Phụ nữ Afghanistan “vỡ mộng” vì pha “lật kèo” của Taliban
Kinhte&Xahoi
Ngày 26/12/2021, Bộ Tuyên truyền Đức hạnh và Phòng chống Tệ nạn của Taliban đã ban hành một hướng dẫn mới dành cho đối tượng nữ giới ở nước này.
Phụ nữ và trẻ em tại Afghanistan đang phải đối mặt với nạn đói có khả năng sẽ xảy ra vào mùa đông năm nay.
Theo đó, phụ nữ đi xa nhà quá 72km không được sử dụng phương tiện di chuyển nếu không có người thân là nam giới đi cùng, các phương tiện chỉ được chở nữ giới có sử dụng khăn trùm đầu... là những hướng dẫn mới nhất được đưa ra tại Afghanistan. Những quy định này cho thấy quyền phụ nữ vẫn chỉ là lời nói suông của Chính quyền Taliban.
Những quy định khắt khe dành cho phụ nữ
Vào những năm 1990, Taliban cầm quyền ở Afghanistan và thực thi nghiêm ngặt luật Hồi giáo. Quyền của nữ giới bị hạn chế bởi các quy định hà khắc. Phụ nữ bắt buộc phải mang khăn trùm đầu che kín khuôn mặt, chỉ được phép ra đường khi có nam giới đi cùng, bị cấm đi làm và trẻ em gái không được phép học hành.
Từ năm 1996 đến 2001, Taliban áp dụng các luật lệ tàn bạo. Những cuộc hành quyết công khai thường xuyên diễn ra như treo cổ, chặt tay và chân người phạm tội, hay đánh đập, ném đá đến chết phụ nữ bị buộc tội ngoại tình. Chỉ đến khi chế độ cai trị của Taliban bị lật đổ vào năm 2001, người phụ nữ mới dám mơ ước về việc được đi học, đi làm. Tuy nhiên, lực lượng Taliban vẫn luôn âm thầm tìm cơ hội trỗi dậy.
Năm 2010, cả thế giới bàng hoàng với hình ảnh một cô gái Afghanistan tên Aishakhông có mũi xuất hiện trên trang bìa tạp chí Time. Một năm trước, Aisha cố gắng chạy trốn khỏi sự bạo hành của người chồng mà cô bị ép cướilúc mới 12 tuổi. Sau khi bị bắt lại, những chiến binh Taliban xẻo mũi và taicủa Aisha vì cho rằng cô làm xấu mặt gia đình chồng.
Nhiều phụ nữ đã biểu tình để đòi quyền lợi cho phái yếu.
Đầu tháng 8/2021, cảnh sát Afghanistan xác nhận các phần tử chủ chiến Taliban đã buộc tội “quan hệ bất chính” và hành quyết công khai một góa phụ đang mang thai. Cô gái bị giam giữ suốt 3 ngày, sau đó bị đánh 200 roi và bắn 3 viên đạn vào đầu trước sự chứng kiến của nhiều người tại tỉnh Badghis (Afghanistan).
Cảnh sát Afghanistan chobiết kẻ thực hiện hành quyết làMohammad Yousuf -một thủ lĩnh Taliban ở địa phương. Tuy nhiên, người phát ngôn của Taliban đã chối bỏ mọi trách nhiệm.Sự hung bạo của lực lượng Taliban từ lâu đã là nỗi ám ảnh kinh hoàng với phụ nữ Afghanistan.
Lời hứa liệu có được thực hiện?
Kể từ khi giành quyền kiểm soát Afghanistan từ giữa tháng 8/2021, Taliban cam kết sẽ nới lỏngnhững quy tắc cai trị cực đoan của thời kỳ cầm quyền vào những năm 1990.
Trong cuộc họp báo đầu tiên, Zabihullah Mujahid - người phát ngôn của nhóm vũ trang cho biết sẽ tôn trọng quyền của phụ nữ trong khuôn khổ Hồi giáo, cho phép mở trường học dành cho nữ sinh tại một số tỉnh, nữ giới được học tập và làm việc,đồng thời tuyên bố “ân xá” trên khắp Afghanistan và kêu gọi phụ nữ tham gia vào bộ máy chính phủ. Các chiến binh cố gắng thể hiện một “bộ mặt ôn hòa” và nỗ lực bảo vệ người dân.
Dù cho lời hứa được công bố với toàn thế giới, việc quay trở lại của lực lượng cực đoan vẫn trở thành nỗi ám ảnh của phụ nữ Afghanistan. Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại về tương lai của phụ nữ với trẻ em gái ở nước này. Quả nhiên mối lo ấy không phải là thừa,đến nay Taliban vẫn chưa thực sự thực hiện lời hứa của mình. Điều này thể hiện rõ qua những động thái gần đây của chính quyền này.
Theo đó, dù đưa ra thông điệp khuyến khích phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội và tham gia chính quyền nhưng trong bộ máy chính phủ mới của Taliban công bố hồi đầu tháng 9/2021 không có vị trí cấp cao nào thuộc về nữ giới.
Nghèo đói và thất nghiệp khiến người dân Afghanistan rơi vào cảnh túng quẫn.
