Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.
Nóng dư luận với loạt video “bóc phốt”
Kênh DW (Đức) đưa tin trùm mafia khét tiếng Sedat Peker công khai cáo buộc một số quan chức cấp cao của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện trọng tội như giết người, hiếp dâm và buôn lậu thông qua một loạt video trên YouTube. Trong đó, ông trùm này miêu tả mối quan hệ sâu rộng giữa các mạng lưới tội phạm với Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền.
Cáo buộc đầu tiên của ông Peker nhắm vào “Pelikan”, một nhóm nhỏ các quan chức xung quanh cựu Bộ trưởng Tài chính Berat Albayrak (cũng là con rể ông Erdogan) và cựu Bộ trưởng Nội vụ Mehmet Agar liên quan trực tiếp đến một vụ sát hại nhà báo vào năm 1993.
Con trai của người này - cũng là một chính trị gia bị cáo buộc hiếp dâm và sát hại một nhà báo vào năm 2019. Ngoài ra là hàng loạt các cáo buộc chưa được kiểm chứng, như việc quan chức đã chiếm đoạt một bến du thuyền và sử dụng nó để buôn bán ma túy; việc một người phụ nữ bị giết hại sau khi đệ đơn khiếu nại một quan chức của Đảng AKP vì tấn công tình dục...
Tuy nhiên, “mũi giáo” nhanh chóng chuyển sang phía Süleyman Soylu - Bộ trưởng Nội vụ đương nhiệm. Qua mỗi đoạn video, Peker dần vẽ một bức tranh về sự hợp tác chặt chẽ giữa các băng nhóm tội phạm và giới chức cấp cao.
Trong một video, Peker nói Bộ trưởng Nội vụ Soylu là người đảm bảo an toàn cho ông ta và cung cấp thông tin về việc trùm mafia bị điều tra, qua đó giúp Peker trốn thoát được khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Ở chiều ngược lại, Peker bảo vệ vị quan chức kia khỏi các thế lực đối đầu trong nội bộ AKP.
Trùm mafia khét tiếng Sedat Peker.
Trùm mafia 49 tuổi cũng thừa nhận mình có liên quan trực tiếp đến các hành vi phạm pháp theo lệnh của các quan chức cấp cao. Trong đó, Peker cho biết cấp dưới của ông đã tấn công một tòa soạn báo vào năm 2015 và chiếm đoạt tài sản của các chính trị gia đối lập. Đến thời điểm hiện tại, Peker đã đăng tải 7 trong tổng số 12 đoạn video cam kết lên nhiều nền tảng.
Peker tiết lộ thêm rằng ông đang ở Dubai. Trước đó, ông từng thụ án tù vài lần ở Thổ Nhĩ Kỳ vì tội lừa đảo và điều hành băng đảng tội phạm. Vào lần được trả tự do hồi năm 2014, Peker dường như thiết lập mối quan hệ sâu rộng với nhiều thành viên của AKP.
Tuy nhiên, trùm mafia này rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ năm 2020 để tránh bị truy tố. Đầu tháng 5 vừa qua, ông bắt đầu đăng tải các video sau khi cảnh sát mở một chiến dịch điều tra mới nhằm vào ông và các thành viên cùng băng đảng.
Peker là một trong những trùm mafia khét tiếng trong những năm 1990, giai đoạn “đỉnh cao” của mối quan hệ mafia - chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ, khi các cơ quan tình báo bị tố hợp tác với mafia để tiến hành các vụ ám sát chính trị. Vụ việc khiến dư luận Thổ Nhĩ Kỳ nhớ lại sự kiện trong thập niên 90 của thế kỷ trước khi truyền thông địa phương đưa ra nhiều nghi vấn quan chức chính phủ cấp cao có dính líu với tội phạm. Một số vụ ám sát và mất tích liên quan đến chính giới khi đó đều được cho là do tổ chức tội phạm giật dây.
Chính quyền hành động muộn màng?
Các video trên nhanh chóng nhận được sự chú ý trên mạng xã hội và đã thu hút đến hơn 30 triệu lượt xem. Chính phủ đương nhiệm bác bỏ yêu cầu mở cuộc điều tra về các cáo buộc đưa ra trong các video của Peker. Trong khi đó, nhiều nghị sĩ đảng đối lập yêu cầu Bộ trưởng Soylu phải từ chức.
