Tăng cường bảo vệ trẻ em sau vụ cháu nhỏ bị nhốt vào tủ đông

17/08/2022 19:39

Kinhte&Xahoi Các địa phương lập các tổ, ban bảo vệ trẻ em với sự tham gia của liên ngành từ cấp xã trở lên, để nắm bắt, phát hiện kịp thời các trường hợp trẻ có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại...

Sau vụ việc một cháu nhỏ hơn 3 tuổi ở Hà Nam bị hàng xóm hành hung rồi cho vào tủ cấp đông dẫn tới sức khoẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ngày 17/8, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã có công điện đề nghị lãnh đạo các địa phương tăng cường biện pháp bảo vệ trẻ em, xử lý nghiêm và kịp thời các cá nhân, tổ chức xâm hại trẻ em.

Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đánh giá, thời gian qua, các cấp ngành, địa phương đã tích cực triển khai công tác bảo vệ trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, gần đây, các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em có chiều hướng phức tạp, nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đặc biệt vụ việc ở Hà Nam vừa xảy ra.

Đối tượng Giang (khoanh đỏ) bạo hành, nhốt cháu Đ vào tủ đông

Để bảo vệ trẻ em tốt hơn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Trong đó, thực hiện nghiêm Nghị quyết 121/2020 của Quốc hội về tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, các quyết định và chỉ đạo của Chính phủ.

Các địa phương cần ưu tiên bố trí nguồn lực bảo đảm việc can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại; lập các tổ, ban bảo vệ trẻ em với sự tham gia của liên ngành từ cấp xã trở lên, để nắm bắt, phát hiện kịp thời các trường hợp trẻ có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại; Trong đó đặc biệt quan tâm tới trẻ sống trong gia đình có cha mẹ ly hôn, ly thân, cha mẹ đi làm ăn xa hoặc có người liên quan đến tệ nạn xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ LĐTB&XH yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, kiến thức về bảo vệ, chăm sóc trẻ em tới cán bộ địa phương, gia đình, trường học…, trong đó tập trung phòng ngừa tình trạng cha, mẹ, người thân, người chăm sóc trẻ xâm hại trẻ.

Khi có tin báo về trẻ bị xâm hại, Bộ LĐTB&XH đề nghị các địa phương tiếp nhận, xử lý một cách hiệu quả, có giải pháp can thiệp và hỗ trợ trẻ; Tăng cường thanh kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại địa phương.

Các địa phương xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra trên địa phương; xử lý nghiêm cơ quan, tổ chức, cá nhân che giấu, không thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, hoặc thiếu trách nhiệm trong việc xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.

 Diệu Linh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Mỹ đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng

Các trường học ở khu vực nông thôn Texas sẽ cho học sinh nhập học muộn hơn vào mùa thu này do thiếu giáo viên. Trong khi đó, Florida đề nghị các cựu chiến binh tham gia “đứng lớp” mặc dù họ chưa có kinh nghiệm giảng dạy; Còn Arizona cho phép sinh viên đại học hỗ trợ giảng dạy và hướng dẫn các kỹ năng cho học sinh tại trường… Đó là những lát cắt phản ánh thực tế các trường học khắp nước Mỹ đang rơi vào tình cảnh thiếu giáo viên trầm trọng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tang-cuong-bao-ve-tre-em-sau-vu-chau-nho-bi-nhot-vao-tu-dong-203743.html