Một tháng sau lời hứa hẹn, Thủ đô Kabul yêu cầu các nhân viên nữ làm việc cho chính quyền thành phố tạm thời nghỉ việc với lí do tình hình an ninh không đảm bảo. Phụ nữ bị cấm chơi thể thao. Thêm vào đó, các lớp học phải tách riêng nam và nữ. Nữ sinh viên phải mặc trang phục theo đúng quy chuẩn Hồi giáo.
Bộ Giáo dục Afghanistanchỉ đưa ra thông báo cho học sinh trung học nam và thầy giáo được quay trở lại trường học mà không đề cập gì đến nữ sinh. Mãi đến giữa tháng 10/2021, một số trung học dành cho nữ sinh mới mở cửa trở lại nhưng hầu hết trẻ em gái vẫn chưa được đến trường.
Bên cạnh đó, Taliban đã giải thể Bộ Phụ nữ - một cơ quan chủ chốt trong việc thúc đẩy quyền của phụ nữ thông qua luật pháp của chính quyền cũ và thay thế bởi Bộ Tuyên truyền Đức hạnh và Phòng chống tệ nạn. Luật “Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ” được ký kết năm 2009 nhằm bảo vệ phụ nữ khỏi bị lạm dụng và ép buộc kết hôn cũng bị bãi bỏ.
Hàng trăm người phụ nữ đã xuống đường biểu tình phản đối những hạn chế dưới sự cai trị của Taliban. Các cuộc biểu tình đòi quyền lợi, bình đẳng và dân chủ hầu hết đều bị lực lượng Hồi giáođàn áp với hơi cay và dùi cui.
Quy tắc hạn chế phụ nữ ra khỏi nhà vốn được thông báo mang tính tạm thời nhưng vẫn kéo dài và chưa thấy hồi kết. Hầu hết nhân viên nữ chưa thể đi làm trở lại vì bị cấm tham gia một số công việc trong chính phủ và truyền hình giải trí.
Tháng 11/2021, phụ nữ bị cấm xuất hiện trong các bộ phim truyền hình, kịch và các chương trình giải trí theo lệnh hạn chế truyền thông mới của Taliban. Các kênh truyền hình Afghanistan bị yêu cầu ngừng chiếu những bộ phim và kịch có diễn viên nữ tham gia. Phụ nữ dẫn chương trình tin tức phải đeo khăn trùm đầu khi lên hình.
Mới đây nhất, quy định hạn chế quyền đi lại của phụ nữ được ban hành qua những lời “hướng dẫn”. Nữ giới di chuyển cách nơi ở trên 72km chỉ được sử dụng phương tiện đi lại khicó người thân là nam giới đi cùng. Và dĩ nhiên kèm theo điều kiện họ phải sử dụng khăn che kín mặt. Dù mang danh nghĩa giúp nữ giới tránh bị tổn hai và “làm phiền” nhưng rõ ràng các quy định này khiến phụ nữ bị bạo hành mất đi cơ hội chạy trốn...
Những mảnh đời lâm vào đường cùng
Afghanistan vốn đã nghèo,đại dịch Covid và đợt hạn hán cuối năm 2020 khiến nền kinh tế sa sút trầm trọng. Gần 80% ngân sách của Chính phủ Afghanistan trước đây đến từ viện trợ của cộng đồng quốc tế.Taliban thuộc lực lượng Hồi giáo cực đoan nằm trong danh sách cấm vận của Liên Hợp quốc. Khi lực lượng này lên nắm quyền, các quốc gia cắt đứt dòng viện trợ để thể hiện sự phản đối chính quyền Taliban.
Chính quyền Taliban không thể trả lương khiến hàng trăm ngàn nhân viên nhà nước không còn kế sinh nhai. Nguồn tài trợ cho các dự án không còn, nhiều công việc cũng biến mất. Nền kinh tế bị tàn phá và đi đến bờ vực sụp đổ. Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng Afghanistan sẽ phải đối mặt với nạn đói trong mùa đông năm nay và97% người dân sẽ sớm sống dưới mức nghèo.
Số liệu thống kê do Liên Hợp Quốc cung cấp thể hiện rõ thảm cảnh của người dân Afghanistan hiện nay: gần 24 triệu người, chiếm khoảng 60% dân số phải đối đầu nạn đói nghiêm trọng. Liên Hợp quốc, Mỹ cùng các tổ chức đang nỗ lực để tìm cách đưa hàng trăm triệu USD từ quỹ viện trợ nhân đạođến với người dân Afghanistan mà không thông qua chính quyền Taliban vì e ngại họ không sử dụng số tiền này đúng mục đích.
Ngày 22/12/2021, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nới lỏng các biện pháp cấm vận, cho phép chuyển tiền và hàng hóa với mục đích cứu trợ nhân đạođến Afghanistan. Pakistan cũng đã tập hợp các nước Hồi giáo để tìm ra giải pháp giúp đỡ Afghanistan đối đầu với khủng hoảng kinh tế.
Việc tôn trọng và bảo vệ quyền phụ nữ của Taliban vẫn luôn là điều kiện hàng đầu để các tổ chức khôi phục viên trợ cho nước này. Các nhà hoạt động nữ quyền hy vọng Taliaban có thể thực hiện lời hứa, thể hiện thiện ý trong việc nỗ lực đạt được sự công nhận của các nhà đầu tư trên thế giới. Trước mắt, việc bảo vệ và tôn trọng phụ nữ là cơ hội duy nhất đểchứng minh Taliban đã thay đổi cách thức cai trị cực đoan của mình.
Kim Dung - Pháp luật Plus