Phía Bộ trưởng Soylu đã đệ đơn khiếu nại hình sự chống lại Peker, sau khi các video cáo buộc ông được đăng tải. Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ đã khám xét nhà riêng của Peker ở thủ đô Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng điều đó dường như không tác dụng gì. Với thái độ bất chấp, Peker tiếp tục đăng video cáo buộc và mô tả về sự đấu đá nội bộ giữa Tổng thống, các quan chức cấp cao và các băng đảng mafia.
Do không có điều tra toàn diện về cáo buộc, dư luận Thổ Nhĩ Kỳ đến nay vẫn chưa thể xác thực được thông tin mà tên trùm Peker đưa ra. Mặc dù vậy, những tuyên bố của “người tuýt còi” mafia đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến Đảng AKP của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, vốn đang bị sụt giảm tín nhiệm trong bối cảnh kinh tế lao đao và người dân phẫn nộ về cách giải quyết khủng hoảng Covid-19.
Sau nhiều tuần phớt lờ sự việc, cuối cùng Tổng thống Erdogan trong cuộc họp nội các gần đây lên tiếng nhận định về những video này: “Thật buồn khi một số người dân Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chấp nhận sự hỗ trợ từ mafia. Giống như các tổ chức khủng bố, tội chức tội phạm chính là những con rắn độc”.
Theo Washington Post, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố một trong số những mục tiêu quan trọng nhất khi ông nắm quyền là “đảm bảo hòa bình khắp đất nước”. “Nhờ vào sự nỗ lực, chúng tôi đã loại bỏ hoàn toàn các tổ chức tội phạm”, ông Erdogan nhấn mạnh và khẳng định “sẽ lật tẩy thứ kịch bản bẩn thỉu này”.
Đảng AKP của ông Erdogan bắt đầu cầm quyền vào đầu những năm 2000, với lời hứa chấm dứt thời kỳ đen tối trước đó - vốn nổi tiếng với mối quan hệ phức tạp giữa các băng đảng, cảnh sát, chính trị gia và doanh nghiệp. Ông Erdogan tuyên bố đất nước của ông đã sang trang mới, bỏ lại lịch sử không mấy tự hào.
Theo New York Times, ông Erdogan và Đảng AKP của ông chắc chắn trông chờ nhiều vào thập niên hiện tại, thời điểm đánh dấu 20 năm cầm quyền của ông, cũng như 100 năm kể từ lúc Nhà nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập. Luật Bầu cử mới của Thổ Nhĩ Kỳ được thông qua năm 2018, sẽ giúp đảm bảo chiến thắng của ông Erdogan trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2023, qua đó đưa ông vào lịch sử của Thổ Nhĩ Kỳ dưới tư cách lãnh đạo tại vị lâu nhất.
Tuy nhiên, mọi thứ không hề như kỳ vọng của ông. Về mặt đối ngoại, sau nhiều năm thâm thù, ông Erdogan buộc phải vãn hòa với Ai Cập và Saudi Arabia nhằm cứu vãn tình hình kinh tế tồi tệ trong nước. Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa chính thức công nhận việc Đế quốc Ottoman (tiền thân của Thổ Nhĩ Kỳ) đã diệt chủng người Armenia.
Trong nước, các cuộc thăm dò cho thấy ông Erdogan và Đảng AKP đã bị các đối thủ vượt mặt do khủng hoảng về kinh tế và đại dịch Covid-19. Theo các khảo sát mức độ ủng hộ của người dân đối với chính quyền đương nhiệm của Đảng AKP và Tổng thống Tayyip Erdogan xuống thấp kỷ lục. Khảo sát do Công ty Metropoll thực hiện cho thấy, tỷ lệ ủng hộ AKP giảm 33% so với tháng 6/2018. Tổng thống Erdogan cũng chỉ nhận được tỷ lệ ủng hộ 40%, đứng sau cả các Thị trưởng Ankara cùng Istanbul là Mansur Yavas và Ekrem Imamoglu.
Ông Ibrahim Uslu tại Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Ankara (ANAR) đánh giá phát biểu của ông Erdogan được đưa ra quá muộn màng, lẽ ra Đảng AKP phải có hành động rõ ràng và dứt khoát đối với những tổ chức tội phạm.
Nhà nghiên cứu tại Hội đồng châu Âu về Đối ngoại (ECFR) Asli Aydintasbas thì nhận định: “Erdogan đã tạo danh tiếng cho mình là một người dọn dẹp các mạng lưới quan hệ ngầm giữa các chính trị gia và các nhóm tội phạm. Tuy nhiên, những điều đó đã quay lại”.
Lâm Gia - Pháp luật Plus