Thành phố du lịch trở thành nơi ô nhiễm nhất thế giới
Kinhte&Xahoi
Chiang Mai được xếp vào danh sách các thành phố tồi tệ nhất thế giới về chất lượng không khí trong cuộc khảo sát 100 thành phố trên thế giới do tình trạng ô nhiễm trở nên tồi tệ hơn trong những tháng vừa qua.
Một nhân viên cứu hộ phun nước lên trời để giảm ô nhiễm không khí ở tỉnh Chiang Mai hồi đầu tháng này (Ảnh: Panumet Tanraksa)
Cứ đến tháng 12 hàng năm, bác sĩ Nitipatana Chierakul, một chuyên gia về hô hấp, nhận thấy tình trạng các bệnh nhân sẽ dần chuyển biến xấu tại bệnh viện nơi ông làm việc ở Bangkok.
Một số bệnh nhân có biểu hiện đau ngực hoặc ho kéo dài. Ông nói: “Hầu hết họ đều cảm thấy khó thở. Tôi ước tính trong ít nhất ba tháng vừa qua, những bệnh nhân có bệnh nền chiếm tới 80% số ca của khoa.
Nguyên nhân là do sương mù dày đặc bao phủ thành phố và các khu vực khác trong những trong những tháng có thời tiết lạnh hơn của xử sở chùa Vàng.
Mức độ ô nhiễm thậm chí còn nghiêm trọng hơn ở phía Bắc Thái Lan. Đầu tuần qua, Chiang Mai được xếp vào danh sách ô nhiễm không khí tồi tệ nhất trong bảng xếp hạng của IQAir (một công ty công nghệ chất lượng không khí của Thụy Sĩ, chuyên giám sát chất lượng không khí và phát triển sản phẩm làm sạch không khí).
Sương mù che khuất tầm nhìn ra núi Doi Suthep của Chiang Mai, khiến một bác sĩ cảnh báo trên mạng xã hội trong tháng này rằng du khách không nên đến thăm thành phố này.
Tại Mae Sai, phía bắc tỉnh Chiang Rai, phương tiện truyền thông địa phương đưa tin hôm thứ Hai cho thấy bụi vàng dày đặc trong không khí, khi nồng độ PM2.5 đạt 76,3 lần so với ngưỡng tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Thậm chí, cuối tuần qua, những tấm biển ghi “Hãy cứu lấy Mae Sai” đã được treo ở những nơi công cộng.
Ngừời dân đeo khẩu trang khi các tòa nhà cao tầng bị bao phủ bởi sương mù ở thủ đô Bangkok (Ảnh: EPA)
Ô nhiễm không khí ở Thái Lan nói chung tồi tệ nhất trong những tháng lạnh, khi việc đốt nông sản theo mùa xảy ra trên khắp khu vực, cộng thêm khói do giao thông và công nghiệp thải ra.
Thái Lan là nước sản xuất mía đường và lúa gạo lớn, nên cứ đến mùa là nông dân lại đốt trên đồng ruộng với nhiều mục đích khác nhau.
Saroj Dokmaisrichan, một nông dân trồng mía ở tỉnh Suphan Buri cho biết hoạt động này vẫn tiếp diễn bất chấp lệnh cấm, vì nhiều nông dân không có lựa chọn nào khác.
“Đốt mía thì không còn lá nữa. Nông dân sẽ dễ dàng cắt hơn”, ông chia sẻ. Điều này cũng dẫn đến chi phí lao động thấp hơn, trong khi nông dân dễ dàng đáp ứng thời hạn của nhà máy.
Bộ Y tế Công cộng cho biết hơn 1,4 triệu người đã ngã bệnh ở Thái Lan kể từ đầu năm do ô nhiễm không khí. Chính quyền Bangkok đã thành lập “phòng theo dõi ô nhiễm” - với màn hình hiển thị các kiểu thời tiết và mức độ ô nhiễm vào năm ngoái.
Hiện Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã yêu cầu các cơ quan liên quan hành động nhằm giảm thiểu tác động của ô nhiễm không khí đối với người dân, trong đó có việc trừng phạt nghiêm khắc thủ phạm của các vụ đốt rừng và chất thải nông nghiệp.
Chất lượng không khí xuống cấp, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe có thể là nguyên nhân khiến nhiều du khách từ chối đến với xứ sở chùa vàng vào thời điểm du lịch đẹp nhất trong năm này.
Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ triển khai các biện pháp mạnh tay hơn, bao gồm áp đặt lệnh giới nghiêm ở một số khu vực, nhằm đối phó với tình trạng đốt rừng và chất thải nông nghiệp đang lan rộng tại các tỉnh miền Bắc và Đông Bắc nước này, gây ra tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng trên diện rộng.
Tuệ Uyên - TTTĐ