Đập thủy điện Tam Hiệp, hiện nay đang là đập thủy điện lớn nhất thế giới. Ảnh: News.cn
Đập thủy điện này sẽ nằm ở hạ lưu sông Yarlung Zangbo và dự kiến sản xuất 300 tỷ kWh điện mỗi năm, theo ước tính từ Tổng công ty Xây dựng Điện lực Trung Quốc vào năm 2020. Con số này cao gấp hơn ba lần công suất thiết kế 88,2 tỷ kWh của đập Tam Hiệp, hiện là đập thủy điện lớn nhất thế giới tại Trung Quốc.
Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã, dự án sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Trung Quốc đạt các mục tiêu về khí hậu, đồng thời kích thích các ngành công nghiệp liên quan, tạo việc làm tại Tây Tạng.
Khu vực xây dựng đập thuộc đoạn sông Yarlung Zangbo, nơi dòng chảy giảm độ cao 2.000 mét trong vòng chỉ 50 km, mang đến tiềm năng thủy điện khổng lồ nhưng cũng đặt ra những thách thức kỹ thuật độc đáo.
Chi phí xây dựng dự án, bao gồm cả các hạng mục kỹ thuật, được dự đoán sẽ vượt qua mức 254,2 tỷ nhân dân tệ (tương đương 34,83 tỷ USD) của đập Tam Hiệp. Mức chi phí này đã bao gồm việc tái định cư cho 1,4 triệu người bị ảnh hưởng, cao hơn gấp bốn lần ước tính ban đầu là 57 tỷ nhân dân tệ.
Hiện vẫn chưa rõ dự án tại Tây Tạng sẽ di dời bao nhiêu người và tác động ra sao đến hệ sinh thái địa phương.
Dù phía Trung Quốc khẳng định rằng các dự án thủy điện tại Tây Tạng, chiếm hơn một phần ba tiềm năng thủy điện của cả nước sẽ không ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc nguồn nước hạ lưu, nhưng Ấn Độ và Bangladesh vẫn bày tỏ quan ngại.
Dự án có thể thay đổi dòng chảy và hệ sinh thái của sông Brahmaputra, con sông bắt nguồn từ Yarlung Zangbo ở Tây Tạng, chảy qua bang Arunachal Pradesh và Assam của Ấn Độ, trước khi đổ vào Bangladesh.
kinhtedothi.vn