Từ 10/3 xúc phạm danh dự học sinh có thể bị phạt tới 10 triệu đồng

06/03/2021 21:37

Kinhte&Xahoi Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định nhiều nội dung về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giáo dục sẽ có hiệu lực từ 10/3.

 Xúc phạm danh dự học sinh có thể bị phạt tới 10 triệu đồng. Ảnh minh họa

Nghị định số 04/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 3 năm 2021 và thay thế Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Trong đó các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực giáo dục khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ được giao theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành thì không xử phạt theo Nghị định 04/2021/NĐ-CP mà xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

Cụ thể, hình thức xử phạt chính gồm: Phạt cảnh cáo và phạt tiền.

Hình thức xử phạt bổ sung gồm: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; trục xuất; đình chỉ hoạt động có thời hạn.

Mức phạt tiền trong lĩnh vực giáo dục: Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giáo dục đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với tổ chức là 100 triệu đồng.

Nội dung đáng chú ý tại Nghị định này nêu rõ tại Điều 28: Vi phạm quy định về kỷ luật người học; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học; vi phạm quy định về chính sách đối với người học.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

Kỷ luật người học không đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về chính sách đối với người học.

Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc hủy bỏ quyết định kỷ luật và khôi phục quyền học tập của người học đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

Buộc xin lỗi công khai người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, trừ trường hợp người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể hoặc người đại diện hợp pháp của người học là người chưa thành niên có yêu cầu không xin lỗi công khai.

 Xuân Thành - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lối thoát nào cho cuộc khủng hoảng ở Myanmar?

ASEAN và Trung Quốc có thể đóng vai trò tích cực, song cuối cùng giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Myanmar phụ thuộc vào chính câc nhà lãnh đạo của quốc gia Đông Nam Á này.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/tu-10-3-xuc-pham-danh-du-hoc-sinh-co-the-bi-phat-toi-10-trieu-dong-d150263.html