Ông Putin chuẩn bị cho tương lai?
Kinhte&Xahoi
Những đề xuất sửa đổi hiến pháp được cho là sẽ giúp Tổng thống Vladimir Putin có một số lựa chọn để tiếp tục nắm giữ quyền lực sau khi nhiệm kỳ kết thúc vào năm 2024
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và ông Mikhail Mishustin tại cuộc gặp hôm 15-1Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 16-1 ký sắc lệnh bổ nhiệm ông Mikhail Mishustin làm thủ tướng mới thay ông Dmitry Medvedev. Động thái này diễn ra không lâu sau khi Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga phê chuẩn ông Mishustin cho vai trò này. Ông Mishustin, từng là Cục trưởng Cục Thuế Liên bang Nga, giờ đây có 1 tuần để đề xuất thành phần nội các mới.
Theo đài RT, ông Mishustin năm nay 53 tuổi, có bằng tiến sĩ kinh tế và từng làm việc nhiều năm trong chính phủ. Ông đảm nhận vị trí Cục trưởng Cục Thuế Liên bang kể từ năm 2010. "Ông Mishustin là ứng cử viên xứng đáng cho vị trí thủ tướng. Ông đã chứng tỏ hiệu quả làm việc trong thực tế…" - ông Nikolay Zhuravlev, Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, nhận định về nhân vật được Tổng thống Vladimir Putin đề cử một ngày trước đó.
Nội các của Thủ tướng Medvedev bất ngờ từ chức hôm 15-1 sau khi ông Putin đọc thông điệp liên bang, đề xuất một số sửa đổi đối với hiến pháp. Đáng chú ý, ông Putin muốn tăng cường quyền lực cho thủ tướng trong việc điều hành đất nước. Trong khi đó, quốc hội có quyền lựa chọn vị trí thủ tướng và các thành viên nội các, thay vì tổng thống như hiện nay. Tổng thống sẽ không được phép bác bỏ các ứng viên được quốc hội phê chuẩn.
Ông Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow (Nga), cho rằng các đề xuất này dường như nhằm hạn chế quyền lực của người kế nhiệm ông Putin.
Đề xuất nổi bật khác là tăng cường vai trò của Hội đồng Nhà nước mà ông Putin đang đứng đầu. Cụ thể, Hội đồng Nhà nước sẽ trở thành một cơ quan chính phủ chính thức và điều này được ghi rõ trong hiến pháp. Hội đồng Nhà nước hiện là cơ quan tư vấn cho Tổng thống Nga về các vấn đề quan trọng của đất nước, với các thành viên là thống đốc khu vực, lãnh đạo các đảng chính trị… Ngoài ra, ông Putin đề xuất các tổng thống tương lai phải sống ở Nga ít nhất 25 năm liên tiếp ở trong nước trước khi lên nắm quyền và chưa từng có hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy phép cư trú nước ngoài.
Những đề xuất sửa đổi hiến pháp sẽ được đưa ra bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu ý dân, nhiều khả năng diễn ra trước mùa hè năm nay, theo truyền thông địa phương. Giải thích cho quyết định của mình, ông Medvedev nhận định những đề xuất này sẽ làm thay đổi đáng kể cán cân quyền lực. Vì thế, chính phủ hiện tại nên từ chức để hỗ trợ tổng thống thực hiện những quyết định liên quan. Sau khi từ chức, ông Medvedev được đề nghị đảm nhận vai trò mới là phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, nơi ông Putin đang làm chủ tịch.
Giới phân tích cho rằng ông Putin đang chuẩn bị cho sự chuyển tiếp một khi nhiệm kỳ tổng thống của mình kết thúc vào năm 2024. Theo trang Bloomberg, những đề xuất sửa đổi hiến pháp, một khi thành hiện thực, sẽ giúp ông chủ Điện Kremlin có một số lựa chọn để tiếp tục nắm giữ quyền lực sau thời điểm này.
Chẳng hạn như với cương vị chủ tịch Hội đồng Nhà nước, ông Putin có thể nắm trong tay quyền kiểm soát và định hướng chính sách ngay cả khi không còn là tổng thống. Ngoài ra, ông Putin có thể trở thành thủ tướng với quyền lực được tăng cường hoặc tìm cách lèo lái đất nước trong vai trò chủ tịch quốc hội. "Hiện chưa rõ ông ấy sẽ giữ vai trò nào và ở vị thế nào. Điều chắc chắn duy nhất là ông ấy sẽ vẫn đóng vai trò người số 1" - nhà phân tích chính trị, cựu cố vấn Điện Kremlin Aleksei Chesnakov nói với báo The Wall Street Journal.
Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng ông Putin đang đi theo mô hình từng được nhà lãnh đạo Singapore Lý Quang Diệu thực hiện - dần rời bỏ quyền lực và đảm nhận vai trò giám hộ cho đến cuối đời. Dù vậy, cũng có ý kiến cho rằng nhà lãnh đạo Nga lo ngại mình đang nắm quyền quá lâu và muốn "chăm nom" di sản của mình trong lúc vẫn còn sống.