Sản xuất, kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giả “lộng hành”

05/10/2021 07:38

Kinhte&Xahoi Tình hình buôn lậu, sản xuất, kinh doanh trái phép phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường...

Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian qua, lực lượng chức năng các tỉnh, thành phố đã liên tiếp phát hiện cơ sở kinh doanh phân bón quá hạn sử dụng, kém chất lượng, vi phạm về nhãn, thậm chí là phân bón giả.

Đơn cử, lực lượng chức năng tỉnh An Giang mới đây kiểm tra một hộ kinh doanh ở xã Bình Phú, huyện Châu Phú phát hiện 9,5 tấn phân bón đối với các mặt hàng D.A.P 18-46 do Công ty TNHH Thương mại - Xuất nhập khẩu phân bón Việt Thắng (Địa chỉ số 23/2 đường Lê Văn Khương, khu phố 7, phường Hiệp Thành, quận 12, TP HCM) sản xuất và Canada 16-16-8+TE do Công ty TNHH Sản xuất thương mại phân bón Vạn Phú Nông (Địa chỉ tại số 606 Phạm Thế Hiển, phường 4, quận 8, TP HCM) sản xuất.

Lực lượng chức năng kiểm tra hộ kinh doanh bán phân bón vi phạm nhãn, không có hóa đơn

Cả hai loại phân bón nêu trên, có nhãn không đủ nội dung theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa là không ghi mã số phân bón. Tại thời điểm kiểm tra, chủ hộ kinh doanh cũng chưa xuất trình được hóa đơn.

Tương tự, ngày 22/9 vừa qua, lực lượng liên ngành tỉnh An Giang đã tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Sản Xuất Thương Mại Dịch Vụ Thùy Trinh (Địa chỉ 1100/1B, khóm Tây Khánh 6, phường Mỹ Hòa, TP Long Xuyên).

Qua kiểm tra, đoàn liên ngành phát hiện Công ty TNHH Sản Xuất Thương Mại Dịch Vụ Thùy Trinh đang trưng bày bán phân bón, nhãn hiệu Đức Mỹ Mỹ 16.8.23+TE sản phẩm của Công ty TNHH MTV On Oanh - Nhà máy phân bón Hồng Liên (Địa chỉ 3217 An Hương 1, xã Mỹ An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long); loại bao 50kg, ngày sản xuất 24/3/2020, hạn sử dụng 2 năm, giá niêm yết bán 560.000 đồng/bao. Trên bao bì phân bón không ghi quyết định về việc công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam và mã số phân bón.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian qua, các lực lượng chức năng đã phát huy hiệu quả tích cực, phát hiện, xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm, trong đó có các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp về buôn lậu, sản xuất, kinh doanh trái phép vật tư nông nghiệp trên các địa bàn trọng điểm; góp phần kiềm chế, ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên phạm vi cả nước.

Lực lượng quản lý thị trường đang tăng cường kiểm tra việc kinh doanh phân bón

Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, sản xuất, kinh doanh trái phép vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp ở hầu hết các địa bàn trên cả nước, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường; tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường...

Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, các đối tượng đã lợi dụng quy định của pháp luật về hàm lượng, định lượng chất chính hoặc tổng các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản đối với phân bón để sản xuất hàng giả, kém chất lượng; trộn sản phẩm giá rẻ vào sản phẩm có thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng để bán ra thị trường; trộn thêm tạp chất để tăng khối lượng các sản phẩm phân bón…; vi phạm về nhãn hiệu, bao bì để gây nhầm lẫn, ngộ nhận, đánh lừa người tiêu dùng…

Bên cạnh đó, các đối tượng còn tổ chức làm giả nhãn, bao bì, tên thương phẩm của doanh nghiệp khác có thương hiệu, hoặc giả tên thương phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đang bán chạy trên thị trường…

Vì vậy, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng trên địa bàn cả nước.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý chất lượng phân bón, thuốc thuốc bảo vệ thực vật chính là góp phần ổn định và nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; trong quá trình sản xuất các mặt hàng trên phải đảm bảo cho an toàn thực phẩm và môi trường sinh thái.

Trước đó, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đã yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành có liên quan tại địa phương xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với mặt hàng phân bón. Thời gian kiểm tra từ ngày 1/8 đến ngày 12/12/2021.

 Qua 2 năm thực hiện kế hoạch 1239/KH-BCĐ389, các lực lượng chức năng đã thanh tra, kiểm tra, xử lý hàng nghìn tổ chức, cá nhân vi phạm, thu gữi hàng chục nghìn tấn phân bón vi phạm có trị giá hàng trăm tỷ đồng, xử phạt hành chính hơn 82,634 tỷ đồng, khởi tố 10 vụ và 12 bị can.
 

 Hậu Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Các triệu chứng hậu Covid-19 có thể kéo dài từ 3 đến 6 tháng

Một nghiên cứu của Đại học Oxford, Viện Nghiên cứu Y tế Quốc gia Anh (NIHR) và Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Y tế Oxford (BRC) đã cho thấy các bệnh nhân sau khi khỏi bệnh Covid-19 sẽ gặp một số triệu chứng kéo dài từ 3 đến 6 tháng. Các triệu chứng này bị ảnh hưởng bởi mức độ nghiêm trọng khi nhiễm virus SARS-CoV-2, độ tuổi và giới tính.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/san-xuat-kinh-doanh-phan-bon-va-thuoc-bao-ve-thuc-vat-gia-long-hanh-179383.html