông Tâp. Ông Trump cần một nền kinh tế và chứng khoán hồng hào hơn để đối phó với Đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử vào 2020.
Những cam kết lần này đã giải quyết nhiều vấn đề nổi cộm. Trung Quốc buông “vũ khí” hạn chế nhập nông sản Mỹ, vũ khí tỷ giá, trong khi ông Trump ngừng đẩy cuộc chiến leo thang bằng việc không nâng thêm thuế.
Hai bên gần như đã đạt được thỏa thuận hoàn chỉnh về vấn đề tiền tệ và dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, những vấn đề gai góc nhất vẫn còn đó.
Trên thực tế, cho tới thời điểm này, Mỹ và Trung vẫn chưa chính thức ký thỏa thuận giai đoạn 1. Trong khi giai đoạn 2 được đánh giá còn khó khăn hơn rất nhiều. Giai đoạn 2 sẽ đề cập tới những mâu thuẫn lớn nhất giữa 2 bên. Đó là việc giải quyết các cáo buộc của Mỹ về đánh cắp sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc và trợ cấp công nghiệp của Trung Quốc.
Đây là những vấn đề mà đối với ông Trump là buộc phải giải quyết và đó mới là thỏa thuận “toàn diện” mà ông Trump mong muốn. Nhưng đó lại là những vấn đề mà Trung Quốc luôn né tránh và được xem là lằn ranh đỏ của Bắc Kinh, là điểm đáng lo sợ nhất của chính quyền ông Tập Cận Bình.