Hơn 1 tỷ bữa ăn bị vứt đi mỗi ngày ở các quốc gia nghèo và phát triển dù hơn 730 triệu người trên thế giới đang sống trong cảnh đói khát. Các hộ gia đình lãng phí thực phẩm nhiều nhất, với khoảng 60% trong số 1 tỷ tấn thực phẩm bị vứt bỏ hằng năm. Các hệ thống thực phẩm thương mại cũng góp phần đáng kể, với dịch vụ thực phẩm lãng phí 28% và 12% đối với ngành bán lẻ.
Những thống kê kể trên đã loại trừ 13% lượng thực phẩm bị thất thoát trong chuỗi cung ứng tính từ thời điểm thu hoạch đến khi đưa ra thị trường. Nguyên nhân thường do thực phẩm bị loại bỏ vì hư hỏng.
Việc lãng phí thực phẩm không chỉ gây lãng phí tài nguyên thiên nhiên mà còn là tác nhân lớn gây ra khủng hoảng khí hậu và đa dạng sinh học. Inger Andersen, Giám đốc Điều hành của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) mô tả, sự lãng phí thực phẩm là “một thảm kịch toàn cầu”, hoàn toàn đối lập với thực tế hàng triệu người đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực, theo The Guardian.
Các nhà hoạt động Đức biểu tình phản đối tình trạng lãng phí thực phẩm. Ảnh: Reuters
Rất ít quốc gia có kế hoạch giảm tình trạng lãng phí thực phẩm và hầu hết đều không đưa vấn đề này vào đề xuất giảm lượng khí thải carbon. Nhưng tại một số quốc gia, bao gồm Anh, Australia, Indonesia, Mexico và Nam Phi, tình trạng lãng phí thực phẩm đã giảm đáng kể từ năm 2007. Nhật Bản cắt giảm gần 1/3 mức lãng phí thực phẩm, trong khi tỷ lệ này tại Anh là 18%.
Lisa Moon, Giám đốc Điều hành của Mạng lưới ngân hàng thực phẩm toàn cầu (GFN), đã kêu gọi các nhà bán lẻ và nhà sản xuất thực phẩm hợp tác chặt chẽ hơn với các ngân hàng thực phẩm để giảm lãng phí, hướng đến mục tiêu giải quyết nạn đói và khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Thương Nguyệt - Hà Nội mới